Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 7 giờ 8/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/giờ.
Theo báo cáo nhanh về thiệt hại ban đầu từ các địa phương, bão số 3 (siêu bão Yagi) đã làm 7 người chết (Quảng Ninh và Hà Nội mỗi địa phương có 3 người, Hải Dương có 1 người) và 86 người bị thương (Quảng Ninh có 58 người, Hải Phòng có 20 người, Hà Nội có 8 người).
Hàng nghìn cây xanh tại Hà Nội bị gãy đổ, trong đó có nhiều cây cổ thụ quý. Nhiều xe ô-tô bị hư hỏng, nhà cửa bị tốc mái, cột điện gãy đổ, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập.
Trên biển, có 7 tàu gặp sự cố, tai nạn tại vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, 1 người chết, 13 thuyền viên đang mất tích. Nhiều lồng bè bị cuốn trôi.
Khuyến cáo những việc cần làm sau bão
Bão số 3 với cường độ rất mạnh đã đổ bộ và gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ. Hiện bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc bộ. Dự báo các tỉnh Bắc Bộ còn mưa lớn sau bão.
Để bảo đảm an toàn, người dân cần lưu ý các khuyến cáo sau:
- Theo dõi diễn biến của mưa lũ sau bão để chủ động ứng phó.
- Kịp thời sơ tán người tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
- Kiểm tra lại hệ thống điện và các thiết bị trước khi sử dụng; chú ý cây xanh, biển quảng cáo đã bị gió bão làm nghiêng, đổ khi lưu thông trên đường.
- Khắc phục, sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện, cấp nước, thông tin.
- Khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
- Tham gia dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa cơ sở hạ tầng, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường.
- Thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, chính xác với chính quyền địa phương.
- Tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai
Quảng Ninh: Khôi phục được 9 đường dây, còn 50/59 đường dây chưa đóng điện
Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Ninh, tính đến 8 giờ ngày 8/9, có 50/59 đường dây 110kV tách khỏi vận hành. Hiện Công ty đã khôi phục được 9 đường dây, còn 50/59 đường dây chưa đóng điện.
Trong đó, có sự cố nặng nề đổ cột số 22kV ĐZ 173, 174T500 nhánh rẽ TBA 110 kV bị gãy cột. Trong ngày hôm nay, Công ty sẽ xử lý, khắc phục các đường dây còn lại.
Lãnh đạo Điện lực Quảng Ninh trực vận hành để chỉ đạo cấp điện cho khách hàng (Ảnh Hoàng Nga)
Đối với đường dây trung áp, Công ty đã đóng điện được 12/180 đường dây trung áp, chủ yếu tại khu vực Móng Cái. Hiện Công ty đang chỉ đạo kiểm tra các đường dây còn lại, đủ điều kiện khôi phục vận hành, ưu tiên cấp điện cho các khách hàng quan trọng.
Ông Đặng Thành, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết: Trong ngày hôm nay, Công ty sẽ cố gắng cấp điện trở lại cho khu vực trung tâm Hòn Gai và toàn bộ khu vực Bãi Cháy của thành phố Hạ Long. Các địa phương khác sẽ khôi phục một phần trở lại.
QUANG THỌ
Hòa Bình: Sạt lở đất vùi lấp nhà làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng
Vào khoảng 0 giờ sáng nay, tại xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã xảy ra sạt lở đất từ trên đồi vào nhà của gia đình ông Xa Văn Sộm (sinh năm 1973), làm ngôi nhà bị sập hoàn toàn.
Khi đó, trong nhà có 5 người và đã bị vùi lấp. Qua xác minh, 4 người trong gia đình đã thiệt mạng và 1 người bị thương.
Hà Nội báo động lũ trên sông Tích, sông Bùi
Căn cứ vào mực nước Sông Tích tại trạm thủy văn Vĩnh Phúc lúc 3 giờ ngày 8/9 là 6,43m (mực nước báo động I là 6,40m), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội vừa có lệnh báo động I trên sông Tích tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ.
Cùng với đó, căn cứ vào mực nước Sông Tích tại trạm thủy văn Kim Quan lúc 6 giờ 40 phút ngày 8/9 là 7,61 m (mực nước báo động II là 7,60m), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh báo động II trên sông Tích tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây.
