Tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sinh kế giúp hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua nhiều hình thức được tỉnh Quảng Trị chú trọng thực hiện nhằm khuyến khích các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển các mô hình sản xuất, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đakrông làm thủ tục giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho người dân xã Hướng Hiệp -Ảnh: H.T
Là một trong những hộ nghèo được thông tin, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để nuôi các con ăn học và phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững, bà Lê Thị Dung, ở thôn Văn Vận, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng xúc động chia sẻ: “Những năm trước đây, cuộc sống của gia đình chúng tôi gặp nhiều khó khăn, công việc chính của gia đình tôi là nghề nông, nhưng với một vùng đất thường xuyên chịu nhiều thiên tai đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập, cuộc sống của chúng tôi. Khi 4 người con của chúng tôi lần lượt đỗ vào các trường đại học, trong lúc khó khăn tưởng chừng như không thể hiện thực được giấc mơ vào giảng đường đại học của các con thì gia đình tôi được tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của Chi hội Nông dân thôn Văn Vận tuyên truyền, hướng dẫn và bình xét cho vay vốn chương trình học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng với số tiền vay trên 200 triệu đồng.
Bên cạnh vốn vay chương trình học sinh – sinh viên, năm 2019, với sự động viên, hướng dẫn tận tình của bà Lê Thị Bé, Tổ trưởng Tổ TK&VV, Hội Nông dân và chính quyền xã Hải Quy, đặc biệt là của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng, gia đình chúng tôi đề nghị và được vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản.
Nhờ vào số vốn vay này, chúng tôi đã xây chuồng trại với diện tích 30 m2 , nuôi 5 con lợn sinh sản và từng bước nâng cao chất lượng đàn lợn nên đã bán được sản phẩm ra thị trường, thu nhập ổn định hơn trước. Bên cạnh đó, chúng tôi đã đầu tư thêm vào trồng lúa và kinh doanh cá nước ngọt. Những công việc này không chỉ giúp gia đình chúng tôi cải thiện cuộc sống mà còn tạo thêm việc làm ổn định cho 2 người dân trong thôn, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn”.
Tương tự, chị Võ Thị Thành Nhi, ở Khu phố 5, Phường 2, thị xã Quảng Trị là một trong những hộ đã sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Được biết, trước đây chị Nhi phải đi làm ăn xa trong một khoảng thời gian dài để trang trải cuộc sống. Năm 2019, chị lập gia đình, trở về quê hương và bắt đầu khởi nghiệp với mô hình trồng nấm. Thời gian đầu, do nguồn vốn hạn hẹp, lại thiếu kinh nghiệm nên mô hình sản xuất của gia đình chị chưa thực sự hiệu quả. Được tiếp cận thông tin về nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Quảng Trị, thông qua Hội LHPN Phường 2, chị Nhi được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để đầu tư lán trại, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Đến nay, mỗi ngày, trại nấm của gia đình chị Nhi xuất ra thị trường từ 40 – 50 kg nấm các loại, mang lại thu nhập trên 30 triệu đồng/ tháng. Trại nấm của chị Nhi còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 – 10 lao động với mức tiền công từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tự vươn lên thoát nghèo, thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển.
Với ưu điểm là lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, tạo “đòn bẩy” giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, đặc biệt là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực sự đi vào cuộc sống từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/ TW.
Sau hơn 20 năm thực hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, huy động được các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tổng nguồn vốn đạt 3.725,8 tỉ đồng, tăng 3.558,8 tỉ đồng so với khi mới thành lập. Nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 856,9 tỉ đồng (chiếm 23% tổng nguồn vốn), trong đó ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH cho vay đạt 156,7 tỉ đồng (chiếm 4,2%) và huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân đạt 700,2 tỉ đồng (chiếm 18,8%). Các chương trình tín dụng được mở rộng, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 17 chương trình được triển khai và thực hiện. Tăng trưởng tín dụng không ngừng được tăng lên qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,78%/năm.
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân…, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội để cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng và tính nhân văn sâu sắc của chủ trương này; chú trọng nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình hiệu quả; tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH.
Đặc biệt, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng chính sách nhằm góp phần quan trọng thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Hà Trang
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tiep-can-thong-tin-ve-tin-dung-uu-dai-de-som-thoat-ngheo-188601.htm