Mấy ngày Tết năm nay, tôi về quê để thắp hương cho ba mẹ tôi. Kể cũng lạ mấy chục năm xa quê, trước khi mất vẫn dằng dặc âm ỉ mong muốn một điều là khi mất được chôn ở tận quê nhà. Vậy mà đã nhiều năm, nay con cháu mới thực hiện được di nguyện ấy.
Tôi được sống lại một không gian Tết của quê cũ. Đêm vẫn là hương hoa bưởi hoa ngâu và những loại hoa khác… nhè nhẹ mà thanh khiết, mông lung để mình khám phá một cảm giác là lạ mà quen thân trong tâm khảm. Sau vườn nhà, tiếng xào xạc của những lá chuối cọ cựa vào nhau, khe khẽ thầm thỉ như nhắc nhở về những điều rất nhỏ nhặt nhưng vô cùng lớn lao dù có đôi khi là vá víu, quên lãng nhưng mỗi khi bắt gặp, không khỏi làm mình cảm động.
Câu chuyện giữa hương hoa của đêm sâu bao giờ là những câu chuyện của những người thân, của cha ông ngày trước dù cuộc sống rất thiếu thốn, ai cũng nghèo khó mà sao lại nhân nghĩa, đùm bọc và thương yêu đến lạ lùng, thậm chí có thể hy sinh nhường cơm xẻ áo một cách tự nguyện. Đến nỗi anh em chúng tôi luôn nghĩ rằng, thế hệ mình đối xử với nhau không thể nào bằng lớp trước. Có một điều, tôi thật sự hoang mang, khi đời sống ngày một khá giả hơn, con người thường dễ xa nhau, nhiều tị hiềm tính toán hơn thiệt ngay trong cả với anh em bà con…
Đường quê – Ảnh: Giác Ngộ Online
Tết đối với rất nhiều người xa quê không trở về luôn là nỗi buồn thao thiết với cố hương. Tết vẫn là cơ hội không chỉ trong gia đình mà ngay cả với bà con, gặp gỡ, thăm hỏi cũng là niềm hạnh ngộ.
Tôi thật sự nhiều cảm xúc khi nhìn thấy trên bia mộ ba me tôi hai lọ hoa thọ còn tươi thắm và trước đó là hoa trái với một hộp bánh bên bia mộ cuối năm còn để lại những ngày đầu năm; ngay cả mấy anh ở quê cũng không ai biết là của ai, đã làm một việc thầm lặng mà ý nghĩa cùng tôi đến như vậy. Không nói ra nhưng trong thâm tâm thấy tự hào, sinh thời ba mẹ đã sống như thế nào mà bà con còn giữ mãi những tình cảm đáng trân trọng như vậy.
Trên đường ra thắp hương, đi qua những bờ mương, mùa xuân, cỏ lại lên xanh mướt, những chú bò chậm rãi gặm cỏ trên bờ mương. Những ngày đầu năm ở quê mưa bụi dăng mắc, mưa xuân không đủ thấm ướt vai người nhưng trời giá lạnh đến nỗi tôi phải khoác lên người hai chiếc áo ấm.
Trên gò bãi đồng ruộng trống trải lộng gió làm tăng cái lạnh lên gấp bội, bất chợt bắt gặp mấy em bé chăn bò áo quần phong phanh ngồi co ro trên đường, có đứa lại ngồi tựa vào vách của ngôi mộ để trốn rét. Không khỏi bùi ngùi, hình ảnh của mấy chục năm trước bỗng thức dậy.
Cuộc sống nhiều khi chúng ta cứ quen ngước nhìn lên phía trước, hình ảnh ấy thầm nhắc tôi có lúc cần phải cúi xuống. Mấy chục năm, ngày Tết vẫn còn những đứa trẻ chăn bò co ro rét mướt đầy thương cảm.
Tự dưng tôi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Triệu Phong, người từng có một tuổi thơ đi chăn bò ở Rú Trấm bên bờ bắc sông Thạch Hãn. Anh đã không còn nhưng đã để lại những bài thơ với cố hương đủ sức dậy lên một niềm yêu thương da diết với cha mẹ và quê hương một thuở:
“… Đứa trẻ chăn bò theo mẹ qua nhiều chặng đường khổ ải/ Ba có bất ngờ không/ Đứa trẻ chăn bò có thể làm thơ/… Nếu tuổi thơ không đi chăn bò/ Thì làm sao vượt dốc Cồn Kho vào rú Trấm/ Làm sao biết hái củi sim bó bằng dây chạc chìu xanh thẳm/ Và làm sao thấy được màu tím nép mình trong bờ gai bụi rậm…”.
Tuổi thơ chăn bò của mỗi người cũng gắn chặt vào một nơi chốn, một niềm thương và gian khó khác nhau, đặc biệt gắn liền với một loài hoa, cây cối đặc hữu của làng quê mà nhà thơ Triệu Phong đã thực chứng từ tuổi thơ nghèo khó của những năm tháng chăn bò. Và từ nơi ấy, trong hoàn cảnh ấy thơ đã cất cánh, đã bay lên cùng với niềm tin yêu cuộc sống: “…Tôi hát với hoa trong suốt cuộc kiếm tìm/ Ơi hoa chạc chìu / Hãy cứ xanh như mối tình đã lỡ…”. Hai câu kết buồn nhưng không hề bi lụy, đọc cứ thấy mênh mang một nỗi niềm.
Những câu thơ ấy đối với tôi là niềm an ủi ấm lòng giữa những trắc ẩn nghĩ suy.
Ly trà buổi sớm cũng thế, bên cây hoa mai, vàng một màu của thời gian nhưng không hề phôi pha mà thật trong trẻo như cây lá, hoa cỏ vô ưu chỉ biết dành tặng hết cho con người niềm cảm khái. Tiếng người chào nhau, chúc Tết ngoài ngõ được lặp lại làm tôi thấy vui lây. Thương quá Tết của quê nhà. Thương cho những ai trên bước đường mưu sinh lưu lạc quê người chưa một lần về ăn Tết nơi làng cũ.
Hồ Sĩ Bình