Sau 10 năm quyết định rẽ lối khởi nghiệp với nghề nuôi chim yến, đến nay vợ chồng anh Phan Văn Thư và chị Phan Thị Thanh Huyền ở Khu phố 2, Phường 2, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã thành công với nghề nuôi yến. Từ ngôi nhà yến đầu tiên, đến nay vợ chồng anh đã sở hữu thêm nhiều nhà yến và liên kết với hàng chục nhà yến khác để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến các sản phẩm yến sào mang thương hiệu Trường Thọ. Không chỉ tạo lập kinh tế cho gia đình, mô hình nuôi yến và chế biến các sản phẩm từ tổ yến của vợ chồng anh Thư – chị Huyền còn tạo việc làm cho nhiều lao động.
Người lao động tại doanh nghiệp của anh Thư đang sơ chế tổ yến – Ảnh: Đ.V
Anh Thư cho biết, anh đến với nghề nuôi yến theo đúng kiểu “nghề chọn người”. Sau khi tốt nghiệp ngành xây dựng một trường đại học ở Đà Nẵng, anh làm giám sát cho một số công trình xây dựng. Trong đó khoảng năm 2013, anh giám sát xây dựng một công trình ở TP. Huế. Tại đây, có một người anh làm quản lý công trình trong khi trò chuyện đã gợi ý cho anh Thư làm thêm nghề nuôi yến để có thêm thu nhập.
Ban đầu anh cũng không mấy quan tâm song sau đó thấy người này làm việc có phần nhàn nhã mà thu nhập cao anh cũng tò mò tìm hiểu về nghề này.
“Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao các công nghệ, kinh nghiệm nuôi yến từ người anh quen biết này, năm 2014 tôi đã chập chững học theo với suy nghĩ làm kiếm thêm đồng ra đồng vào. Thời điểm đó, mô hình nuôi yến của tôi là mô hình đầu tiên triển khai tại Quảng Trị”, anh Thư chia sẻ.
Tuy vậy, ban đầu việc nuôi yến cũng không hề dễ dàng. Ngoài sự nghi ngại của mọi người với mô hình mới lạ này, điều khó khăn mà anh Thư đối mặt là chim yến về lưa thưa không như kỳ vọng. Quyết không nản chí, ngoài những “ngón nghề” của người anh truyền đạt, anh Thư còn mày mò cải tiến lại âm thanh dẫn dụ chim yến theo cảm nhận của mình.
Đồng thời những ngày đầu đó hầu như suốt ngày anh lân la ngoài đồng để quan sát, tìm kiếm đàn chim yến. Anh cũng gom nhặt phân chim yến về xay nhỏ rải xung quanh nhà yến để thu hút đàn về…
Với sự tìm hiểu cặn kẽ đặc tính sinh học, thói quen của loài chim yến cùng niềm đam mê và quyết tâm lớn, sau nhiều khó khăn, thách thức, cuối cùng anh Thư cũng đã có được những bí quyết của riêng mình với nghề mới này. Đàn chim yến anh dẫn dụ về nhà yến ngày càng nhiều và hiệu quả mang lại ngày càng lớn.
Anh bắt đầu có nguồn thu nhập từ nghề nuôi yến. “Ban đầu tôi cũng chỉ muốn nuôi thử để có thu nhập thêm trang trải cuộc sống. Nhưng sau khi thấy hiệu quả và tiềm năng lớn từ mô hình nuôi yến, tôi đã nghỉ nghề xây dựng để chuyên tâm bước sang nghề này”, anh Thư cho hay.
Với kỳ vọng lớn với nghề nuôi yến, vợ chồng anh Thư đã dốc sức đầu tư phát triển các nhà nuôi yến và hợp tác liên kết với nhiều đối tác khác trong việc phát triển nhà nuôi yến để chủ động nguồn nguyên liệu tổ yến.
Đồng thời vợ chồng anh thành lập doanh nghiệp để sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ tổ yến và thực hiện chuyển giao kỹ thuật, lắp đặt trang thiết bị phục vụ nghề nuôi yến cho khách hàng.
Từ ngôi nhà yến ban đầu, sau nhiều năm gầy dựng, đến nay vợ chồng anh Thư sở hữu 5 ngôi nhà yến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đồng thời liên kết thêm với 14 nhà nuôi yến khác với các đối tác ở các địa phương như Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, An Giang…
Cùng với đó, hai vợ chồng bắt tay vào việc đăng ký sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ yến mang thương hiệu Trường Thọ. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, đảm bảo sạch, chất lượng, công ty đã sản xuất ra các dòng sản phẩm chủ lực như: tổ yến thô, tổ yến sạch, yến hũ chưng sẵn tiệt trùng… dành cho các đối tượng khách hàng ở các lứa tuổi, thể trạng khác nhau.
Các sản phẩm không chỉ được đầu tư mẫu mã đẹp, bắt mắt mà chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu với các tiêu chí khắt khe, đặc biệt là về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Sản phẩm tổ yến của chúng tôi hoàn toàn mang tính tự cung tự cấp từ nhà yến của gia đình và các đối tác, được tuyển lựa kỹ càng. Yến tươi sau khi khai thác không sử dụng chất bảo quản.
Quy trình chế biến sản phẩm gồm: đối với sản phẩm tổ yến thô, tổ yến sạch thì phân loại tổ yến sau khi khai thác – sơ chế – gia công – sấy lạnh và cuối cùng là đóng gói thành phẩm.
Đối với yến hũ thì ngoài những công đoạn trên còn có thêm khâu cho vào hũ nấu tiệt trùng và sau đó hoàn thiện, đóng gói sản phẩm. Điều đáng mừng là tháng 12/2023, sản phẩm tổ yến sạch Trường Thọ của chúng tôi đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao”, chị Phan Thị Thanh Huyền cho biết.
Đến nay, nghề nuôi yến và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ tổ yến của hai vợ chồng anh Thư – chị Huyền đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm công ty của anh Thư chế biến, xuất bán ra thị trường (trong tỉnh và các địa phương chủ yếu như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai…) khoảng 40 – 50 kg tổ yến thô và từ 4.000 – 5.000 hũ yến chưng tiệt trùng; sau khi trừ các chi phí lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm. Công ty cũng tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng kèm theo các chế độ phúc lợi khác.
Chưa dừng lại ở đó, hai vợ chồng anh Thư đang ấp ủ dự định tiếp tục phát triển mở rộng kinh doanh đa lĩnh vực hơn trong thời gian tới. Cụ thể, theo anh Thư thì hiện công ty đang thực hiện các thủ tục xin thuê đất ở TP. Đông Hà để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm như bò khô, bò hộp, các sản phẩm từ tổ yến, cá… để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong những năm tới.
Hiếu Giang