Ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Tại tỉnh Quảng Trị, những năm qua, du lịch nông thôn được chú trọng phát triển. Qua đó đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn để tăng thu nhập của người dân, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Du khách tham quan di tích Sân bay Tà Cơn, huyện Hướng Hóa -Ảnh: T.L
Quảng Trị hiện có hơn 600 di tích, cụm di tích lịch sử cách mạng và danh thắng, trong đó 479 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh, 33 di tích và cụm di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia, 4 di tích và cụm di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, mảnh đất Quảng Trị được thiên nhiên ban tặng với nhiều danh lam thắng cảnh đa dạng với các loại địa hình rừng núi, động, thác, sông, hồ, biển, đảo…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, nhiều trang trại, nông trại với ưu thế về môi trường, cảnh quan, bước đầu đưa các quá trình sản xuất trở thành hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc kết hợp các chuỗi giá trị của du lịch nông nghiệp như tham quan, trải nghiệm gắn với văn hóa, ẩm thực mang đến hệ thống sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, tạo ra những sắc thái riêng.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian qua, du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận những bước phát triển quan trọng, góp phần tạo nguồn sinh kế, tạo việc làm, đem lại thu nhập cao hơn so với hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy, từng bước cải thiện đời sống của người dân, từ đó tác động tích cực đến việc thực hiện chương trình xây dựng NTM của địa phương. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, việc phát triển du lịch nông thôn vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho hay: “Các mô hình du lịch nông thôn của Quảng Trị còn mang tính tự phát, chưa bài bản, thiếu sự liên kết, thiếu bền vững nên hiệu quả chưa cao, chưa thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm thực tế và mua sắm của khách du lịch; chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch bài bản. Sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành chưa nhiều.
Đặc biệt chưa có mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Cùng với đó, một số điểm còn vướng vấn đề quy hoạch, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, du lịch.
Pháp luật đất đai chưa quy định đầy đủ về các chính sách kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái dưới tán rừng; chưa có quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại hình sử dụng đất hỗn hợp trên đất nông nghiệp…”.
Mặt khác, việc bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn, đòi hỏi tầm nhìn lâu dài. Các nghề thủ công truyền thống hiện nay còn rất ít gia đình duy trì. Chưa có bộ tiêu chí chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông thôn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có khu, điểm du lịch được công nhận do đó việc triển khai chính sách hỗ trợ còn gặp rất nhiều trở ngại. Vấn đề truyền thông, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình xây dựng NTM theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên để cân bằng giữa bảo tồn, giữ gìn và phát triển chưa được triển khai thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản.
Triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 2/12/2022 về thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó phấn đấu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu trên địa bàn tỉnh có 1- 3 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá. Phấn đấu mỗi huyện NTM có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù…
Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM là hướng đi tất yếu nhằm thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn.
Trong đó, chú trọng xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch nông thôn. Đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp, HTX, THT, hộ kinh doanh tham gia phát triển du lịch nông thôn. Thúc đẩy liên kết nông thôn – đô thị trong phát triển du lịch, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn ở những nơi có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch …
Cùng với đó, tỉnh sẽ huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn như tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng.
Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại các địa bàn, môi trường khác nhau theo các quy định của pháp luật nhằm tạo ra nguồn thu ổn định từ hoạt động du lịch để đầu tư trở lại cho các công tác bảo vệ tài nguyên du lịch. Khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn…
Việc tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn sẽ được chú trọng thực hiện thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng NTM. Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề…
Tổ chức các lễ hội, hoạt động kết nối du lịch các vùng, miền; truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm. Cùng với đó, tỉnh sẽ chú trọng bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn; tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác trong nước và quốc tế về phát triển du lịch nông thôn.
Thanh Lê
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tiep-tuc-huy-dong-long-ghep-va-su-dung-hieu-qua-cac-nguon-luc-phat-trien-du-lich-nong-thon-186307.htm