Dù đã có tuổi nhưng lúc nào tôi cũng thấy nhà văn Châu La Việt bận rộn với bao kế hoạch, dự định sáng tác, tổ chức chương trình nghệ thuật… Anh xông xáo, có mặt khắp nơi, viết như chưa bao giờ được viết, từ tác phẩm văn học cho đến kịch bản sân khấu, cứ thế ào ạt ra đời. Đó là những gì tôi chứng kiến lao động nghề văn của nhà văn Châu La Việt trong năm 2023, năm anh có nhiều tác phẩm có dấu ấn riêng để phụng sự bạn đọc/khán thính giả mà anh hằng yêu mến.
Nhà văn Châu La Việt (thứ nhất, từ trái sang) trong chuyến về thăm quê năm 2023 – Ảnh: P.V
1.Cuối tháng 10/2023, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam có một việc làm rất mới, đó là tổ chức trao tặng bằng khen cho Ban tổ chức Chương trình nghệ thuật tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 9/7/2023, tưởng niệm 37 năm ngày mất của Tổng Bí thư Lê Duẩn 10/7 (1986 – 2023), Chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề Khắc ghi tên Người được tổ chức tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh. Chương trình do Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, Đoàn Văn công Quân khu 7, các nghệ sĩ của Học Viện âm nhạc quốc gia và Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội biểu diễn.
Chương trình bao gồm 15 tiết mục ca múa nhạc, hài hòa giữa màu sắc âm nhạc dân tộc đậm chất Nam Bộ của Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen và chất âm nhạc hiện đại của Đoàn Văn công Quân khu 7; hài hòa giữa phong cách cổ điển, bán cổ điển của các giọng hát tham gia chương trình như NSND Quốc Hưng, NSƯT Nguyễn Hương Giang… Chương trình toát lên một thông điệp: Cho dù đã đi xa 37 năm nhưng hình ảnh của Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn sống mãi trong trái tim dân tộc, đất nước, trong các thế hệ cách mạng và đồng bào cả nước.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, ban tổ chức đã nỗ lực thực hiện một chương trình nghệ thuật giàu ý nghĩa, mang tính tư tưởng và tính nghệ thuật cao, được các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước khen ngợi, khán giả yêu thích. Thời gian tới, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng ban tổ chức chương trình sẽ đưa các tiết mục xuất sắc đến với đông đảo cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân cả nước, trước mắt tới những địa phương: Thủ đô Hà Nội, Quảng Trị (quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn), các tỉnh miền Tây Nam Bộ…
Trong buổi trao tặng bằng khen của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam hôm ấy, có một người lặng lẽ nhưng nhiều người biết đến, mặc dù bao giờ anh cũng khiêm tốn như người đứng sau cánh gà sân khấu. Đó là nhà văn Châu La Việt – tác giả kịch bản chương trình Khắc ghi tên Người. Theo dõi quá trình lao động sáng tạo của nhà văn, tôi nhận thấy ít có nhà văn, nhà thơ nào có một tấm lòng kính trọng, ngưỡng mộ và viết hay về các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như Châu La Việt. Anh cũng là người có những vần thơ rất hay viết về các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, trong đó “Bài ca về Bác Ba Lê Duẩn” là một trong những bài thơ hay đó. Bài thơ mở đầu với những câu thơ rất gần gũi, giản dị: “Từng bước chân ra đi/ Theo con đường cách mạng/Một trái tim nhiệt huyết/Vì đất nước vì dân/Như hai trăm ngọn nến/Tỏa sáng trong lòng dân…”.
Chất liệu trong thơ của Châu La Việt khi viết về Bác Ba Lê Duẩn giàu tính hình tượng, biểu cảm, có tính khái quát cao, từ hình ảnh cánh đồng Tháp Mười đêm trăng, những dòng sông dậy sóng: Vàm Cỏ, Hàm Luông, Thạch Hãn, về một trái tim yêu thương đến vô cùng, đến hình ảnh một lãnh đạo có công lớn trong thống nhất non sông, là cuộc đời người cộng sản…“Bài ca ấy vang trên những cánh đồng/Đồng Tháp Mười đêm nay nhiều trăng sáng…/ Bài ca ấy dậy sóng những dòng sông/Sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông, Thạch Hãn/Bài ca ấy vang trong triệu tim Người/Khắc ghi muôn đời- Bác Ba Lê Duẩn”. (Bài ca về Bác Ba Lê Duẩn)
Tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt vừa ra mắt bạn đọc -Ảnh: P.V
Hay như trong bài thơ tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng, Châu La Việt đã thể hiện tình cảm một cách thiết tha, tự nhiên: “Tên Anh thành truyền thuyết, ca dao/Trong lời người dân gian, trong câu ca mộc mạc/Gió Đại Phong truyền khắp miền đất nước/Hóa thành cơn bão táp những ruộng đồng/ Góp vào cơn bão táp của chiến trường/Đại tướng lại lên đường, miền Nam còn có giặc/Sau lưng Anh những cánh đồng bát ngát/Và Đại Phong/Gió vẫn thổi hôm nay…”. (Gió Đại Phong vẫn thổi).
Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhà văn Châu La Việt lại cho ra đời một vở nhạc kịch “Vầng trăng Him Lam”, nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Hy vọng khi công diễn rộng rãi sẽ đem lại nhiều cảm xúc tươi mới cho khán thính giả.
