Bộ dụng cụ làm dịch vụ vệ sinh nhà cửa, chiếc máy sấy quần áo hay chiếc xe bán bánh mì… với nhiều người không phải là món đồ giá trị. Thế nhưng đây là những phương tiện sinh kế có ý nghĩa thiết thực, giúp các hộ nghèo, cận nghèo tại TP. Đông Hà có động lực vươn lên.
Bộ dụng cụ làm dịch vụ vệ sinh nhà cửa đã giúp chị Hằng có thêm nguồn thu nhập ổn định -Ảnh: T.P
Ngôi nhà nhỏ tại Kiệt 179, đường Đinh Tiên Hoàng, khu phố Tây Trì, Phường 1, TP. Đông Hà của vợ chồng chị Phạm Thị Dung những ngày cuối năm trở nên nhộn nhịp hơn bởi số lượng người đưa chăn màn đến giặt. Từ tháng 4/2022, sau khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 1 hỗ trợ chiếc máy sấy quần áo, công việc giặt chăn màn, quần áo thuê của vợ chồng chị trở nên thuận tiện hơn.
Chị Dung từng là một thợ làm tóc; chồng chị làm nghề mộc. Cuộc sống khi ấy không khá giả nhưng vẫn đủ để trang trải mọi chi phí cho gia đình. Nhưng từ khi bị bệnh, sức khỏe của chị giảm sút, đời sống của gia đình ngày càng khó khăn hơn. Thực hiện mô hình hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hộ gia đình đặc biệt khó khăn do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố triển khai, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 1 đã khảo sát, nắm bắt nhu cầu của gia đình chị Dung và hỗ trợ phương tiện sinh kế kịp thời.
Theo chị Dung, chiếc máy sấy quần áo nói trên không chỉ là món quà có giá trị về mặt vật chất mà còn là động lực để vợ chồng chị cố gắng hơn mỗi ngày. “Theo thời gian, số lượng khách đến giặt đồ ở chỗ tôi tăng lên nhiều hơn. Hiện tại, tôi nhận giặt chăn màn, quần áo thuê tất cả các giờ trong ngày. Chồng tôi giúp phơi và giao đồ giặt cho khách. Ngoài ra, buổi sáng tôi đi làm phục vụ cho quán phở cũng có thêm thu nhập, cuộc sống của gia đình tôi khá hơn trước. Tất cả là nhờ có sự chung tay giúp đỡ của chính quyền địa phương và ủy ban mặt trận các cấp”.
So với chị Dung, hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hằng, sống tại Khu phố 5, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà khó khăn hơn. Chồng mất sớm, một mình chị phải lao động cật lực để có tiền chăm sóc bố chồng lớn tuổi, bệnh tật và nuôi 3 người con đang tuổi đến trường. Từ làm ruộng, đi dọn vệ sinh thuê cho đến đi phụ thợ nề, chị đều không nề hà việc gì. Mãi đến năm 2020, sau khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết, chị Hằng mới chính thức thoát nghèo.
“Biết tôi có nhu cầu làm dịch vụ dọn vệ sinh nhà cửa nhưng không có kinh phí mua sắm dụng cụ, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Đông Lễ đã khảo sát và hỗ trợ kinh phí cho tôi mua dụng cụ dọn vệ sinh. Từ đó đến nay, nhờ có bộ dụng cụ này mà thu nhập hàng tháng của tôi ổn định hơn trước. Cuộc sống của gia đình tôi tốt hơn từng ngày”, chị Hằng bộc bạch.
Không riêng gì chị Hằng mà bắt đầu từ năm 2015, rất nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn phường Đông Lễ đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường hỗ trợ phương tiện sinh kế để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Đông Lễ Lê Văn Lượng cho hay, phường Đông Lễ là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ phương tiện sinh kế cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, đơn vị rà soát, tổ chức đoàn khảo sát và hỗ trợ sinh kế căn cứ trên nhu cầu riêng của từng hộ.
“Những phương tiện sinh kế thật sự cần thiết và trở thành “cần câu” giúp các gia đình có động lực vươn lên. Kinh phí mua sắm các phương tiện sinh kế được trích từ nguồn xã hội hóa và quỹ “Vì người nghèo” của phường. Tùy vào từng nhu cầu mà phường hỗ trợ toàn phần hoặc vốn đối ứng mua sắm phương tiện sinh kế.
Tuy nhiên, chúng tôi không hỗ trợ theo kiểu đại trà mà lựa chọn các hộ có quyết tâm, mong muốn vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt bên cạnh hỗ trợ sinh kế, chúng tôi cũng thường xuyên động viên các gia đình; kêu gọi sự giúp đỡ của người dân trên địa bàn để phương tiện sinh kế được hỗ trợ phát huy hiệu quả”, anh Lượng nói.
Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đông Hà cho biết, tính đến cuối năm 2023, toàn thành phố có 24.748 hộ dân, trong đó, hộ nghèo còn 364 hộ, chiếm 1,47%; hộ cận nghèo là 1.293 hộ, chiếm 5,22%. Thời gian qua, để chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nhiều kế hoạch, đề án liên quan đến công tác chăm lo cho người nghèo và các đối tượng khó khăn trên địa bàn.
Đồng thời, tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đặc biệt, với nhiều đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, để khơi dậy trong họ ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố triển khai mô hình hỗ trợ phương tiện sinh kế cho những hộ gia đình thuộc đối tượng nói trên.
Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố yêu cầu cấp cơ sở khảo sát, đánh giá tính khả thi nhu cầu sinh kế của các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương. Sau khi cân đối nguồn lực, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố xin ý kiến các thành viên trong Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” thành phố để thống nhất số lượng hộ được nhận phương tiện sinh kế hỗ trợ. Chỉ tính trong 3 năm từ 2021 – 2023, đã có trên 100 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sinh kế.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đông Hà Võ Thị Hoa Hằng cho biết: “Những năm qua, mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn TP. Đông Hà đã phát huy được hiệu quả khi giúp đỡ cho hàng trăm hộ gia đình vươn lên, không còn tái nghèo. Những phương tiện sinh kế được hỗ trợ đúng lúc tiếp thêm động lực cho các hộ gia đình giữa lúc khó khăn nhất.
Trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp tục huy động mọi nguồn lực duy trì hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo của thành phố phương tiện sinh kế để vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Trúc Phương