Ảnh hưởng bão số 6, trong ngày 27/10, thủy triều dâng cao chưa từng có đã đánh vỡ đê hàng chục hồ nuôi ốc hương, tôm, ghẹ của người dân thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Có mặt tại khu vực nuôi ốc hương và các hải sản khác như ghẹ, cá dìa của bà con thôn Mỹ Thủy vào chiều ngày 27/10, phóng viên ghi nhận cảnh các hộ dân đang khẩn trương gia cố lại bờ đê hồ nuôi.
Toàn bộ 6 hồ nuôi ốc hương của hộ bà Phan Thị Liên bị thủy triều san phẳng- Ảnh: Q.H
Bị thiệt hại nặng nhất là hộ bà Phan Thị Liên (thôn Mỹ Thủy, xã Hải An) khi cả 6 hồ nuôi ốc hương sắp đến kỳ thu hoạch đều bị thủy triều san phẳng. Theo bà Liên, thủy triều dâng cao vượt qua các đê bao hồ nuôi, sau đó xé toạc và kéo toàn bộ số ốc hương trong hồ ra biển.
“Một hồ khi ốc sắp bán đã trị giá khoảng 200 triệu đồng. Bây giờ mất trắng hết rồi”- bà Liên nói với đôi mắt ứa lệ.
Anh Phan Thanh Hẳn (thôn Mỹ Thủy) cũng bị thiệt hại nặng nề trong đợt thủy triều sáng nay khi một hồ 200m2 nuôi tôm và ghẹ bị bể, mất trắng. Ngoài ra, 2 hồ nuôi ốc hương của anh Hẳn cũng bị thiệt hại tầm 40 triệu đồng.
“Tôi thiệt hại tầm hơn 100 triệu đồng tiền con giống, chưa kể chi phí làm hồ” – anh Hẳn cho hay.
Đang cố gắng gia cố lại bờ đê hồ nuôi với hy vọng vớt chút ít số ốc hương còn sót lại, ông Phan Huê chia sẻ: “Sống ở đây mấy chục năm, đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến cảnh thủy triều dâng cao như sáng nay. Khoảng 5 giờ đến 9 giờ sáng nay, thủy triều bất ngờ dâng cao, tràn vào cả một khu vực rộng lớn hồ nuôi của bà con. Có nhiều hồ bị ngập gần 1 m” – ông Huê kể lại.
Qua tìm hiểu, có gần chục hộ dân của thôn Mỹ Thủy bị thiệt hại trong trận thủy triều sáng nay. Trong đó, có nhiều hộ hồ nuôi ở khu vực cao không bị thiệt hại thì lại bị sóng đánh hỏng hệ thống giếng dẫn nước mặn từ biển vào. Đơn cử như hộ ông Phan Thanh Miên bị bể 2 giếng, thiệt hại khoảng 70 triệu đồng.
Đa số ốc hương bị thiệt hại sáng nay đều đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Nhiều hộ huy động người nhà ra thu thu gom số ốc bị ngập nước ngọt để bán cho thương lái nhưng không được giá bao nhiêu.
“Bình thường ốc cỡ này bán giá trung bình 250 ngàn đồng/kg, nhưng bây giờ thương lái thu mua chưa bằng một nửa”, anh Hẳn cho hay.
Có mặt tại khu vực thu mua ốc hương, phóng viên ghi nhận cảnh thương lái thuê người dân phân loại kích cỡ ốc để đưa lên các chợ bán.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá nói đã nhận được báo cáo về vụ việc từ địa phương. Hiện huyện đang tổng hợp các số liệu về tình hình thiệt hại trên địa bàn để có báo cáo cụ thể.
Ông Cáp Xuân Tá thông tin thêm, mưa to diễn ra địa bàn Hải Lăng từ hôm qua 26/10 đến sáng ngày 27/10. Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo các xã ứng phó với bão và mưa lũ sau bão. Trong đó tập trung chằng chống nhà cửa, kéo ghe thuyền ở các xã Hải An, Hải Khê lên bờ trú tránh an toàn. Các xã khu vực xung yếu, gần sông, suối thì chính quyền đến vận động người dân chuyển từ nơi thấp lên nơi cao.
“Hiện cơ bản một số xã như Hải Chánh, Hải Phong đã tiến hành di chuyển dân khu vực xung yếu đến nơi an toàn, nhưng chưa di chuyển tập trung”, ông Tá nói.
Trước đó, UBND huyện Hải Lăng đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai nhiệm vụ ứng phó bão số 6 và mưa lũ. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tập trung triển khai các phương án nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân; không để xảy ra tình huống bất ngờ, bị động, nhất là các tình huống ban đêm.
Quang Hải
Nguồn: https://baoquangtri.vn/hai-lang-thuy-trieu-danh-vo-hang-chuc-ho-nuoi-hai-san-cua-dan-189291.htm