2.Trong các tác phẩm được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2023, tôi rất có ấn tượng với tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của nhà văn Châu La Việt. Đây là tác phẩm mà anh hoàn thành từ Trại sáng tác do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng của Quân khu 5 tổ chức vào tháng 8/2023. Tuy viết nhiều thể loại, song tiểu thuyết vẫn là sở trường của Châu La Việt. Những cuốn tiểu thuyết xuất bản gần đây của anh được độc giả đón nhận: “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng” (2014), “Chim vẫn hót cúc cu bên đồi” (2014), “Triền dâu xanh ngát” (2016), “Lửa sáng phía chân trời” (2019), “Người mẹ và cánh rừng” (2022). Và mới nhất là “Vầng trăng Him Lam”. Được biết, anh cũng vừa kịp bổ sung, hoàn thiện cuốn tiểu thuyết “Một chuyện tình xứ Quảng”.
Nhân vật chính, trung tâm của tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” là nhạc sĩ Đỗ Nhuận, một hình tượng văn học thành công biểu trưng cho cuộc đời nghệ thuật của một “du kích cầm đàn”. Có thể nói, tiểu thuyết có trường phản ánh rất rộng, với không gian, thời gian trải dài từ đầu những năm 40 đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được Châu La Việt khắc họa từ “một người tù Sơn La” rồi dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc. Đỗ Nhuận trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và tác phẩm của ông đã góp phần cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ, toàn dân đứng lên quét sạch quân thù, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Đọc “Vầng trăng Him Lam”, đạo diễn Khắc Tuế, cũng là nhân vật được đề cập trong tiểu thuyết đã nhận xét chân tình: “Châu La Việt viết cảm động lắm, chân thực lắm. Tôi đọc suốt đêm mà hết sức cảm xúc. Nhớ anh Đỗ Nhuận, nhớ Mạc Ninh, nhớ Nguyễn Thành, Vũ Trọng Hối và bao nhiêu anh em đồng chí ngày ấy tham gia Điện Biên. Nhớ lại cả tuổi trẻ của mình…”.
Các tác phẩm mới của nhà văn Châu La Việt -Ảnh: P.V
Còn nhà văn Bùi Việt Thắng thì cho rằng: “Nhân vật nhạc sĩ Đỗ Nhuận được nhà văn “trồng” trên một cái nền rộng và vững chắc – nhân vật “tập thể”, “Nhân dân”. Trên nền rộng Nhân dân chúng ta thấy “người người lớp lớp” dân thường là đồng bào các dân tộc – du kích – bộ đội – thanh niên xung phong… Tất cả hướng về tiền tuyến, tất cả vì thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ nền độc lập tự do của đất nước. Xét đến cùng thì tinh thần “ôn cố tri tân” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sáng tác của Châu La Việt nói chung và đậm đặc trong “Vầng trăng Him Lam” nói riêng. Tôi nghĩ, viết theo động hướng tinh thần này chính là thực hành nguyên tắc “Viết để chống lại sự lãng quên lịch sử và con người”.
Viết “Vầng trăng Him Lam”, Châu La Việt chọn bút pháp tiểu thuyết phi hư cấu, tôn trọng tuyệt đối lịch sử, cho nên sử dụng nhiều tư liệu của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, hồi ức của Chính ủy Mạc Ninh và những dòng nhật ký của đạo diễn Khắc Tuế… cùng nhiều kỷ niệm của các cựu chiến binh tham gia Điện Biên Phủ. Từ kinh nghiệm thực tế sáng tác của những bậc đàn anh đi trước, nhà văn Châu La Việt nghiệm ra một điều rằng, nền văn học nghệ thuật nước ta có những đề tài lớn lao như Đảng, Bác Hồ, quân đội hay những chiến công lịch sử… bao nhiêu lời ngợi ca dường như cũng chưa đủ. Mỗi thế hệ vẫn cần tiếp tục có những sáng tạo mới, không chỉ để lịch sử không bị quên lãng, mà chính là bồi đắp thêm tình yêu, truyền thống và những ngọn lửa dành cho thế hệ mai sau.
“Nói nghiêm túc “Vầng trăng Him Lam” là một bản hợp xướng với nhiều giọng hát tuyệt vời, mà tôi chỉ là một cây vĩ cầm dẫn chuyện. Thêm một lần xin đa tạ những trang viết nóng hổi khói lửa và bùn đất Điện Biên đã giúp tôi làm nên một tác phẩm có ý nghĩa góp vào bảo tàng Điện Biên Phủ oai hùng của chúng ta, thêm một tiếng hát hào hùng sau 70 năm về chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của chúng ta”, nhà văn Châu La Việt chia sẻ.
Châu La Việt đến với văn học, nghệ thuật từ những năm tháng của “Thời hoa đỏ”, đến nay vẫn không ngừng nghỉ. Bút lực của anh dồi dào, cảm xúc của anh là bất tận. Anh viết nhiều loại hình, từ văn xuôi, thơ đến kịch bản sân khấu và lĩnh vực nào anh cũng gặt hái được thành công. Những ai từng gặp, tiếp xúc với nhà văn Châu La Việt đều cảm nhận ở anh một tình cảm ân tình, nồng ấm và một tấm lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha, mãnh liệt. Vì thế mà trong cuộc sống anh có nhiều bạn, từ thời học phổ thông, thời đi bộ đội, rồi bạn bè văn nghệ sĩ, báo chí ở khắp nơi, như lời tâm sự bạn văn của anh – Bùi Thị Biên Linh: “Tôi thầm nghĩ, sẽ thật hạnh phúc và may mắn cho những người đã, đang và sẽ được là bầu bạn của Châu La Việt – một con người tài năng và kiêu hãnh với trái tim nồng ấm, ân tình”.
Minh Tứ