Mực nước Sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt lúc 6 giờ cùng ngày là 6,00m (mực nước báo động I là 6,00m), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh báo động I trên Sông Bùi tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông báo cáo thiệt hại ban đầu do cơn bão số 3
Sáng 8/9, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến 7 giờ sáng 8/9, do trời tối, sóng to, gió lớn và mất điện, mất liên lạc cho nên các địa phương chưa thống kê chính xác được thiệt hại.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Trước mắt, sơ bộ có một số thiệt hại bước đầu như sau:
Về người: 9 người thiệt mạng (Hòa Bình: 4, Quảng Ninh: 3, Hải Phòng: 1, Hải Dương: 1); 186 người bị thương (Quảng Ninh: 157, Hải Phòng: 13, Hải Dương: 5, Hà Nội: 10).
Vào khoảng 0 giờ 5 phút sáng 8/9, tại Xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra vụ sạt lở đất vào 1 hộ gia đình làm 4 người chết, 1 người bị thương.
Về tài sản: 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương. Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh, 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…
Về nông nghiệp: 121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại (tập trung tại Thái Bình: 76.345ha; Hải Phòng: 6.750ha; Hải Dương 11.200ha; Bắc Ninh: 11.009ha; Hà Nội: 6.218ha; Nam Định: 2.800ha; Hưng Yên: 11.923 ha; Hà Nam: 7.418ha, Hà Nội: 6.218ha, Bắc Ninh: 8.977ha,…). 5.027ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng: 1.000ha; Thái Bình: 1.385ha, Hưng Yên 1.818ha,…). Hơn 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
THANH GIANG
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Sáng nay, Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu ủy ban nhân dân 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa trở ra phía bắc.
Phát biểu ý kiến mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cơn bão số 3 với cường độ rất mạnh đổ bộ vào miền bắc gây hậu quả nghiêm trọng; tuy nhiên, hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa lũ, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc, gây ra sạt lở, sụt lún, lũ ống, lũ quét.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Hội nghị này nhằm sơ bộ đánh giá tình hình công tác dự báo có sát, “đúng, trúng” kịp thời không. Thủ tướng nêu vấn đề: Với dự báo như vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng, cho nhân dân biết thực hiện “4 tại chỗ” như thế nào, công tác ứng phó ở cả ở Trung ương và địa phương ra sao, hậu quả để lại như thế nào…
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải khắc phục hậu quả trong thời gian ngắn nhất có thể; rút ra bài học trong phòng chống thiên tai, bão lũ, trong đó cả công tác ứng trực, sẵn sàng phản ứng trong điều kiện nước ta là nước nhiệt đới gió mùa, thường xuyên có bão.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các nhà mạng liên kết chia sẻ kết nối mạng viễn thông để bảo đảm sóng viễn thông phục vụ công tác chỉ huy, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng yêu cầu cần rà soát ngay, hỗ trợ cho các địa phương, các gia đình có người thiệt mạng… Trong lúc này, người dân đang phải chịu thiệt hại, mất mát nhà cửa, người thân. Do đó, Hội nghị phải làm việc với tinh thần khẩn trương, sau đó báo cáo Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tiếp tục triển khai ngay các công việc phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
THANH GIANG
Hà Nội lập tổ công tác khắc phục hậu quả bão số 3
Các cấp, ngành của Hà Nội những ngày qua đã chủ động triển khai từ sớm, từ xa các phương án phòng, chống bão; cùng với sự hợp tác, phối hợp của người dân, thành phố Hà Nội đã giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Lực lượng chức năng xử lý cây gãy đổ trên đường phố Hà Nội.
Về các nhiệm vụ trong những ngày tới, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát diễn biến của mưa bão; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao (gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ với các tình huống.
Bão số 3 có thể suy yếu, nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các cấp, các ngành là phải bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước.
Tỉnh Nam Định không có thiệt hại về người
Lực lượng chức năng thu dọn cây gãy đổ tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định sáng ngày 8/9. |
Ghi nhận ban đầu về thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Nam Định như sau: Không có thiệt hại về người; khoảng 5.000 ha lúa, 230 ha cây hoa màu, 130 ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. Hàng nghìn cây bóng mát, 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc… Một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt.
Tỉnh Nam Định yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra ngay trong ngày 8/9.
