Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản nói chung và khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (cát, sỏi, đất, đá) nói riêng và đạt những kết quả tích cực. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản được tăng cường. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này dần đi vào nền nếp; cơ bản đáp ứng nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các công trình, dự án trọng điểm, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Khai thác nguồn đất đắp từ nạo vét lòng hồ thủy lợi – Ảnh: LÊ AN
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý khai thác cát, VLXD, vật liệu san lấp (VLSL) trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế như: một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở còn buông lỏng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, gây thất thoát, lãng phí và tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, nhất là việc khai thác cát, sỏi.
Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương có mặt còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, nhất là trong công tác lập, quản lý quy hoạch, cấp phép, thăm dò, khai thác, sử dụng, chế biến khoáng sản và trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Việc lập, thẩm định và triển khai các dự án đầu tư có liên quan đến sử dụng nguồn đất làm VLSL có mặt chưa dự báo hết tình hình; việc cấp phép thăm dò, quy hoạch mỏ đất, đấu giá khai thác mỏ đất làm đất san lấp còn một số điểm vướng mắc, chưa phù hợp nhưng chậm tháo gỡ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án, công trình trọng điểm triển khai thực hiện, nhu cầu sử dụng khoáng sản làm VLXD, VLSL là rất lớn, nhưng việc đảm bảo nguồn cung còn gặp nhiều khó khăn.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý khai thác cát, sỏi, nguồn VLXD, VLSL trên địa bàn tỉnh, đồng thời để chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn vật liệu phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm cũng như nhu cầu xây dựng của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2024 – 2025 và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành văn bản số 1431-CV/TU ngày 19/1/2024 yêu cầu Đảng đoàn HĐND tỉnh, BCS Đảng UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, DN và Nhân dân nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/ TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Hai là, nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và chính quyền các cấp trong công tác quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nhất là đất quy hoạch khoáng sản, bảo đảm việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong việc cấp phép các hoạt động khai thác khoáng sản; tổ chức công bố, công khai rộng rãi và thực hiện nghiêm túc việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy hoạch, kế hoạch và quy định pháp luật.
Ưu tiên cho việc cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, VLSL trên địa bàn, đảm bảo không ảnh hưởng tới các khu vực QP-AN, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, không tác động tiêu cực đến môi sinh, môi trường, sinh hoạt của dân cư và không chồng chéo với các quy hoạch khác; gắn với tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Chủ động rà soát, tổng hợp nhu cầu hiện tại cũng như nhu cầu trong thời gian tới để bổ sung quy hoạch các mỏ vật liệu theo hướng phân bổ hợp lý các vị trí mỏ đảm bảo nhu cầu xây dựng trong khu vực và tối ưu hóa cự ly vận chuyển. Đánh giá trữ lượng mỏ làm cơ sở đưa vào khoanh định khu vực đấu giá hoặc không đấu giá, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao năng lực lập, thẩm định và cấp phép thăm dò, quy hoạch mỏ đất, đấu giá khai thác mỏ đất làm đất san lấp. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường, VLSL thuộc thẩm quyền; đồng thời phối hợp với chủ đầu tư các dự án thực hiện rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ đất, mỏ cát đã cấp phép, khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công các công trình trên địa bàn.
Ba là, tăng cường công tác quản lý đối với khoáng sản làm VLXD thông thường, VLSL, đặc biệt là cát, sỏi, đá xây dựng, đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói…
Chú trọng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động cấp phép, khai thác, kinh doanh và sử dụng cát sỏi lòng sông, không để tác động xấu đến môi trường, không gây sạt lở, sụt, lún bờ sông khi khai thác.
Rà soát, đảm bảo các dự án đầu tư nhà máy sản xuất gạch ngói sử dụng đất sét trước khi cấp phép đầu tư đều phải có nguồn nguyên liệu hợp pháp theo quy định pháp luật về khoáng sản. Thực hiện nghiêm túc việc không cấp phép thăm dò, khai thác đá làm VLXD thông thường ở chân sườn đồi, núi và dọc các tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Chú trọng công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, quản lý vùng, nhất là trong công tác lập, quản lý quy hoạch, cấp phép, thăm dò, khai thác, sử dụng, chế biến khoáng sản và trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, VLXD, VLSL trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép, thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD, VLSL; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định, quy chế và văn bản có liên quan thuộc thẩm quyền của tỉnh, đảm bảo phù hợp với các quy định của Trung ương, thực tiễn của địa phương, tránh phiền hà cho người dân và DN.
Năm là, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác cấp phép thăm dò, khai thác và quản lý hoạt động khoáng sản làm VLXD, VLSL; thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động và công tác hoàn nguyên mỏ sau khai thác; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống thất thu thuế.
Ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phạm pháp luật (nếu có) của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động cấp phép, khai thác và quản lý khoáng sản; hạn chế những tiêu cực ảnh hưởng đến tình hình phát triển KT-XH tại địa phương.
Hải Yến