Tại tỉnh Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương đầu tiên triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Nghị định 28). Đặc biệt qua hơn 1 năm thực hiện, Nghị định 28 đã giúp hàng chục hộ nghèo 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sửa chữa, xây dựng nhà ở.
Nghị định số 28/2022/NĐ-CP góp phần đảm bảo về tiêu chí nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới cho các xã miền núi huyện Vĩnh Linh -Ảnh: N.T
Ngôi nhà mới kiên cố, rộng gần 200 m2 của gia đình chị Hồ Thị Chiều ở thôn Khe Cát, xã Vĩnh Khê hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 10/2023. Trong kinh phí đầu tư xây mới ngôi nhà, có 40 triệu đồng hộ chị Chiều được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Vĩnh Linh tạo điều kiện cho vay từ nguồn vốn vay ưu đãi tín dụng chính sách theo Nghị định 28.
Thời gian cho vay lên đến 15 năm, lãi suất 3%/năm, 5 năm đầu chưa cần trả nợ gốc, nên chị Chiều không bị áp lực. Chị Chiều chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, trước đây cả nhà sống trong căn nhà dựng tạm, mùa mưa, mùa nắng đều hết sức vất vả. Bây giờ có vốn vay, đã làm được nhà mới rồi, tôi cảm thấy bớt lo lắng, tập trung làm ăn, tích cóp, vừa trả dần nợ vay vừa lo cho cuộc sống khá hơn”.
Nguyện vọng về có được ngôi nhà mới cũng đã trở thành hiện thực đối với gia đình anh Hồ Văn Dương, chị Hồ Thị Huyền ở Bản 3, xã Vĩnh Ô. Thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và đi làm thuê, lại nuôi 3 con nhỏ ăn học, vợ chồng chị Huyền không có khả năng sửa chữa lại ngôi nhà sàn đã xuống cấp sau gần 10 năm sử dụng.
Tháng 6/2023, được xét duyệt vay vốn 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh, hộ chị Huyền mới nghĩ đến việc xây dựng lại ngôi nhà. Chị Huyền cho hay: “Nhờ có khoản tiền vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh, sau đó gia đình tôi mới mạnh dạn vay mượn thêm người thân để đủ tiền làm nhà. Chỉ gần 1 tháng nữa là nhà làm xong, có thể yên tâm dọn vào ở rồi”.
Ngay sau khi Nghị định 28 có hiệu lực, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh tăng cường tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo những đơn vị liên quan kịp thời phối hợp thực hiện. Theo rà soát, giai đoạn 2021 – 2025, Vĩnh Linh có tổng cộng 101 hộ ở 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà thuộc đối tượng thụ hưởng với nguồn vốn vay 4,040 tỉ đồng.
Trên cơ sở quyết định của UBND huyện, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh tích cực kết hợp cùng 3 xã nhanh chóng giải ngân nguồn vốn được phân bổ đến tận người dân với phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội. Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh Thiều Quang An thông tin: “Kết quả sau hơn một năm triển khai Nghị định 28, đến tháng 12/2023, riêng về cho vay hỗ trợ nhà ở, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh đã hoàn thành giải ngân nguồn vốn 2,140 tỉ đồng đến tay 54 hộ vay. Trong đó Vĩnh Ô 45 hộ, Vĩnh Khê 4 hộ và Vĩnh Hà 5 hộ”.
Thực tế tại huyện Vĩnh Linh cho thấy, Nghị định 28 không chỉ giúp các hộ gia đình sớm xây dựng được nhà ở vững chãi, quan trọng hơn là đã làm thay đổi nhận thức của người đồng bào Vân Kiều về định canh, định cư, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết: “Xã miền núi đặc biệt khó khăn Vĩnh Ô là địa phương có số hộ được vay hỗ trợ nhà ở lớn nhất trong 3 xã miền núi. Rất phấn khởi khi khắp 7 thôn của xã ngày càng có nhiều ngôi nhà mới thay thế những ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp. Chính từ nguồn vốn được vay, người dân mạnh dạn hơn, quyết tâm triển khai kế hoạch lao động, sản xuất, làm ăn để có kinh phí đối ứng phục vụ sửa chữa, xây dựng nên những ngôi nhà kiên cố, ổn định về nơi ở, từng bước thay đổi cuộc sống”.
Cùng với Nghị định 28, tính đến tháng 12/2023, có 10 chương trình vay vốn được triển khai tại 3 xã miền núi huyện Vĩnh Linh với tổng dư nợ tín dụng chính sách trên 45 tỉ đồng cho khoảng 890 khách hàng vay vốn. Nhờ những nguồn vốn ưu đãi mà nhiều hộ gia đình đủ khả năng nuôi 2 – 3 con ăn học, có vốn đầu tư cải tạo vườn tạp, mua sắm máy móc, mở rộng các mô hình chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm mới, tăng thu nhập.
Ông Thiều Quang An thông tin thêm: “Từ nay đến năm 2025, đơn vị sẽ hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, giải ngân cho các hộ có nhu cầu còn lại theo quyết định của UBND huyện Vĩnh Linh. Bên cạnh đó tham mưu, phối hợp tổ chức cho vay vốn các mục đích khác gồm: hỗ trợ đất ở; hỗ trợ đất sản xuất; hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề; hỗ trợ phát triển sản xuất chuỗi giá trị… Từ đó đưa nhiều nguồn vốn ưu đãi đến những hộ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thúc đẩy kinh tếxã hội vùng sâu, vùng xa huyện Vĩnh Linh ngày càng phát triển”.
Nguyễn Trang