Chiều nay 5/2, tại tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến lần thứ IX Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với 28 địa phương ven biển trên cả nước.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị – Ảnh: H.T
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, mặc dù các ban, bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU để khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4.
Tuy nhiên, đến nay một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách vẫn chưa đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tính từ đợt thanh tra lần thứ 4 (tháng 10/2023) của EC đến nay, Việt Nam xảy ra 17 tàu/190 ngư dân bị các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia bắt giữ, xử lý. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có 64 tàu/550 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Ngoài ra, trên cả nước còn khoảng 15.198 tấn cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), tình trạng mua bán, sang tên đổi chủ tàu cá chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc việc ngừng đóng mới, cải hoán tàu cá, mua bán chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng theo quy định.
Tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến với gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày tính từ đầu năm 2023 đến nay. Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU vẫn còn thiếu quyết liệt, không đồng đều giữa các địa phương. Việc thực hiện quy định xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn còn hạn chế…
Hội nghị dành phần lớn thời gian để các đại biểu là lãnh đạo các, bộ, ngành, địa phương nhìn nhận, chỉ rõ những tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để quản lý đội tàu cá, quản lý việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU.
Trong đó, nhiều ý kiến tập trung vào việc đề xuất giảm nợ, giãn nợ để giảm áp lực kinh tế cho các chủ tàu; có chính sách hỗ trợ dạy nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân; thông qua các hoạt động ngoại giao, hợp tác nhằm đưa đội tàu của Việt Nam liên kết với các nước trong khu vực để khai thác hải sản…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Gỡ cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản IUU là một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, để công tác gỡ “thẻ vàng” đạt được kết quả tốt, đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ; từ việc củng cố hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế, bố trí đủ nguồn lực cho các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, tuyên truyền, giáo dục người dân,… đến tái cấu trúc ngành thủy sản, đẩy mạnh nuôi trồng, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sinh kế phù hợp.
Do vậy yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4, bảo đảm có kết quả, số liệu chứng minh cụ thể để làm việc với đoàn thanh tra EC lần thứ 5, dự kiến vào tháng 4/2024.
Các địa phương chỉ đạo, ưu tiên bố trí lực lượng công an, biên phòng, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở tại các địa bàn trọng điểm tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, quản lý chặt chẽ hoạt động tàu cá xuất, nhập bến tại các cửa sông, cửa biển và các đảo.
Đồng thời giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác; xử lý triệt để các trường hợp vi phạm trong công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Đặc biệt cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của thuyền trưởng, chủ tàu, ngư dân; kiểm soát và quản lý đội tàu trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm khai thác IUU, đảm bảo thực thi pháp luật giữa các địa phương.
Hà Trang