Quảng Ninh triển khai các biện pháp khắc phục
Cột điện cao thế bị đổ gãy. (Ảnh: CTV) |
Trước nguy cơ có khả năng vỡ đập tại khu vực Yên Lập Tây (phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên), chính quyền địa phương đã ra thông báo về khả năng vỡ đập và tích cực hỗ trợ các hộ dân trong khu vực đang khẩn trương di dời về khu vực an toàn.
Tại thị xã Đông Triều, số liệu sơ bộ thống kê đến sáng ngày 8/9, toàn địa bàn thị xã bị mất điện, tổng số cột điện bị đổ gãy là 277 cột (trong đó có 1 cột cao thế 110KV tại xã Bình Khê); số nhà bị tốc mái 3.885 nhà; số cây bị đổ gãy là 5.928 cây; diện tích hoa màu 208ha; diện tích lúa 183ha. Không có thiệt hại về người.
Sau cơn bão, các địa phương trên địa bàn thị xã Đông Triều đang tích cực khắc phục theo phương án “4 tại chỗ”, ưu tiên khắc phục hạ tầng giao thông, hỗ trợ sửa chữa nhà ở của người dân, sửa chữa và khôi phục hệ thống điện. Đồng thời, lực lượng chức năng và người dân tập trung dọn dẹp cây xanh, cột điện, mái tôn bị đổ, bay chắn ngang đường; hỗ trợ người dân ở các khu vực bị cô lập do nước dâng cao ngập tràn do hoàn lưu sau cơn bão.
Các lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm tại các đảo trên địa bàn huyện Vân Đồn. (Ảnh: CTV) |
Sau khi triển khai công tác tìm kiếm trên biển đối với những người mất tích, đến 8 giờ 50 phút ngày 8/9, các lực lượng của huyện Vân Đồn đã tìm kiếm được 6 người mất tích. Những người này là công nhân trông coi các bè nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 3 người thuộc hộ gia đình anh Long Văn Quảng. Hiện sức khoẻ của những người này đều ổn định.
Hà Nội khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 3
Hàng chục công nhân tiến hành cắt tỉa cây cổ thụ tại khu vực phố Lê Thạch-Ngô Quyền. (Nguồn: DUY LINH) |
Tại khu vực đền Bà Kiệu, lực lượng chức năng đang khẩn trương xử lý cây bị đổ. (Ảnh: DUY LINH) |
Dọn dẹp tại khu vực cây cổ thụ gần Tượng đài Lý Thái Tổ. (Ảnh: DUY LINH) |
Công nhân môi trường đô thị khẩn trương dọn vệ sinh. (Ảnh: DUY LINH) |
Lực lượng cứu hộ tại chỗ của công ty Cienco 5 xử lý cây xanh bị ngã đổ. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội huy động 100% lực lượng để xử lý các sự cố về giao thông, hướng dẫn đảm bảo giao thông, phối hợp các đơn vị xử lý tình trạng ảnh hưởng đến di chuyển. (Ảnh: TRUNG HIẾU) |
Công an Vĩnh Phúc cứu 3 người mắc kẹt trong bão
Lúc 23 giờ 35 phút ngày 7/9, Công an huyện Tam Đảo nhận được tin báo tại khu đất của ông Đỗ Văn Sỹ (sinh năm 1973, ở thôn Tân Tiến, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo) bị ngập úng do dòng nước của con suối bên cạnh tràn vào nhà và bị cô lập hoàn toàn với các khu vực chung quanh.
Bên trong căn nhà, có 3 người bị mắc kẹt. Nhận được tin báo, Công an huyện Tam Đảo đã phối hợp Công an xã Đạo Trù và Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tiến hành cứu người bị mắc kẹt tại ngôi nhà.
Ngay sau khi đến nơi xảy ra sự cố, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã phối hợp các lực lượng triển khai đội hình cứu nạn cứu hộ và triển khai các biện pháp để trấn an, động viên gia đình.
Đến khoảng 5 giờ sáng nay, tổ cứu nạn cứu hộ đã cứu được 3 người dân bị mắc kẹt ra ngoài và đến nơi an toàn.
