“Bắt hôi” ở mỗi vùng miền có thể khác nhau về tên gọi nhưng địa phương nào có hồ nuôi cá thì cũng có công đoạn “bắt hôi” trước khi vệ sinh hồ và xả nước trở lại. Bản chất này là bắt tôm cá trong hồ của gia chủ sau khi họ thu hoạch xong. Tuy nhiên ở làng Thượng Nghĩa, “bắt hôi” có những nét đặc trưng so với nhiều địa phương khác.
Người mua tự cân cá để trả tiền cho chủ hồ -Ảnh: M.T
Làng Thượng Nghĩa ngập trũng nên thường thu hoạch cá vào tháng 9 dương lịch hằng năm để tránh lụt ngập hồ. Trong làng có hơn 10 hồ nuôi cá của hộ và nhóm hộ.
Vào dịp này, cứ sáng sớm là mấy đứa cháu đập cổng ầm ầm kêu: Chú ơi! Đi “bắt hôi” cá lấy hên. Tôi mở toang cổng đã thấy mọi người lũ lượt tiến về mấy hồ cá cuối làng. “Nhanh lên chú, vui lắm!”, đám trẻ sốt ruột lại giục. Hòa vào không khí “bắt hôi” của dân làng, tôi lại có cảm giác náo nức như thời còn thơ bé. Tuổi thơ của tôi đã đi qua bao bận “bắt hôi” cá lấm lem bùn đất.
Thông thường mỗi lần thu hoạch cá, chủ hồ sẽ mướn người bắt cá theo lối cuốn chiếu. Nghĩa là nước hút cạn đến đâu, quân của gia chủ dàn thành hàng ngang mò bắt sạch cá đến đấy. Thành phần “bắt hôi” sẽ ở phía sau và tiến dần theo dấu chân của quân chủ nhà đã qua.
Đám trẻ con bọn tôi luôn nhớ lời mạ dặn: “Nhớ “bắt hôi” phải luôn đi phía sau hai sải chân, đừng leo lên phía trước, chủ nhà đập què giò nghe con”.
“Bắt hôi” cũng phải biết “đối ngoại” với quân của chủ nhà, làm thế nào họ thương tình để sót vài con cá nhỏ trong đám cỏ, hoặc nhét cá ngay dưới dấu chân đã đi qua và làm hiệu để người “bắt hôi” thọc tay xuống bắt.
Hồi đó tôi có một đứa bạn, mỗi lần bọn tôi lao xuống cào nát bùn đất chí chóe tranh giành mấy con cá nhỏ thì nó chỉ ngồi trên bờ quan sát. Đến khi mọi người về hết, nó vẫn cứ ngồi đó, mắt đăm đăm nhìn ra mặt hồ tả tơi bùn đất, nứt nẻ dưới trưa nắng rát.
Rồi một lúc sau, bạn tôi ì ạch xách về một bao đầy cá lóc to bự. Thì ra cu cậu ngồi quan sát nơi nào lớp bùn dày nhất trong hồ, cá tràu to thường chui sâu xuống đáy bùn nằm im chờ nước. Đến trưa nắng nóng chịu ngộp không thấu sẽ trồi lên mặt bùn. Mấy con này thường rất to béo.
Còn “bắt hôi” ở làng Thượng Nghĩa thì rất khác.
Bất kỳ gia đình nào thu hoạch cá đều không cần thuê người mà người dân trong làng tự nguyện đến “bắt hôi”. Cá bắt được là lộc trời cho người “bắt hôi” nhưng mỗi khi bắt được con cá vừa ý, người “bắt hôi” tự cân trọng lượng và trả tiền sòng phẳng cho gia chủ.
Gia chủ cũng hào phóng thêm vài con cá, con tôm biếu ông bà hoặc các cháu nhỏ. Mỗi khi bắt được con cá ưng ý, tiếng reo hò lại vang lên náo nhiệt cả một vùng quê.
Theo các bậc cao niên thì kiểu “bắt hôi” thế này xuất hiện từ lâu đời và trở thành nét văn hóa của người dân làng Thượng Nghĩa, thể hiện tình làng nghĩa xóm, nghĩa cử cao đẹp như tên gọi của làng.
‘Các chủ hồ cũng chia thời gian thu hoạch cá để mùa hội “bắt hôi” kéo dài và người làng được hưởng nhiều lộc, lại không bị thương lái ép giá.
Thức ăn cho cá ở đây đều có từ tự nhiên như lúa, cám, rau, chuối, ốc bươu… nên thịt cá thơm ngon nức tiếng. Những lần thu hoạch cá, người từ các nơi đổ về đông nghịt nhưng chỉ có người làng mới được hưởng suất “bắt hôi”.
Đứng xa nhìn cũng có thể dễ dàng nhận ra người trong làng nhờ… đồng phục. Bởi vì xuống hồ một lúc thì áo đỏ, vàng, hay xanh rồi cũng nhuộm một màu bùn, đồng phục của ruộng đồng.
Nếu bạn muốn có những phút giây thảnh thơi sau bao nỗi lo toan, nhọc nhằn thì hãy ngược ra Bắc, qua cầu Đông Hà, rẽ về đường Thanh Niên. Tại đây, bạn sẽ gặp những cánh đồng lúa mênh mang đang thì con gái và thưởng thức hương thơm lúa chín giữa khoảng không gian tĩnh mịch, hoài niệm. Nếu muốn tìm hiểu thêm về giá trị lịch sử của mảnh đất này thì ngay cuối cánh đồng ấy, sau rặng tre xanh, có một ngôi làng cổ Thượng Nghĩa tồn tại mấy trăm năm cùng đất nước. Và nếu muốn tham gia hội “bắt hôi” của làng thì hãy ghé thăm vào khoảng thời gian từ tháng 9 dương lịch hằng năm.
Làng Thượng Nghĩa thuộc địa bàn Khu phố 4, phường Đông Giang, TP. Đông Hà, có khoảng 160 hộ, xấp xỉ 660 khẩu. Làng được thành lập vào cuối thế kỷ XV. Dưới thời vua Lê Thánh Tông đã thực hiện chính sách di dân vào phía Nam, một bộ phận cư dân từ miền Bắc Trung Bộ đã vào khai phá đất đai, lập nên làng xã. Làng Thượng Nghĩa được ra đời trong thời kỳ đó. Tên làng lúc đầu mới thành lập là Thượng Đô. Theo sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An, làng Thượng Đô là một trong 59 làng/xã thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Sang đến thời các chúa Nguyễn, làng Thượng Đô thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong. Thời nhà Nguyễn, làng Thượng Đô đổi thành Thượng Nghĩa, thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương.
Minh Anh