(Dân trí) – Ghi nhận của phóng viên Dân trí, khu vực ven biển Thuận An, TP Huế đã ngớt mưa. Tuy nhiên, tuyến đường chính dẫn về cửa biển ở Huế bị ngập sâu do mưa bão số 6, nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (bão Trà Mi) sáng 27/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng nay đã ghi nhận gió giật cấp 8 ở đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm. Trên đất liền, tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có gió giật cấp 6.
Về mưa, từ chiều 26 đến sáng 27/10, lượng mưa phổ biến ở Trung Trung Bộ 50-130mm, một số nơi trên 350mm.
Bão số 6 đang nằm trên khu vực biển Quảng Trị – Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 75km.
Dự kiến trưa nay, bão số 6 sẽ đi vào đất liền khu vực từ Nam Quảng Trị đến Bắc Quảng Nam. Vùng gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 tập trung chủ yếu từ Quảng Nam – Quảng Trị.
Ông Khiêm nhận định, bão Trà Mi khác với các cơn bão thông thường nên khi đi vào đất liền lại quay trở lại Biển Đông. Do đó, trên đất liền sẽ có gió mạnh và mưa lớn kéo dài.
Về lượng mưa, dự báo từ sáng 27 đến hết 29/10, Quảng Bình đến Quảng Nam mưa 200-400mm, có nơi trên 600mm.
Do mưa lớn có thể gây ra lũ trên các sông tại Quảng Trị – Quảng Ngãi, ở mức báo động 1 đến báo động 3.
“Chúng tôi đánh giá từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có trên 30 huyện và khu đô thị với tổng số 365 xã có nguy cơ ngập lụt”, ông Khiêm nói.
Theo thông tin của phóng viên Dân trí, hiện nay một số đoạn quốc lộ 1A hướng Lăng Cô – Huế, bị tắc cục bộ do cây gãy đổ dọc đường.
Tuyến đường trong hầm Hải Vân cũng bị tắc vào sáng 27/10, đến nay đã thông xe.
Đại diện Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, lực lượng chức năng thành phố đã sơ tán 1.677 hộ dân/6.205 khẩu đang sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương và Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, đã sắp xếp, sơ tán gần 100 nhân khẩu trên địa bàn sống trong các nhà trọ, nhà tạm đến tránh bão tại nhà trường.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại bãi tắm Cửa Đại, Hội An, sóng vượt qua đoạn đê đánh thẳng vào bờ gây sạt lở một đoạn ngắn 20m. Còn khu vực ven biển Hội An có sóng lớn, biển động dữ dội, gió cấp 6-7.
Một nhà hàng ven biển An Bàng, phường Cẩm An, thành phố Hội An bị sạt lở. Trao đổi với phóng viên, chủ nhà hàng cho biết, khoảng 7h ngày 27/10, sóng dâng cao hơn 2m đánh mạnh vào bờ gây sạt bờ bao.
Để ứng phó bão Trà Mi, thành phố Hội An thành lập nhiều đội phản ứng nhanh để tham gia phòng chống bão lũ tại các phường, xã. Đồng thời chính quyền Hội An cũng kêu gọi người dân ở yên trong nhà, không ra ngoài khi không cần thiết vào trưa và chiều nay.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (bão Trà Mi) sáng 27/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định bão Trà Mi là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào miền Trung năm 2024.
Phó Thủ tướng đánh giá, bão Trà Mi có cơ chế hoạt động hết sức đặc biệt khi vào đất liền lại quay ra biển nên ảnh hưởng của gió mạnh trên đất liền kéo dài, lượng mưa lớn.
Do đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và đài khí tượng các địa phương cần đưa ra dự báo chính xác về thời điểm bão đổ bộ và triều cường để tập trung xử lý các khu vực đê biển xung yếu.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ các địa phương sử dụng thiết bị bay không người lái khảo sát các khu vực đông dân cư, khu vực có bản đồ đứt gãy về địa chất để sớm phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở, di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, thời điểm hiện tại, khu vực ven biển Thuận An, TP Huế đã ngớt mưa. Tuy nhiên, tuyến đường chính dẫn về cửa biển bị ngập sâu, nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.
Để giúp dân, TP Huế đã điều động nhiều lực lượng đến hỗ trợ người dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt.
Gió to, sóng mạnh làm nước biển tràn bờ tại khu bãi tắm Thuận An, thành phố Huế và xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế). Thậm chí, nước biển đã chảy tràn vào đường quốc lộ 49 vào phá Tam Giang.
Do ảnh hưởng của bão Trà Mi nên sóng trên sông Hàn ở TP Đà Nẵng khá lớn. Sóng lớn đã đánh bật lớp đá lát vỉa hè ven sông Hàn, gần khu vực gần cầu Thuận Phước, thuộc quận Hải Châu. Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng chức năng đã rào chắn cấm các phương tiện đi qua khu vực này.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại vỉa hè ven sông Hàn nhiều trụ đèn đã đổ, lớp gạch lát vỉa hè cũng bị sóng đánh bật dạt vào lòng đường.
Do ảnh hưởng của bão Trà Mi, đến 9h30 ngày 27/10, tại tỉnh Quảng Trị, nhiều nơi có mưa to đến rất to, gió giật mạnh. Nước trên các sông, suối ở các huyện miền núi tỉnh này đang lên, một số ngầm tràn nước dâng cao gây chia cắt cục bộ.