Công an Vĩnh Phúc cứu 3 người mắc kẹt trong bão. |
HÀ HỒNG HÀ
Lữ đoàn 169, Vùng 1 Quân chủng Hải quân cứu 3 ngư dân
Lúc 10 giờ 45 phút ngày 7/9, tại quân cảng Vạn Hoa, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Trong thời điểm cơn bão số 3 Yagi đang đổ bộ trực tiếp vào khu vực đóng quân của đơn vị, Lữ đoàn 169, Vùng 1 Quân chủng Hải quân đã phát hiện 2 tàu cá (1 tàu vỏ sắt không rõ số hiệu, 1 tàu vỏ gỗ mang số hiệu HP-902.92TS) và 1 xuồng bị sóng, gió đánh trôi dạt vào cảng Vạn Hoa.
Ngay lập tức, Sở chỉ huy Lữ đoàn đã cử lực lượng hỗ trợ tàu bị nạn. Trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn, tàu cá vỏ sắt và xuồng bị sóng đánh chìm, trong khi tàu vỏ gỗ số hiệu HP-902.92T3 bị đánh trôi dạt và mắc cạn tại khu vực kè đá trước nhà Chỉ huy Lữ đoàn.
Trong lúc gió giật cấp 14-15, tính mạng của ngư dân trên tàu đang cực kỳ nguy hiểm, Sở chỉ huy Lữ đoàn đã chỉ đạo sử dụng xe ô-tô có trọng tải lớn nhanh chóng tiếp cận và hỗ trợ ngư dân trên tàu.
Chỉ sau 15 phút, bằng tinh thần dũng cảm, sự khéo léo, linh hoạt, tổ cơ động của Lữ đoàn đã đưa được 3 ngư dân vào bờ gồm: Vũ Quang Triệu (sinh năm 1975, trú quán tại Cẩm Thủy, Cẩm Phả, Quảng Ninh); Đinh Như Cảnh (sinh năm 1984, trú quán tại Vạn Yên, Vân Đồn, Quảng Ninh) và Nguyễn Xuân Hải (sinh năm 1996, trú quán tại Tân Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị).
Sau khi đưa 3 ngư dân vào bờ an toàn, Lữ đoàn đã tổ chức khám sức khỏe, cung cấp lương thực, áo ấm và đưa 3 ngư dân trở về gia đình. Hiện sức khỏe của 3 ngư dân đều bình thường.
Sở chỉ huy Lữ đoàn 169 cử lực lượng hỗ trợ tàu bị nạn. |
Áp thấp nhiệt đới trên đất liền
Lúc 7 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/giờ.
(Nguồn: Kttv.gov.vn) |
Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới:
Gió mạnh:
– Trên biển: Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh
– Trên đất liền: Khu vực sâu trong đất liền Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7
Nước dâng, sóng lớn:
– Sóng biển: Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2,0-3,0m. Từ chiều nay, sóng giảm dần
Mưa lớn:
– Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: từ sáng 8/9 đến sáng 9/9, có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm.
– Phía Tây Bắc Bộ: từ sáng 8/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 400mm.
Cứu được 6 người bị chìm ở vụng Tùng Sâu và khu vực đảo Ti Tốp
Vào lúc 7 giờ 45 phút ngày 8/9, trong quá trình cơ động đi tiếp nhận 11 người dân từ hòn Đầm Dơi do Tàu 984 bàn giao, Tàu 285 phát hiện và cứu được 6 người, gồm 2 người trên xuồng nuôi ngọc trai ở vực vụng Tùng Sâu và 4 người của xà lan số hiệu HY 0496 bị chìm ở khu vực đảo Ti Tốp.
Hiện sức khoẻ 2 người ở vực vụng Tùng Sâu bình thường; trong 4 người ở khu vực đảo Ti Tốp có 2 người sức khoẻ bình thường, 2 người bị thương.
Hiện tàu 285 thuộc Lữ đoàn 170 đang cơ động về bờ để bàn giao cho địa phương theo quy định.
THANH TÙNG
Hà Nội: Cây đổ la liệt trên nhiều tuyến phố, khu dân cư
Một chiếc ô-tô bị bẹp dúm do bị cây đổ trên đường Nguyễn Phan Chánh, trước khu chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: HẢI CHÍNH) |
Cây đổ la liệt trên đường Nguyễn Phan Chánh, trước khu chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: HẢI CHÍNH) |
Cây đổ đè vào bốt bảo vệ ở chung cư khu đô thị Resco, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: NAM ĐÔNG) |
Cây đổ khu Yên Xá, Tân Triều. (Ảnh: THIÊN LAM) |
Hàng loạt cây xanh bị đổ ở khu đô thị Thanh Hà. (Ảnh: THANH TRÀ) |
Vĩnh Phúc: Các tuyến đường tại thành phố Vĩnh Yên cơ bản thông suốt
Trong ngày và tối 7/9, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Công an huyện Sông Lô vận động 6 hộ dân sinh sống ở chân núi Thét, thôn Trường Xuân, xã Lãng Công có nguy cơ bị sạt lở sơ tán đến nơi an toàn.
