Khe Sanh (Hướng Hóa) là một vùng đất đỏ ba dan với truyền thống trồng cây cà phê từ thế kỷ 19. Cà phê Arabica Khe Sanh là một trong tám vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam, hiện có hơn 8.000 hộ đang canh tác cà phê với diện tích khoảng 3.700 ha tập trung chủ yếu ở hai xã Hướng Phùng và Hướng Tân. Sau nhiều năm thử nghiệm với giống arabica dòng bourbon, liberica (cà phê mít) thì đến nay giống cà phê catimor thuộc dòng Arabica đã trở thành giống cà phê trọng điểm, làm nên thương hiệu của Arabica Khe Sanh.
Vùng đất Khe Sanh, Hướng Hóa phù hợp với cây cà phê -Ảnh: T.N
Trưởng Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết, để xây dựng thế mạnh cây trồng chủ lực trên địa bàn, giúp nông dân trồng cà phê tăng thu nhập, nâng cao đời sống, đồng thời khẳng định thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh, huyện đã đánh giá thực trạng và chọn lựa vùng nguyên liệu hiện có tại địa phương để có giải pháp phục hồi, tái tạo phù hợp. Với chiến lược của huyện là nâng chất lượng sản phẩm cà phê Arabica Khe Sanh lên tầm quốc gia, hướng tới thị trường xuất khẩu.
Theo đó, huyện đã khoanh vùng sản xuất cà phê đặc sản theo quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Để thực hiện hiệu quả, bền vững chiến lược sản xuất cà phê đặc sản, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất cà phê trọng điểm. Có chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cà phê đặc sản được quy hoạch và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc vùng nguyên liệu. Đầu tư máy móc và các hạng mục hỗ trợ, đào tạo chế biến chuyên sâu cà phê phục vụ cho việc chế biến cà phê đặc sản.
Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản trong và ngoài tỉnh. Trong đó, các vùng canh tác truyền thống, có năng suất, chất lượng cà phê tốt như Hướng Phùng, Hướng Tân… được tận dụng để phát triển thành những vùng sản xuất cà phê chất lượng cao.
Đưa các giống cà phê mới có chất lượng tốt để nông dân tái canh diện tích cà phê. Cùng với đó, huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, mở các lớp đào tạo chuyên môn cho các cán bộ quản lý, doanh nghiệp, người trực tiếp sản xuất cà phê. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất cà phê đặc sản xây dựng cơ sở hạ tầng, đánh giá chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Các hộ gia đình tham gia tập huấn trong chương trình hội thảo quốc tế tư vấn du lịch nông nghiệp -Ảnh: T.L
Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, người trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa đã hướng đến mục tiêu sản xuất cà phê đặc sản, chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh. Hiện nay, các nông hộ, đơn vị chế biến và doanh nghiệp thu mua đã kết hợp với nhau để sản xuất ra hạt cà phê đạt chất lượng tốt nhất.
Để thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam và mang cà phê Việt Nam ra thế giới, năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030 triển khai tại 8 tỉnh của Việt Nam, trong đó có Quảng Trị. Giai đoạn 2021-2025, diện tích trồng cà phê đạt 11.500 ha, chiếm 2% tổng diện tích cà phê trên cả nước; giai đoạn 2026-2030, diện tích trồng cafe đạt 19.000 ha, chiếm 3% tổng diện tích cà phê trên cả nước. |
Đồng hành với nông dân trong sản xuất và chế biến cà phê sạch, Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh, Công ty TNHH Pun Coffee đã liên kết hỗ trợ sản xuất cà phê hữu cơ, thực hiện mô hình đưa rừng về vườn, phát triển vùng nguyên liệu cà phê theo tiêu chí nông-lâm kết hợp, tạo sự đa dạng sinh học từ vườn rừng và đa dạng sinh kế cho nông dân.
Pun Coffee là doanh nghiệp không chỉ thực hiện trồng cà phê mà có chủ trương liên kết, xây dựng mô hình cà phê chất lượng từ nông trại bao gồm canh tác. Trồng xen cây che bóng, cây lâm nghiệp, quản lý cỏ dại, sử dụng phân bón vi sinh từ rác thải nông nghiệp và hạn chế sử dụng hóa chất, trong trường hợp cây cà phê phát sinh bệnh tật, chế phẩm ngăn ngừa bệnh tật trên cây cà phê đều được kiểm định và đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc.
Thu hoạch cà phê ở Hướng Phùng, Hướng Hóa -Ảnh: TRÀ THIẾT
Hiện nay, vùng cà phê Arabica Khe Sanh sau nhiều năm suy giảm diện tích do mất mùa thì các vùng trồng đang được dần tái đầu tư, trồng mới, bởi những nỗ lực của Pun Coffee cùng nhóm các đơn vị chế biến nhiều năm liền đã góp phần vinh danh cà phê Arabica Khe Sanh trên bản đồ cà phê đặc sản Việt Nam.
Trong đó cà phê Arabica Khe Sanh do Pun Coffee đã giành được giải Nhất tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức và tiếp đến năm 2021, 2023, 2024 cà phê Arabica Khe Sanh do Pun Coffee sản xuất đã liên tiếp được xếp hạng top 1 cà phê đặc sản Việt Nam.
Hiện nay, thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh mà Pun Coffee đang triển khai sản xuất, chế biến đã khẳng định vị thế trên bản đồ cà phê đặc sản Việt Nam và toàn cầu. Bởi đây là sản phẩm không chỉ mang đến hạt cà phê chất lượng mà còn tác động bền vững đến môi trường, tạo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số và đưa Khe Sanh xứng danh vùng cà phê độc đáo ở Việt Nam.
Tân Nguyên
Nguồn: https://baoquangtri.vn/vinh-danh-ca-phe-arabica-khe-sanh-190280.htm