Sáng nay 1/7, Ban Kinh tế – Ngân sách (KT-NS) HĐND tỉnh Quảng Trị có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh khóa VIII. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng dự buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng phát biểu tại buổi làm việc – Ảnh: L.A
Các nội dung thẩm tra gồm: báo cáo tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024; báo cáo về thực hiện kế hoạch phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024; nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương; nghị quyết về việc cho ý kiến đối với dự kiến kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2025; nghị quyết kéo dài thời gian bố trí nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ ổn định; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,41% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.200 tỉ đồng, bằng 56,4% dự toán địa phương và 56,5% dự toán trung ương, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh ước đạt 381 triệu USD, tăng 27%. Các chương trình trọng tâm và dự án động lực đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương và đã tạo được sự chuyển biến tích cực. Quyết liệt chỉ đạo, điều hành và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
Tính đến ngày 24/6, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 2024 của tỉnh là trên 628 tỉ đồng, đạt 26,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh giao và đạt 33,4% kế hoạch thực tế tỉnh triển khai thực hiện.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh được quan tâm. Từ đầu năm đến nay đã thu hút được 14 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 2.269 tỉ đồng. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt trên 9.381 tỉ đồng, tăng 3,95% so với cùng kỳ năm trước. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường thuận lợi và an toàn để phát triển kinh tế – xã hội.
Về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025, trên cơ sở tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến thực hiện kế hoạch đầu tư công cả năm 2024 và báo cáo xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 của các đơn vị, địa phương, Sở KH&ĐT xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn vốn ngân sách nhà nước của tỉnh dự kiến trên 5.236,9 tỉ đồng, bằng 222% so với kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Về điều chỉnh vốn trung hạn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025, Sở KH&ĐT báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 hơn 82,2 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương cân đối theo tiêu chí và nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất cấp tỉnh quản lý của 3 dự án và dự phòng ngân sách địa phương để bổ sung cho một số dự án, công trình khác.
Tại buổi làm việc, Sở KH&ĐT cũng báo cáo căn cứ pháp lý và thẩm quyền của nội dung kéo dài thời gian bố trí vốn các dự án đầu tư công gồm: dự án hệ thống thủy lợi Ba Hồ – Bản Chùa; đường Trần Nguyên Hãn (giai đoạn 2); san nền và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại khu vực trung tâm Cửa khẩu quốc tế La Lay (giai đoạn 2).
Báo cáo thẩm định các nội dung: điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị – tiểu dự án tỉnh Quảng Trị, phần vốn dư do ADB tài trợ; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Ba Hồ – Bản Chùa; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường Trần Nguyên Hãn (giai đoạn 2); điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại khu vực trung tâm cửa khẩu quốc tế La Lay (giai đoạn 2); dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn tuyến qua khu vực cầu Cửa Tùng và Cửa Việt; dừng chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024 như: khu vực công nghiệp – xây dựng có mức tăng trưởng thấp; thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh còn chậm; việc triển khai một số công trình trọng điểm còn chậm, chưa thông thoáng, chưa có người chủ trì cụ thể.
Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách; nguồn thu vẫn còn thấp dẫn đến nhiều công trình chưa có nguồn vốn để triển khai thực hiện; chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân; công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều khó khăn; việc phối hợp giữa các sở ngành, địa phương, điều phối của lãnh đạo tỉnh còn hạn chế.
Trên cơ sở đó, đề nghị Sở KH&ĐT tiếp thu các ý kiến góp ý tại buổi làm việc, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2024.
Đối với việc điều chỉnh các dự án, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng đề nghị cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính khoa học, tránh lãng phí nguồn lực.
Lê An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tham-tra-cac-noi-dung-trinh-ky-hop-thu-26-hdnd-tinh-khoa-viii-186595.htm