Tại địa bàn huyện Tam Đảo, một số điểm ngầm tràn ở xã Đạo Trù như Ao Giong, Đồng Giếng có mực nước dâng cao, gây nguy hiểm cho người đi đường. Công an huyện Tam Đảo đã lập các barrie, đặt biển cảnh báo không cho người dân qua lại tránh sự cố đáng tiếc; triển khai lực lượng thường trực tại 9 điểm ngầm tràn. Tuyến đường lên thị trấn Tam Đảo có lực lượng chức năng canh gác, hạn chế tối đa người và phương tiện lên núi đề phòng sạt lở.
Tối 7/9, Công an tỉnh huy động lực lượng cứu hộ cứu nạn cùng nhân dân khắc phục hậu quả cây đổ, thông đường. Đến sáng 8/9, các tuyến đường tại thành phố Vĩnh Yên cơ bản thông suốt.
Lực lượng Công an Vĩnh Phúc dọn dẹp cây đổ, thu dọn đường phố sau bão. |
Tối 7/9, Công an tỉnh Vĩnh Phúc huy động lực lượng cứu hộ cứu nạn cùng nhân dân khắc phục hậu quả cây đổ, thông đường. |
HÀ HỒNG HÀ
Vân Đồn: Sóng to và gió lớn khiến công tác kiểm tra, rà soát gặp khó khăn
Ngay trong sáng nay, huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đã thành lập nhiều tổ công tác, chia thành nhiều mũi trực tiếp xuống các địa bàn, khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển để nắm tình hình, kiểm tra, khắc phục hậu quả do bão số 3. Hiện tại trên địa bàn huyện có mưa nhỏ, mưa vừa, gió nhẹ.
Công tác khắc phục hậu quả đang được các cấp, ngành triển khai tích cực, quyết liệt. Tuy nhiên trên biển, sóng và gió to khiến cho công tác kiểm tra, rà soát gặp khó khăn.
Lực lượng công an tham gia khắc phục hậu quả do bão số 3. |
Công an tỉnh Quảng Ninh phân công 5 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo công an tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương bị thiệt hại do mưa bão gây ra.
Nhiệm vụ trọng tâm các đoàn kiểm tra cần nắm bắt thông tin về tình hình hậu quả thiệt hại do bão gây ra; những địa điểm đã và có nguy cơ bị ngập úng, lũ, sạt lở do mưa lớn; những vấn đề khó khăn, vướng mắc về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị…
Nắm tình hình, phát hiện những vấn đề phát sinh liên quan an ninh, trật tự, để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp có phương án, giải pháp xử lý như vấn đề về an toàn giao thông (đường thủy, đường bộ); an ninh kinh tế các lĩnh vực liên quan nông, lâm, ngư nghiệp, an toàn hồ đập, đê điều, an ninh nguồn nước, than, điện…
Đồng thời, khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ công an các đơn vị, địa phương; có phương án hỗ trợ đối với những gia đình cán bộ, chiến sĩ có có giá trị tài sản thiệt hại lớn vượt qua khả năng khắc phục của cán bộ, chiến sĩ và gia đình…
QUANG THỌ
Lúc 5 giờ 25 phút ngày 8/9, nhận được thông tin có người mặc kẹt tại hòn Dầm Đơn, Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo Lữ đoàn 170 – Vùng 1 Hải quân điều động xuồng 1606 cơ động lại khu vực và cứu được 11 người, đưa lên tàu 984.
Dự kiến, lúc 8 giờ sẽ bàn giao 11 người bị nạn cho tàu 285 đưa về bờ và bàn giao cho địa phương theo quy định. Sau đó, tàu 984 sẽ tiếp tục tìm kiếm 4 ngư dân ở khu vực đảo Ti Tốp.
