Để nâng cao chất lượng cung cấp điện cho dân cư ở khu vực miền núi đảm bảo người dân được hưởng giá điện theo quy định của Nhà nước, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) phối hợp với huyện Đakrông triển khai tiếp nhận, đầu tư nâng cấp lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp cho người dân ở hai thôn Ly Tôn và Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông.
Anh Hồ Văn Cum ở thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông phấn khởi khi được công nhân kỹ thuật Điện lực Đakrông lắp đặt miễn phí thiết bị ổ cắm, công tơ điện trong gia đình. -Ảnh: T.N
Hai thôn Ly Tôn và Pa Hy có 391 hộ nằm ở địa bàn thuộc diện khó khăn nhất ở xã Tà Long. Lâu nay, các hộ dân chưa có điện hoặc đang sử dụng nguồn điện do Công ty Thủy điện Đakrông 3 cung cấp. Tuy nhiên, hạ tầng lưới điện không đảm bảo gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long Hồ Thị Hoa cho biết, việc sử dụng điện của người dân còn nhiều bất cập do đường dây dài (kéo từ nhà máy phát điện về hộ dân). Tại các điểm 25 thôn Pa Hy, điểm 27 thôn Ly Tôn có đường dây kéo qua sông, đặc biệt vào mùa mưa dây điện ngập trong nước lòng hồ tiềm ẩn rủi ro cháy chập điện.
Bên cạnh đó, giá bán điện cũng cao hơn so với giá của Nhà nước quy định, chính quyền địa phương đã kiến nghị nhưng vẫn không thay đổi. Do đó, khi nhận được thông tin ngành điện tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp hạ tầng lưới điện để bán điện trực tiếp cho dân, chính quyền địa phương đã tiến hành tuyên truyền vận động người dân tích cực hưởng ứng, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ngay cả ngày thứ 7, Chủ nhật hay nghỉ lễ, chính quyền địa phương cũng luôn sẵn sàng tham gia cùng ngành điện để trực tiếp tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng giúp đơn vị thi công triển khai đúng tiến độ, đáp ứng sự mong đợi của người dân.
Sau khi tiếp nhận hiện trạng lưới điện tại 2 thôn Ly Tôn và Pa Hy, PC Quảng Trị đã giao Điện lực Đakrông tiến hành khảo sát, lập phương án đầu tư, nâng cấp.
Theo đó, hệ thống lưới điện ở 2 thôn được đầu tư, nâng cấp gồm xây dựng 2 trạm biến áp tổng công suất 150 kAV, 3.165m đường dây hạ thế là (do Ban quản lý dự án phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Đakrông làm chủ đầu tư); lắp đặt 51 công tơ cho khách hàng và hỗ trợ công nhân đấu nối đường dây sau công tơ đến từng hộ khách hàng ở 2 thôn Ly Tôn và Pa Hy.
Đối với đường dây sau công tơ khách hàng, ngành điện hỗ trợ kéo sẵn dây từ nhà khách hàng tới cột hạ thế. Sau khi lắp đặt hệ thống đo đếm, Điện lực Đakrông hỗ trợ đấu nối dây sau công tơ của khách hàng vào hệ thống đo đếm cũng như hỗ trợ lắp đặt ổ cắm, công tắc sử dụng điện sinh hoạt trong nhà cho người dân.
Chúng tôi theo chân các công nhân kỹ thuật của Điện lực Đakrông đến lắp đặt mới các thiết bị như công tơ, ổ cắm, đường dây điện cho gia đình anh Hồ Văn Cum ở thôn Pa Hy. Với nét mặt rạng rỡ, anh Cum nhanh nhẹn phụ giúp công việc với công nhân ngành điện và cho biết: “Nhà tôi có 6 người, được dùng điện từ năm 2010. Do các thiết bị điện chúng tôi bỏ tiền mua và dùng lâu ngày nên hay hư hỏng.
Mặt khác, việc cấp điện cũng không ổn định nên hay xảy ra tình trạng mất điện. Khi sử dụng các thiết bị như quạt điện, máy cưa, hàn thì hay xảy ra hiện tượng “nhảy điện” nên điện chỉ dùng thắp sáng chứ không sử dụng được vào các công việc khác.
Lâu nay chúng tôi mua điện với giá 2.500 đồng/chữ, bình quân mỗi tháng trả 300 ngàn đồng tiền điện. Cho dù biết giá bán điện của đơn vị tư nhân cao hơn giá của Nhà nước quy định và chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn không được giảm giá.
Bây giờ, được ngành điện đầu tư, nâng cấp mới về trang thiết bị điện sinh hoạt cho từng hộ gia đình, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Sau khi có được nguồn điện ổn định và giá bán hợp lý, gia đình tôi dự kiến sẽ mua máy bơm nước để chủ động nguồn nước sinh hoạt và mua xay xát lúa để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế cho gia đình”.
Giám đốc Điện lực Đakrông Mai Phương cho biết, thực hiện chủ trương tiếp nhận và đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện đưa vào kinh doanh, bán điện trực tiếp cho người dân ở 2 thôn Ly Tôn và Pa Hy, Điện lực Đakrông đã tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tích cực vận động người dân ủng hộ chủ trương và xây dựng phương án đầu tư một cách khoa học.
Xác định thi công ở địa bàn khó khăn nên chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động, tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn trước, trong và sau khi thi công.
Vì vậy, việc tiếp nhận, đầu tư, cải tạo nâng cấp hạ tầng điện ở 2 thôn Ly Tôn và Pa Hy đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đáp ứng được sự kỳ vọng của chính quyền địa phương và sự mong mỏi, đồng tình ủng hộ của người dân.
Kể từ đây, khách hàng ở 2 thôn Ly Tôn và Pa Hy được sử dụng lưới điện mới do Điện lực Đakrông quản lý, có nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày cũng như phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Tân Nguyên