Quảng Trị có chung đường biên giới với 2 tỉnh Salavan, Savannakhet và gần tỉnh Sekong. Đây là những địa phương có trữ lượng than đá lớn của Lào đang được khai thác, xuất khẩu. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm cách nào để vận chuyển than từ nước bạn đến hệ thống kho cảng của Quảng Trị đạt hiệu quả tối ưu nhất. Vì thế, Dự án băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay được xem là dự án có tính khả thi cao.
Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Trị và Sekong ký kết biên bản ghi nhớ đẩy mạnh hợp tác trong hoạt động xuất, nhập khẩu than đá – Ảnh: L.T
Nhu cầu và tiềm năng về than đá
Theo số liệu Quy hoạch tổng thể về năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hằng năm nhu cầu sử dụng than đá trong nước khoảng 90-100 triệu tấn, dự kiến đến năm 2030 nhu cầu này là khoảng 137 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng thành phần than sản xuất trong nước chỉ đạt từ 40-45 triệu tấn/ năm. Trong khi đó, kết quả khảo sát cho thấy, trữ lượng mỏ than tại 2 tỉnh Sekong, Salavan (Lào) nằm cách Cửa khẩu quốc tế La Lay chừng hơn 118 km ước khoảng 0,8-1 tỉ tấn.
Như vậy, lượng than tương ứng phải nhập khẩu để đảm bảo đủ phục vụ nhu cầu trong nước là rất lớn khoảng từ 50-71 triệu tấn/năm. Và thực tế, trong năm 2023, khối lượng vận chuyển than đá từ Lào về các cảng biển của khu vực miền Trung Việt Nam bằng đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đang được triển khai nhưng chỉ đạt từ 1,5-2 triệu tấn.
Nguyên nhân là do việc vận chuyển than đá bằng đường bộ còn gặp không ít khó khăn vì hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu đồng bộ, quãng đường di chuyển dài kéo theo các yếu tố ảnh hưởng môi trường, gây mất an toàn giao thông và tăng chi phí vận chuyển. Vì vậy, giải pháp lâu dài, mang tính tối ưu đã được Quảng Trị lựa chọn là vận chuyển than đá bằng băng chuyền xuyên biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và đoàn công tác tỉnh Quảng Trị tìm hiểu thực địa tại mỏ than Kaleum, Sekong (Lào) – Ảnh: L.T
Theo đó, tỉnh đã xây dựng Đề án tổng thể vận tải than đá từ Lào về Việt Nam gồm 3 đoạn. Trong đó, đoạn 1 từ mỏ than Kaleum (Sekong) đến kho than ở Salavan với chiều dài 100km do phía nước bạn Lào nghiên cứu thực hiện; đoạn 2 từ kho bãi hàng hóa tỉnh Salavan cắt qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đến kho bãi tại xã A Ngo, huyện Đakrông và đoạn 3 từ kho bãi ở xã A Ngo đến cảng biển Mỹ Thủy. Riêng 2 đoạn nằm trên địa phận tỉnh Quảng Trị đang được địa phương tích cực triển khai thực hiện.
Cụ thể, đoạn 2 là Dự án xây dựng hệ thống băng chuyền vận tải than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay có chiều dài khoảng 5,5 km hiện đang có Công ty TNHH Nam Tiến đề xuất thực hiện; đoạn 3 dài 70km do Công ty TNHH Central Capital đề xuất. Riêng đoạn 2 của đề án là xây dựng băng tải vận chuyển than có tổng mức đầu tư khoảng 1.840 tỉ đồng được chia làm 2 giai đoạn nhỏ để xây dựng tuyến băng tải có tổng công suất vận tải 6.000 tấn/giờ cùng các công trình phụ trợ.
Hiện, các doanh nghiệp của hai tỉnh đã đề xuất lên Chính phủ hai nước. Chính phủ Việt Nam đã có nghị quyết cho phép triển khai dự án. Tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp phía Việt Nam thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp theo.
Vào cuộc khẩn trương để sớm hiện thực hóa dự án
Nhằm phát huy lợi thế nằm ở vị trí cửa ngõ giao thương quan trọng của Hành lang kinh tế Đông-Tây, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động mọi nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện hạ tầng, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp, đặc biệt, là hoạt động xuất, nhập khẩu than đá từ Lào.
Đồng thời, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về việc đầu tư xây dựng băng tải thuộc dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới lãnh thổ hai nước tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Kịp thời phối hợp triển khai có hiệu quả biên bản làm việc giữa Đoàn cấp cao tỉnh Quảng Trị và tỉnh Sekong, thống nhất kiến nghị cấp có thẩm quyền phía nước bạn Lào sớm có văn bản đồng ý để hai tỉnh Quảng Trị và Salavan có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo của dự án băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam và các vấn đề liên quan đến vận chuyển than đá từ Sekong đến Quảng Trị.
Trên cơ sở đề xuất của Quảng Trị, ý kiến thống nhất của các bộ, ngành liên quan, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 5/1/2024 đồng ý về việc đầu tư xây dựng băng tải thuộc dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới lãnh thổ hai nước tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) – Cửa khẩu La Lay (Salavan) và đi qua 2 điểm trong phạm vi 100 m tính từ đường biên giới về phía lãnh thổ hai nước. |
Gần đây nhất, vào cuối tháng 1/2024, Đoàn công tác của Quảng Trị do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng dẫn đầu đã sang tìm hiểu thực tế, làm việc tại tỉnh Sekong (Lào) nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trọng tâm là việc vận chuyển, xuất khẩu than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Điểm nhấn trong chuyến công tác này là sau khi tìm hiểu tại mỏ than Kaleum ở tỉnh Sekong và nghe đại diện mỏ đề nghị chính quyền các bên sớm xúc tiến triển khai Dự án hệ thống băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay. Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sekong để thảo luận và ký kết biên bản ghi nhớ đẩy mạnh hợp tác.
Trong đó, đáng chú ý là đề nghị của tỉnh Quảng Trị đối với tỉnh Sekong trong phối hợp với tỉnh Salavan cùng kiến nghị cấp có thẩm quyền phía nước bạn Lào sớm có văn bản đồng ý để hai tỉnh có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo của Dự án băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ hai nước cho phép kéo dài thời gian làm việc của các lực lượng chức năng tại cặp Cửa khẩu quốc tế La Lay (Việt Nam)-Cửa khẩu La Lay (Lào) nhằm đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa với khối lượng lớn.
Một góc mỏ than Kaleum, tỉnh Sekong, Lào với trữ lượng ước khoảng trên 800 triệu tấn – Ảnh: L.T
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định, chuyến công tác vừa qua tại tỉnh Sekong không chỉ thúc đẩy hợp tác với tỉnh bạn, mở rộng quan hệ đối tác với tỉnh Salavan về đầu tư, thương mại, logistics, du lịch nhằm khai thác hiệu quả lợi thế vị trí trên Hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa các tỉnh Sekong – Champasak – Salavan – Quảng Trị và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, mà còn hỗ trợ và tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác, xuất khẩu than đá qua cặp Cửa khẩu quốc tế La Lay-Cửa khẩu La Lay.
Có thể khẳng định rằng, Dự án băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay khi đi vào vận hành sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới về kinh tế – xã hội, đồng thời là điều kiện thuận lợi, động lực để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ở khu vực phía Tây của tỉnh.
Để dự án sớm triển khai đầu tư, vận hành, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn, phát sinh để nhà đầu tư sớm có cơ sở triển khai.
Lê Trường