THANH TÙNG
Hà Nội: Hàng nghìn cây bị đổ ngổn ngang
Lực lượng chức năng tiến hành dọn dẹp cây đổ ở Hà Nội. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố Hà Nội có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy. Cây đổ kết hợp mưa gió mạnh khiến 6 xe máy và 13 ô-tô bị hư hỏng. Cây đổ đã làm một số người chết và bị thương. Gió giật mạnh khiến 242 bức tường bao bị đổ.
Lực lượng chức năng các quận, huyện đang tiến hành dọn dẹp hiện trường các cây xanh bị gãy, đổ…
Diện tích lúa bị đổ do gió, bão khoảng 3.559 ha (Ba Vì 40 ha, Chương Mỹ 85 ha, Đan Phượng 1,2 ha, Mê Linh 1 ha, Phú Xuyên 348,7 ha, Phúc Thọ 56 ha, Sơn Tây 50 ha, Thường Tín 670 ha, Ứng Hòa 2.000 ha).
Hình ảnh sáng nay, cây đổ nằm la liệt ở quanh khu vực chung cư Thanh Hà, Hà Nội:
Thái Nguyên: Mất điện diện rộng, nhiều trường học bị tốc mái tôn
Tại thành phố Phổ Yên, gió lớn đã làm bị đổ khoảng 30 cột điện, nhiều cây xanh đổ vào đường điện trung thế, hạ thế gây mất điện diện rộng trên địa bàn. Trường THCS Trung Thành, Trường mầm non Thành Công bị tốc mái tôn; hai hộ dân ở xã Phúc Tân bị tốc mái proxi măng; khoảng 250ha lúa bị đổ, khoảng 7ha lúa bị ngập; 1.500 cây xanh bị gãy đổ, bật gốc.
Một trạm biến áp bị thiệt hại do cây đổ. (Ảnh: Báo Thái Nguyên) |
Tại xã Minh Đức, bờ sông xóm Đầm Mương 13 bị sạt lở chiều dài khoảng 150m, chiều sâu khoảng 4 m, cách công trình phụ của hộ dân điểm gần nhất khoảng 20m, cách nhà chính của dân khoảng 30m.
Tại huyện Võ Nhai, gió giật mạnh khiến Trường tiểu học Dân Tiến I (xã Dân Tiến), Trường tiểu học Thống Nhất (xã Bình Long) bị gió cuốn bay toàn bộ mái tôn, nhà để xe của giáo viên.
Trên địa bàn huyện Đại Từ có mưa lớn kèm theo gió giật mạnh đã làm đổ 5 ha lúa, làm sập 2 mái tôn của nhà dân,…
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, khu vực tỉnh có gió mạnh phổ biến cấp 7-8, giật cấp 9- 10. Do tác động của bão, từ 7 đến 9/9, khu vực tỉnh Thái Nguyên sẽ có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa một số nơi như tại các huyện Võ Nhai, Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương từ 100- 200mm, có nơi hơn 250mm; khu vực thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công, huyện Phú Bình, Đồng Hỷ từ 150- 250mm, có nơi hơn 300mm.
Bắc Giang: Một huyện bị mất điện toàn bộ
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang, đến 18 giờ ngày 7/9, bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh.
Tại thành phố Bắc Giang có 1 nhà cấp 4 bị sập tại phường Mỹ Độ (nhà cũ không có người ở thường xuyên, không có thiệt hại về người). Huyện Tân Yên có 11 nhà bị tốc mái, 1 cột điện bị đổ; 328,5ha lúa đã trổ bị đổ.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang đề nghị các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tiếp tục theo dõi thông tin và diễn biến của bão số 3 để khẩn trương, tập trung ứng phó; tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình của bão; thường xuyên tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình…
Bắc Ninh: 1.500ha lúa, hoa màu bị ngập đổ, 40 nhà tốc mái
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh, tính đến 18 giờ ngày 7/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn tỉnh có 40 nhà cấp 4, công trình phụ bị tốc mái; 7 cột điện bị đổ gãy; 1.515ha lúa, hoa màu bị ngập, đổ; 47 nhà màn, nhà lưới bị tốc mái. Toàn tỉnh có khoảng 3.000 cây bị đổ, gãy; 29 lồng bè cá bị trôi dạt, hư hại; Không có thiệt hại về người.