Tại huyện đảo Cồn Cỏ, có mưa to và gió cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao 3-4m. Để đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng chức năng trên đảo, chính quyền địa phương đã yêu cầu tất cả mọi người không ra khỏi nhà và nơi tránh trú.
Do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to, một số tuyến đường, đập tràn ở xã Triệu Phước, Triệu Đại, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị ngập sâu.
Mưa lớn cũng làm nước trên các sông, suối ở các huyện miền núi tỉnh này đang lên, ngầm tràn ở huyện Đakrông tại km0+307 trên tuyến quốc lộ 15D nước dâng cao, ngập sâu 1,2m, gây chia cắt cục bộ.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 9h ngày 27/10, tâm bão Trà Mi (bão số 6) cách Đà Nẵng khoảng 65km về phía Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15km/h.
Dự báo trưa nay bão đi vào nam Quảng Trị đến bắc Quảng Nam, vùng gần tâm bão khả năng có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Từ chiều đến đêm nay, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi ra Biển Đông.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gió mạnh cấp 7; Thừa Thiên Huế gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Bà Nà (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 6, giật cấp 13.
Khu vực từ Quảng Bình Nẵng đã có mưa to, lượng mưa phổ biến 50-150mm, cục bộ có nơi mưa to trên 250mm.
Do tác động của bão vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.
Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh.
Từ sáng 27/10, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m.
Tàu/thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa), khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Cảnh báo nguy cơ cao sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.
Diễn biến bão số 6 còn rất phức tạp và có thể có thay đổi.
Để phòng, chống bão số 6 (bão Trà Mi), Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng đã huy động 4 xe thiết giáp BTR-152 của Tiểu đoàn tăng thiết giáp 699 thuộc Phòng tham mưu sẵn sàng ứng phó khi có những tình huống khẩn cấp.
Sáng nay, do ảnh hưởng của bão Trà Mi, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to đã khiến một số địa phương bị ngập, trong đó có một số nơi ở TP Huế.
Khoảng 8h40 sáng nay, tại bãi biển thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa có mưa nhỏ, gió mạnh. Dọc khu vực bờ kè cuối bãi D của thành phố này xuất hiện nhiều cột sóng biển cao, nhiều du khách rủ nhau ra bãi biển chụp ảnh.
Lúc 8h30, đường phố Hội An, Quảng Nam vắng người qua lại, thi thoảng chỉ có một vài người dân đi mua nhu yếu phẩm. Gió bắt đầu thổi mạnh kèm theo mưa nhỏ. Các chợ dân sinh vẫn mở, nhưng ít người đi lại trên đường.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm), TP Hội An – cho biết, lúc 9h ngày 27/10, bão đổ bộ vào có gió cấp 7-8, giật cấp 10, sóng biển rất cao, tràn lên đường ven đảo. Chính quyền yêu cầu người dân đóng cửa, không đi ra đường để đảm bảo an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 6h ngày 27/10, vị trí tâm bão Trà Mi (bão số 6) ở vào khoảng 16,8 độ vĩ Bắc; 108,9 độ kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 110km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo trong sáng nay, bão Trà Mi sẽ đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi).
Đến khoảng trưa nay, tâm bão trên đất liền ven biển các tỉnh Trung Trung Bộ.
Sau đó, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Nam, đi về phía vùng biển các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Tại Thừa Thiên Huế, sáng 27/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cũng đã phát đi thông báo về việc hạn chế người dân ra đường khi xảy ra gió lớn do bão Trà Mi.
Theo cơ quan phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, tại khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; lượng mưa từ 19h ngày 26/10 đến 6h ngày 27/10 phổ biến 100-150mm, một số nơi cao hơn như: Bạch Mã 268mm, Nam Đông 144mm, gây nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu người dân không được ra đường từ 7h ngày 27/10 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt) cho đến khi có thông báo của cơ quan chức năng.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, từ sáng sớm 27/10, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số địa phương của Thừa Thiên Huế bắt đầu xuất hiện các đợt mưa lớn kèm gió giật mạnh.
Sáng cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông báo tạm ngừng đón khách tham quan tại các địa điểm thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế cho đến khi có thông báo mới.
Để ứng phó bão số 6, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã lên phương án di dời 16.349 hộ dân/52.186 khẩu tại các khu vực xung yếu.
Thừa Thiên Huế vận động nhân dân chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu 7-10 ngày liên tục để phòng khi thiên tai, lụt bão xảy ra; bố trí 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền để hỗ trợ người dân khi cần thiết.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay toàn bộ 1.884 phương tiện tàu thuyền với 10.685 lao động của tỉnh đã vào bờ neo đậu an toàn.
Tại Đà Nẵng, sáng 27/10 đã bắt đầu có gió mạnh và trời rất u ám. Các bãi biển bắt đầu có gió rít từng cơn, đây là dấu hiệu của việc cơn bão số 6 (bão Trà Mi) đang tiến sát đất liền. Người dân tại thành phố cũng được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà từ 10h hôm nay.
Cũng theo ghi nhận trong sáng nay, thành phố Đà Nẵng có mưa nhỏ và gió nhẹ, người dân gấp rút chằng chống nhà cửa, hàng quán sẵn sàng ứng phó với bão Trà Mi.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/bao-tra-mi-khien-nuoc-bien-dang-cao-tran-vao-bo-o-thua-thien-hue-20241027080707249.htm