Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1/2022 tại Quyết định số 06/QĐ-TTg là đề án quan trọng, tạo bước đột phá để thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy vậy, qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều “điểm nghẽn” cần sớm tháo gỡ.
Cán bộ tư pháp xã A Ngo, huyện Đakrông hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính – Ảnh: T.T
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án 06, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện đề án đến từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời có các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc.
Triển khai thực hiện Đề án 06 trong các địa phương trong cả nước thời gian qua cho thấy 4 “điểm nghẽn” chung đã được chỉ ra liên quan đến việc số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành tư pháp, lao động, thương binh và xã hội trên nền tảng dữ liệu dân cư để tiết kiệm chi phí; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ; việc ứng dụng dữ liệu dân cư căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử (VneID) để thúc đẩy chuyển đổi số cho các tập đoàn, tổng công ty; triển khai lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, sổ bảo hiểm xã hội số (VssID), tạo tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Để tháo gỡ các “điểm nghẽn” đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023, tỉnh Quảng Trị đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, triển khai Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã ban hành các quyết định công bố danh mục sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định tại Nghị định số 104/NĐCP ngày 21/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện TTHC, cung cấp DVC.
Triển khai hướng dẫn khai thác, sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư thay thế các giấy tờ trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp. Hướng dẫn sử dụng các phương thức khai thác thông tin của công dân trong CSDLQG về dân cư, CCCD, VneID thay thế cho việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong giải quyết TTHC.
Trong năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành 51 quyết định, công bố 862 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ba cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã). Trong đó, công bố chuẩn hóa, ban hành mới 336 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 455 TTHC; bãi bỏ 71 TTHC. Công bố 47 TTHC nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, thống kê, trình công bố bổ sung TTHC nội bộ. Đề xuất phương án đơn giản hóa bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC.
Kết quả nổi bật trong năm 2023 là tỉ lệ cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC tỉnh đạt 1.696 DVC/2.057 TTHC, đạt tỉ lệ 82,45%; tỉ lệ tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia là 1.108/1.696 DVC, đạt tỉ lệ 65,33%; tỉ lệ xử lý hồ sơ TTHC của tỉnh được đồng bộ đầy đủ trên Cổng DVC quốc gia đạt 100%…
Tỉ lệ số hoá thành phần hồ sơ tiếp nhận năm 2023 đạt 76% và tỉ lệ số hoá kết quả giải quyết hồ sơ năm 2023 đạt 86,64%, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn năm 2023 đạt 99,64%. Tất cả đều vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2023.
Nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ triển khai Đề án 06, tỉnh đã tập trung các nguồn lực, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC.
Thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; tổ chức triển khai xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh; hoàn thành 100% việc nhập dữ liệu sổ hộ tịch (từ năm 2006-2020) vào phần mềm hộ tịch 158, chuyển dữ liệu vào cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
Quan tâm bố trí kinh phí tổ chức 1 lớp bồi dưỡng kiến thức về an toàn, bảo mật thông tin cho đối tượng công chức chuyên trách công nghệ thông tin và 9 lớp bồi dưỡng chuyển đổi số cho 270 học viên là cán bộ các sở, ngành, địa phương. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ triển khai Đề án 06 cho gần 700 học viên là cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận một cửa các cấp.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về thực hiện Đề án 06. Tăng cường tái cấu trúc quy trình, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; đôn đốc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã và các DVC thiết yếu.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên cổng, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố… để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân hiểu, nhận thức đầy đủ về các DVC thiết yếu, VNelD, các mô hình điểm, các tiện ích, hiệu quả của việc thực hiện Đề án 06 nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm an toàn, liên thông, minh bạch, thuận lợi khi giải quyết TTHC qua Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC Bộ Công an.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo lộ trình Đề án 06 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã xây dựng để thực hiện hiệu quả trong năm 2024.
Bảo Bình