Hàng trăm cây xanh ở thành phố Bắc Ninh bị bật gốc do tác động của bão số 3 (Ảnh: AN TRÂN) |
Tuyến đê tả sông Ngũ Huyện Khê tại các vị trí K22+180-K23+450 một số vị trí bị lún, nứt cục bộ với chiều dài khoảng 25m thuộc địa bàn huyện Yên Phong; Đê hữu sông Ngũ Huyện Khê đoạn từ K21+00-K23+500 một số vị trí bị nứt với chiều dài khoảng 35m thuộc địa bàn huyện Tiên Du.
Ủy ban Nhân dân các huyện Yên Phong và Tiên Du đang chỉ đạo khắc phục tạm thời sự cố để đảm bảo an toàn cho tuyến đê.
Mực nước trên các triền sông duy trì ổn định. Toàn tỉnh có 78/521 máy bơm hoạt động bơm tiêu và tiêu nước đệm theo quy trình.
Hưng Yên: 617 ngôi nhà tốc mái, hư hại, 11.500ha cây trồng bị thiệt hại
Theo tổng hợp của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên, đến 21 giờ ngày 7/9, bão số 3 với cường độ gió giật mạnh đã làm 617 ngôi nhà tốc mái, hư hại; 5.871 cây xanh bị gãy đổ. Bão số 3 cũng đã làm hơn 11.500ha cây trồng bị thiệt hại; trong đó có gần 9.600ha lúa, gần 1.600ha cây ăn quả và 500ha các loại cây trồng khác.
Trên địa bàn tỉnh có 56 cột điện bị đổ, 10 chuồng trại bị hư hỏng và 77 trạm bơm chống úng bị mất điện. Đáng chú ý, huyện Văn Giang có 4 ô-tô và 6 xe máy bị cây đổ đè lên gây hư hỏng; huyện Phù Cừ có 3.200m2 nhà lưới bị tốc mái và 490m2 mái chống nóng trụ sở, trường học bị tốc mái. Huyện Kim Động và huyện Khoái Châu mỗi huyện có 24 lồng cá của nông dân bị hư hỏng.
Toàn tỉnh vận hành 42 trạm bơm với 85 tổ máy hoạt động tiêu thoát nước.
Hà Nội còn một số điểm ngập úng nhẹ, sẽ cố gắng khắc phục trước 8 giờ sáng
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, thành phố Hà Nội đêm 7, rạng sáng 8/9 có mưa to, kèm dông lốc. Từ 15 giờ 30 phút ngày 7/9 đến 5 giờ sáng ngày 8/9, lượng mưa đo được tại các quận, huyện đều ở trên mức 100mm. Cao nhất là tại quận Hoàng Mai 220,9mm; Hà Đông 168,2mm; Thanh Xuân 162,2mm; Mỹ Đức 152,2mm; Quốc Oai 105,5mm…
Từ 15 giờ 30 phút ngày 7/9 đến 5 giờ sáng ngày 8/9, lượng mưa đo được tại các quận, huyện đều ở trên mức 100mm. |
Tại thời điểm 5 giờ sáng nay, theo kiểm tra của Công ty Thoát nước Hà Nội, địa bàn Hà Nội vẫn còn một số điểm ngập úng, cụ thể:
– Lưu vực sông Cầu Bây: Các điểm Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều có hiện tượng dềnh nước nhẹ do mực nước sông Cầu Bây cao (mực nước tại Đập Trại lợn 4,05m)
– Lưu vực sông Nhuệ: Chân cầu HH2 (đường Nguyễn Công Trác), Triều Khúc, Các hầm chui Đại lộ Thăng Long số 3, số 5, số 9+656 ngập 15-20cm. Công ty Thoát nước Hà Nội đang bố trí bơm di động, xe hút. Dự kiến, giao thông đi lại được trước 8 giờ sáng.
Công nhân thoát nước làm nhiệm vụ tại đường Nguyễn Xiển, Hà Nội sáng sớm 8/9. |
Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo phòng, chống bão số 3 hoàn thành nhiệm vụ
Với nhận định bão số 3 sẽ suy yếu thành áp thấp, Sở chỉ huy tiền phương – do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo – đã hoàn thành nhiệm vụ và chính thức tạm dừng hoạt động.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN) |
22 giờ ngày 7/9, Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 đóng tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo tiếp tục buổi họp thứ 4 trong ngày để triển khai công tác phòng, chống bão.
