Vụ hè thu năm 2024, huyện Triệu Phong dự kiến gieo cấy hơn 5.479 ha lúa, trồng 70 ha khoai lang, 15 ha lạc, 90 ha đậu, 30 ha ngô, 300 ha rau, dưa các loại và nuôi trồng 757 ha thủy sản.
Người dân xã Triệu Long làm đấtđể chuẩn bị gieo cấy vụ hè thu -Ảnh: X.V
Để sản xuất nông nghiệp vụ hè thu năm 2024 đảm bảo khung thời vụ, thu hoạch sớm tránh lũ, UBND huyện Triệu Phong yêu cầu UBND các xã, thị trấn, giám đốc hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác chỉ đạo nông dân gặt lúa vụ đông xuân đến đâu vệ sinh đồng ruộng, làm đất gieo cấy đến đó với giống lúa ngắn ngày và cực ngắn có thời gian sinh trưởng từ 85- 90 ngày như HN6, Khang Dân, Hà Phát 3, HG12 và một số giống đã qua khảo nghiệm có triển vọng, cũng như nhân rộng mô hình sản xuất lúa VietGAP, canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì diện tích lúa hữu cơ, theo hướng hữu cơ.
Theo đó, mỗi HTX lựa chọn cơ cấu giống thích hợp, chỉ bố trí 3- 4 loại giống lúa chủ lực, khuyến khích đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh theo hướng an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện, khả năng tưới tiêu, các địa phương bố trí sản xuất hợp lý và có kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng cạn những nơi thiếu nước. Theo đó, dự kiến sẽ chuyển đổi 18 ha đất trồng lúa thiếu nước nhưng đủ độ ẩm sang trồng dưa hấu, đậu xanh và cây chịu hạn khác tại các xã như Triệu Thượng, Triệu Ái, Triệu Độ.
Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện chỉ đạo một số HTX sản xuất khảo nghiệm các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng được sâu bệnh hại để nhân rộng thay thế dần một số giống lúa sản xuất nhiều năm, năng suất thấp, bị nhiễm sâu bệnh nặng.
UBND huyện Triệu Phong cũng đã xây dựng các phương án để phát triển cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch để tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, đối với nuôi trồng thủy sản, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình 2, 3 giai đoạn thích nghi với biến đổi khí hậu, vận động người dân nhân rộng mô hình nuôi tôm thâm canh bằng chế phẩm sinh học, mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc.
Để tránh rủi ro về dịch bệnh, các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp tăng cường kiểm tra, kiểm soát vùng nuôi, chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện tốt cải tạo, vệ sinh ao hồ, hệ thống cấp thoát nước trước khi xuống giống vụ nuôi mới. Đồng thời kiểm soát chất lượng giống, vật tư đầu vào và an toàn thực phẩm cũng như theo dõi thông tin quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Mặt khác, tăng cường hướng dẫn người nuôi thủy sản tuân thủ quy trình kỹ thuật, tùy vào đối tượng nuôi cụ thể để xây dựng kế hoạch nuôi, kích thước giống thả, hình thức nuôi phù hợp, đồng thời tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa bảo đảm năng suất, an toàn thực phẩm.
Đối với nguồn nước, qua khảo sát cho thấy, hiện nay, các hồ chứa lớn do Xí nghiệp Thủy nông Nam Thạch Hãn và Xí nghiệp Thủy nông Gio Cam Hà quản lý mực nước đạt khoảng 79% dung tích thiết kế, hồ Bà Huyện và các sông, hồ khác xuống thấp phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước bổ sung. Do đó, vụ hè thu năm 2024 tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước sản xuất. Trước tình hình đó, UBND huyện đã xây dựng phương án cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất để ứng phó với tình hình khô hạn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp vụ hè thu năm 2024.
Theo đó, UBND huyện Triệu Phong chỉ đạo các xã, thị trấn và đơn vị liên quan xây dựng, nâng cấp, duy tu các kênh mương, trạm bơm, nạo vét hói, trục kênh tiêu chính để đảm bảo nguồn nước sản xuất, đồng thời tận dụng ao hồ, nguồn nước hồi lưu để bơm tát bổ sung những vùng có khả năng thiếu nước, khó tưới. Các HTX, tổ hợp tác chủ động phối hợp với xí nghiệp thủy nông xây dựng phương án tưới tiết kiệm, luân phiên khắc phục hạn hán, đặc biệt đảm bảo nước tưới đủ cho vùng cuối kênh, vùng đất chuyển đổi tăng vụ sản xuất.
Cùng với đó, HTX, tổ hợp tác phối hợp với các đơn vị quản lý thuỷ nông trên địa bàn xây dựng kế hoạch cấp nước và tổ chức cấp nước theo kế hoạch đã lập; triển khai gieo cấy tập trung, tưới hợp lý để tiết kiệm nước, ưu tiên nước tưới cho giai đoạn cây lúa làm đòng và trổ.
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra kịp thời điều chỉnh kế hoạch tưới cho phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết và nguồn nước cũng như áp dụng biện pháp tưới luân phiên, ướt khô xen kẽ, phân loại diện tích và cây trồng để có kế hoạch tưới, trong đó ưu tiên đủ nước cho giai đoạn gieo sạ và đòng trổ đối với lúa.
Tổ chức ra quân làm thủy lợi khơi thông dòng chảy, tu sửa, nạo vét kênh mương, cửa lấy nước cũng như duy tu bảo dưỡng tốt trạm bơm sẵn sàng bơm tưới. Tiếp tục huy động nguồn lực sửa chữa, nâng cấp công trình bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuỷ lợi sớm đưa vào khai thác phục vụ sản xuất.
UBND huyện Triệu Phong đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh sớm hoàn thành dự án chống úng Thuận- Trạch- Trung- Tài, huyện Triệu Phong sớm đưa vào khai thác, sử dụng.
Xuân Vinh