Sáng nay 24/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 8 của ủy ban. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Trị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh” trong chuyển đổi số quốc gia – Ảnh: N.B
Trong quý I, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, có 21 bộ, ngành và 62/63 địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Về phát triển dữ liệu số, có 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) theo quy định, đạt tỉ lệ 77%, tăng 11% so với năm 2023.
Các cơ quan nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các CSDL quốc gia trong quản lý, điều hành KT-XH. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu. CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỉ yêu cầu xác thực thông tin (tăng 213 triệu so với năm 2023).
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với 388 hệ thống, CSDL của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch. Về phát triển hạ tầng số có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng; 100% xã kết nối internet cáp quang; di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: N.B
Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp có 80,44% thủ tục hành chính đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến. Cổng dịch vụ công quốc gia có 13,2 triệu tài khoản người dùng và có trên 299,5 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái xử lý.
Tỉ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26% và năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP.Kinh tế số ở Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%).
Về phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (đạt 71,63% hồ sơ tiếp nhận). Ứng dụng VNeID đã được tích hợp 8 dịch vụ tiện ích. 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt hơn trong triển khai chuyển đổi số quốc gia. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc và chỉ số an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu.
Quá trình chuyển đổi số phải chú trọng thực hiện “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh”. “3 tăng cường” là tăng cường nhận thức về vai trò của chuyển đổi số đến từng người dân, doanh nghiệp, nhất là nêu cao vai trò của người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số.
“5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số
Đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, phát triển dịch vụ số, bảo đảm kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.
Nhơn Bốn