Tại buổi họp, các bộ ngành và địa phương tiếp tục báo cáo tiến độ phòng chống bão và những thiệt hại trên địa bàn. Với nhận định bão sẽ suy yếu thành áp thấp, Sở chỉ huy tiền phương đánh giá đã hoàn thành nhiệm vụ và chính thức tạm dừng hoạt động.
Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập từ ngày 7/9 để triển khai công tác phòng chống bão.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Sở chỉ huy tiền phương dừng hoạt động nhưng các địa phương vẫn cần tập trung cao độ để triển khai các giải pháp thống kê thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, từ đó có các biện pháp gấp rút tái thiết, khắc phục thiệt hại của bão. Đặc biệt, tập trung lực lượng khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân đang mất tích.
TTXVN
Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới
Gió mạnh
Trên biển:
– Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) ngày hôm nay (08/9) còn có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh.
Trên đất liền:
– Khu vực sâu trong đất liền Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Nước dâng, sóng lớn
Sóng biển:
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2,0-3,0m. Từ chiều 08/9 sóng giảm dần.
Mưa lớn
– Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: từ sáng ngày 8/9 đến sáng ngày 9/9, có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi hơn 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi hơn 200mm.
– Phía Tây Bắc Bộ: từ sáng ngày 8/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi hơn 350mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Nhandan.vn
Nguồn:https://nhandan.vn/bao-so-3-suy-yeu-thanh-ap-thap-nhiet-doi-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-post829213.html
Nhiều chuyến tàu được thông tuyến trở lại sau bão
Theo thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tính tới sáng 8/9, bão số 3 đã ảnh hưởng đến một số vị trí trên tuyến đường sắt.
Cụ thể, các tuyến Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lâm – Hải Phòng, Yên Viên – Lào Cai, Bắc Hồng – Văn Điển có nhiều cây đổ cản trở việc lưu thông. Đơn vị đã khẩn trương tổ chức giải tỏa và trả lại đường, bảo đảm an toàn cho tàu và hành khách.
Riêng tuyến Hà Nội – Đồng Đăng hiện tại mưa đang rất to. Tại nhiều vị trí, cây đổ vào đường sắt, đỉnh ray ngập nước. Đơn vị đang tiếp tục theo dõi, giải tỏa để thông đường trong thời gian sớm nhất.
Tại tuyến Kép – Hạ Long – Cái Lân, mưa bão đã khiến cây và cột thông tin đổ vào đường sắt. Cơ quan chức năng cũng đang khẩn trương tiến hành giải tỏa trong thời gian sớm nhất. Cũng trên tuyến này, ga Yên Cư, Hạ Long và một số cơ sở khác đã bị tốc mái, hư hỏng.
Tuyến Mai Pha – Na Dương, tuyến Chí Linh – Phả Lại: Nhiều cây và cột thông tin đổ vào đường sắt. Đơn vị đang tổ chức giải tỏa bảo đảm thông đường trong thời gian nhanh nhất.
Di dời cây đổ chắn ngang các tuyến đường sắt. (Ảnh: SƠN BÁCH)
Mặt khác, trên một số tuyến đường sắt có nhiều đoạn tuyến cáp thông tin treo bị cây xanh đổ vào đè lên đường cáp, nhiều cột thông tin đổ vào đường sắt.
Do sự cố cây, cột thông tin đổ vào đường sắt trên tuyến Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh nên một số đoàn tàu phải dừng tại các ga dọc đường, các đoàn tàu xuất phát tại ga Hà Nội chậm hơn giờ dự kiến để chờ thông tuyến.
Về công tác khắc phục hậu quả của bão số 3, các Công ty cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú, Hà Thái, Hà Lạng, Hà Hải đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các đội, cung cầu đường kịp thời khắc phục hậu quả do cây đổ vào đường sắt trên các tuyến đường sắt, bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt; Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu Đường sắt Hà Nội đã tổ chức sửa chữa và cảnh giới tại các vị trí cần chắn bị gãy nêu trên.
Để ứng phó với bão số 3, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng tiếp tục bãi bỏ các đoàn tàu khách LP3, LP6 (tuyến Hà Nội – Hải Phòng) xuất phát hôm nay.
SƠN BÁCH