Sáng nay 13/11, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở Công thương để thẩm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm ngành công thương năm 2024, kế hoạch năm 2025; công tác tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết số 39/2020/NQ-HĐND ngày 23/7/2020 của HĐND tỉnh ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 39).
Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Ánh phát biểu tại buổi làm việc – Ảnh: H.T
Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm và đạt mức tăng trưởng thấp. Theo dự ước, chỉ số sản xuất công nghiệp trong năm 2024 ước tăng 4,35% so với cùng kỳ năm trước (so với kế hoạch chỉ đạt 4,35%/11%).
Trong đó, ngành khai khoáng tăng 1,86%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,68%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,27%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,27%.
Đối với hoạt động thương mại và dịch vụ, theo dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 34.449 tỉ đồng (kế hoạch 34.000 tỉ đồng), tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 980 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công thương, trong bối cảnh áp lực lạm phát từ các nền kinh tế lớn, tình hình giá cả hàng hoá trên địa bàn vẫn tương đối ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 ước tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 39, đến nay trên địa bàn tỉnh có 16 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút được 175 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 4.680 tỉ đồng; tổng kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN khoảng 261,9 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 35,6% tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh.
Một số tồn tại, hạn chế hiện nay là hầu hết các CCN chưa được đầu tư hệ thống thoát nước thải chung (trừ CCN Ái Tử, huyện Triệu Phong); chưa đáp ứng tổng nhu cầu bố trí vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng các CCN trên địa bàn; việc xã hội hoá đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh thay thế Nghị quyết số 39.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Công thương đã báo cáo trình tự, thủ tục và sự cần thiết phải ban hành nghị quyết. Trong đó nêu rõ, với thực trạng nguồn kinh phí của các địa phương hết sức khó khăn, yêu cầu về đáp ứng các điều kiện về hạ tầng CCN trước khi thu hút dự án đầu tư ngày càng nâng cao, trong khi các CCN trên địa bàn chủ yếu được đầu tư vốn ngân sách. Do đó, việc điều chỉnh định mức hỗ trợ tại Nghị quyết số 39 là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tế, làm cơ sở để các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và đề xuất bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng CCN trong giai đoạn 2026 – 2030.
Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Ánh đề nghị Sở Công thương khẩn trương tiếp thu các nội dung liên quan đến một số chỉ tiêu lĩnh vực công nghiệp – thương mại. Đồng thời, tiếp thu những ý kiến bổ sung vào dự thảo nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh mà sở đang tham mưu UBND tỉnh để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, trình Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh tổng hợp, hoàn thiện báo cáo thẩm tra, trình kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Hà Trang
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tham-tra-ket-qua-thuc-hien-nbsp-nhiem-vu-trong-tam-nganh-cong-thuong-nam-2024-nbsp-189694.htm