Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước cục bộ vào mùa khô thường xuyên xảy ra, do đó nhà nước quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Nông dân xã Triệu Thượng thu hoạch lúa vụ hè thu 2024 -Ảnh: T.V
Hiện nay ở Triệu Phong, tổng chiều dài kênh mương thủy lợi do xã quản lý hơn 400 km, trong đó có hơn 229 km được kiên cố hóa, chiếm tỉ lệ hơn 57%. Có 86 trạm bơm nhỏ với tổng lưu lượng thiết kế 3.941,4 m3 /h. Hệ thống thủy lợi có tính liên thông, đồng bộ giữa các công trình và giữa các xã với nhau, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Lòng sông, kênh, mương thông thoáng, không gây ách tắc dòng chảy hay bị ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo tưới tiêu 2 vụ lúa trong năm.
Cùng với đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, huyện Triệu Phong chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, tỉ lệ lao động qua đào tạo của các xã đều đạt trên 75%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 29,8% nên rất thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Công tác kiện toàn, củng cố hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) được đẩy mạnh. Đến nay, toàn huyện có 83 HTX, 18 THT với 19.682 thành viên. Tổng tài sản bình quân mỗi HTX đạt 2,282 tỉ đồng, trong đó tài sản lưu động bình quân 486 triệu đồng/HTX, tài sản cố định bình quân 1,796 tỉ đồng/HTX. Doanh thu bình quân đạt 712 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 153 triệu đồng/HTX. Các HTX đều được thành lập và chuyển đổi hoạt động theo đúng Luật HTX.
Thông qua HTX, các địa phương hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện là cây lúa. Theo đó, hằng năm diện tích sản xuất lúa của huyện đạt gần 12.000 ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm hơn 80%, năng suất bình quân đạt hơn 60 tạ/ ha, trong đó có một số mô hình sản xuất lúa liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm của HTX Nông sản sạch Triệu Phong, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị.
Trên lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, đảm bảo môi trường và an toàn dịch bệnh. Hiện đã có nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn có sự liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Golden… Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn huyện có 55 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại theo Luật Chăn nuôi, trong đó 1 trang trại quy mô lớn, 14 trang trại quy mô vừa, 40 trang trại quy mô nhỏ.
Nhằm khai thác cơ sở hạ tầng có sẵn để phát triển ngành nông nghiệp, thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đồng thời phát triển HTX, THT theo mô hình kinh doanh đa ngành, kể cả mở rộng loại hình dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm.
Bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện, các HTX, THT đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, chuyển đổi số phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa. Mặt khác, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng, có quy mô lớn, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản của huyện cũng như thực hiện đồng bộ giải pháp về quy hoạch hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy trình gắn với công nghệ chế biến.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai thực hiện tốt Đề án chuyển đổi ngành nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Trong quá trình đào tạo nghề gắn với thị trường lao động và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế của huyện cũng như đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác khuyến công trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa sự tham gia của nhà nước và doanh nghiệp…
Tuấn Việt
Nguồn: https://baoquangtri.vn/trieu-phong-dam-bao-cac-dieu-kien-de-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-188405.htm