Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Quảng Trị đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Nhiều tuyến đường liên thôn, bản ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông đã được bê tông hóa -Ảnh: H.T
Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, ưu tiên các vùng khó, đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS&MN trên toàn tỉnh từng bước được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Theo đó, hàng chục tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn, bản được đầu tư sửa chữa, xây mới.
Đến nay, 28/28 xã vùng DTTS&MN ở Quảng Trị có đường bê tông hoặc đường nhựa về đến trung tâm xã, như: tuyến đường giao thông nông thôn liên bản Ka Tăng – Khe Đá, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa); đường giao thông nông thôn xã A Ngo (huyện Đakrông) giúp người dân đi lại thuận tiện… Cùng với đó, hệ thống trường học các cấp cũng được đầu tư sửa chữa và xây mới khang trang.
Trong đó, nổi bật là Trường Tiểu học và THCS xã Mò Ó (huyện Đakrông) được đầu tư hơn 2,6 tỉ đồng để xây mới 2 tầng; Trường Mầm non xã Tà Rụt (huyện Đakrông) được đầu tư gần 2 tỉ đồng để xây dựng phòng giáo dục thể chất và phòng học đa chức năng. Ngoài ra, hầu hết các trường học trong vùng đồng bào DTTS&MN xuống cấp hoặc thiếu phòng học, phòng chức năng đều được đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư sửa chữa và xây dựng.
Vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Quảng Trị có diện tích hơn 313.000 ha, chiếm 68% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 31 xã, thị trấn; 191 thôn, bản vùng DTTS, trong đó có 28 xã, 187 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Địa bàn miền núi bao gồm 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa và một số xã thuộc các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh.
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, hằng năm, UBND tỉnh phân bổ vốn cho các sở, ngành, địa phương cùng thực hiện. Việc đối ứng vốn 10% theo quy định được UBND tỉnh đối ứng bằng ngân sách tỉnh và ngân sách của các huyện để thực hiện chương trình.
Đặc biệt, trong 2 năm 2022 và 2023, từ nguồn vốn được trung ương phân bổ trên 188 tỉ đồng để thực hiện Dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN của chương trình, tỉnh đã giải ngân được trên 185 tỉ đồng, đạt 98,4%. Nhờ vậy, bộ mặt nhiều xã vùng sâu, vùng xa ở Quảng Trị được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Cụ thể, đã đầu tư xây dựng 106 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; 7 công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; 4 nhà sinh hoạt cộng đồng; 2 công trình sửa chữa trạm y tế; 18 công trình trường, lớp học; 4 công trình thủy lợi nhỏ; 1 công trình cải tạo, nâng cấp chợ; 4 công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất; duy tu, bảo dưỡng 67 công trình.
Đến nay, 100% thôn, bản đã có điện lưới quốc gia; 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% thôn, bản có đường giao được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% xã có trường tiểu học, 75% xã có trường THCS, 38 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ xã có nhà văn hóa là 40,4%; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 88%.
Năm 2024, Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 đã tích hợp nhiều chương trình, chính sách hơn và được thực hiện đồng bộ trên các xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN. Hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt sẽ được chú trọng đầu tư.
Các chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân để thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế hộ tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Trong đó, để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc, từ nguồn vốn trung ương phân bổ năm 2024 là 84,221 tỉ đồng, tỉnh sẽ thực hiện xây dựng 76 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; 3 công trình chuyển tiếp cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; 4 công trình khởi công mới nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình sửa chữa trạm y tế; 20 công trình trường, lớp học; 1 công trình cải tạo, nâng cấp chợ và 8 công trình hạ tầng khác… Đồng thời thực hiện duy tu, bảo dưỡng 39 công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn từ nguồn vốn sự nghiệp.
Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ các chương trình MTQG, nhất là chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS&MN.
Xác định để phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS&MN vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, nghiên cứu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững chứ không nên chạy đua dự án để giải tỏa áp lực giải ngân vốn đã bố trí.
Nguồn vốn cần được ưu tiên cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất với quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của chương trình để không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư cũng như đối tượng thụ hưởng. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS.
Thu Hạ
Nguồn: https://baoquangtri.vn/uu-tien-dau-tu-co-so-ha-tang-thiet-yeu-cho-vung-sau-vung-xa-187364.htm