Theo dự báo, rét đậm, rét hại còn có thể tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân đang tập trung triển khai các giải pháp bảo vệ cây trồng vụ đông xuân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa rét gây ra.
Nông dân ra đồng tỉa dặm kịp thời để thúc lúa đẻ nhánh sớm, tập trung -Ảnh: L.A
Thời điểm này, nhiều nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung ra đồng để chống rét cho lúa. Ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng cho biết, vụ đông xuân năm nay gia đình ông gieo sạ được hơn 0,5 ha lúa. Hiện cây lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Dù thời tiết không thuận lợi, mưa rét, nhiệt độ xuống thấp nhưng những ngày qua ông vẫn thường xuyên ra thăm đồng, điều chỉnh mực nước trên ruộng từ 2 – 3 cm để giữ ấm cho cây lúa.
Theo kinh nghiệm của ông Thanh, trong thời điểm cây lúa đang còn yếu, khi có đợt rét đậm, rét hại, nông dân cần duy trì lớp nước trên mặt ruộng để vừa giữ ấm, vừa giúp lúa phát triển. Nếu trời vẫn tiếp tục rét có thể phun thuốc kích thích sinh trưởng để tăng sức đề kháng, chống rét và giúp cây lúa ra rễ. Không bón phân đạm hay phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa vào thời điểm này. Khi thời tiết ấm trở lại cần lấy thêm nước vào ruộng, bón phân thúc và kết hợp làm cỏ, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển và cây lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh mạnh.
Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Hải Lăng Thái Thị Kim Tuyến cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo cấy được hơn 6.800 ha lúa. Hiện nay, cây lúa chủ yếu đang ở giai đoạn mạ – bắt đầu đẻ nhánh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 22/1 trên địa bàn huyện đã có mưa kèm rét đậm, gây ngập úng nhiều diện tích lúa vùng thấp trũng. Trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại cùng với mưa sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của các loại cây trồng, đặc biệt là một số diện tích lúa mới gieo được 3 – 5 ngày có nguy cơ ảnh hưởng nặng.
Để chủ động ứng phó và hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa rét đầu vụ gây ra, bảo đảm cho cây trồng phát triển, Trạm TT&BVTV đã hướng dẫn các hợp tác xã, các địa phương thực hiện các biện pháp tiêu úng kịp thời, tăng cường khơi rãnh để thoát nước nhanh cho ruộng lúa, đặc biệt các trà lúa mới gieo, lúa giai đoạn mạ, điều tiết kịp thời các phai, cống mở nước, huy động tối đa công suất các trạm bơm điện, tăng cường thêm các máy bơm lẻ (bơm dầu) để tiêu úng nhanh nhất. Khi thời tiết mưa lạnh tuyệt đối không bón phân đạm và các loại phân hỗn hợp có đạm như NPK, NK, phân bón qua lá, chất kích thích sinh trưởng; không phun thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ dưới 18 độ C.
Tận dụng nguồn phân hữu cơ tại chỗ đã ủ hoai mục, tro bếp… trộn với phân lân với lượng từ 8 – 10 kg/ sào rắc đều trên mặt ruộng để giữ ấm và tăng cường chất dinh dưỡng cho cây lúa. Đối với ruộng lúa đã được 3 lá trở lên nên duy trì mực nước 1 – 2 cm trên ruộng, không để ruộng bị khô cạn hoặc để mực nước quá sâu. Sau khi kết thúc đợt rét đậm, rét hại, thời tiết nắng ấm trở lại, thì tiến hành bón thúc phân cho lúa đẻ nhánh, kết hợp tỉa dặm, làm cỏ, cho ruộng lúa phục hồi và phát triển.
Đối với rau màu, đậu các loại cần lên luống, tạo rãnh thoát nước tiêu úng trên ruộng. Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại dưới 16 độ C. Bón phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, phân lân kết hợp tủ gốc bằng mùn, rơm, rạ… để giữ ấm, giữ ẩm cho cây. Đối với nhóm rau ăn lá có thể che bằng nilon trắng trong điều kiện mưa rét kéo dài.
Ngoài ra, cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện ảnh hưởng của thời tiết bất thuận và các đối tượng sâu bệnh gây hại. Chú ý các đối tượng gây hại đầu vụ như chuột, ốc bươu vàng, rầy lưng trắng, bọ trĩ, bệnh đạo ôn lá, bệnh vàng lá sinh lý… và áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV, đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 25.600 ha lúa, xuống giống được khoảng 2.000 ha ngô, 1.700 ha lạc, 7.000 ha sắn. Bên cạnh đó, còn có hàng chục ngàn héc ta cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả… đang nuôi quả, phân hóa mầm hoa, ra hoa, ra lá mới.
Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Bùi Phước Trang thông tin, đây là đợt rét có nhiệt độ xuống thấp và kéo dài trùng với giai đoạn các loại cây trồng đang sinh trưởng. Đáng lo ngại nhất là những diện tích lúa mới gieo được 3 – 5 ngày, cây lúa chưa kịp bén rễ; rụng hoa, rụng quả trên các loại cây công nghiệp, cây ăn quả.
Ông Trang lưu ý, đối với cây lúa, nông dân cần duy trì mực nước ngập khoảng 2/3 thân cây lúa để giữ ấm cho cây. Không bón thúc phân đạm trong thời tiết rét đậm, rét hại mà cần tăng cường thêm tro bếp hoặc kali để tăng khả năng chống rét cho lúa. Không được sử dụng các loại thuốc trừ cỏ để phun cho cây lúa trong điều kiện thời tiết mưa rét, nhiệt độ xuống thấp dưới 18 độ C sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và có thể gây chết lúa. Chuẩn bị các loại phương tiện (máy bơm đủ công suất…) để kịp thời đấu úng đối với các vùng ruộng thấp trũng khi có mưa lớn gây ngập úng, tránh để cây lúa bị ngập úng kéo dài.
Các diện tích lúa gieo gặp rét, sinh trưởng chậm và các trà lúa gieo trễ thời vụ (sau ngày 25/1), cần tăng cường chăm sóc và sử dụng các loại phân bón qua lá như: Atonic, siêu lân, Kali Humat… để phun nhằm giúp cây lúa nhanh phục hồi, đẻ nhánh khỏe, tập trung, rút ngắn thời gian sinh trưởng.
Ngoài ra, cần tập trung chăm sóc, thực hiện các giải pháp chống rét cho các loại cây ăn quả, rau màu. Trong đó ngoài việc tăng cường tro bếp, các loại phân hữu cơ để tăng khả năng chống rét, vào buổi sáng sớm, nếu có sương muối, nông dân nên sử dụng vòi phun nước để phun rửa lá, tránh cháy lá, những diện tích đã đến kỳ thu hoạch thì nên thu hoạch sớm tránh thiệt hại.
Bên cạnh đó, cần chủ động phương án đấu úng khi có mưa lớn xảy ra. Khi thời tiết tạnh ráo, trời ấm, cần tiến hành chăm sóc, tỉa dặm đảm bảo mật độ, bón phân thúc sớm, cân đối NPK đối với diện tích lúa theo đúng quy trình giúp cây lúa sinh trưởng khỏe ngay từ đầu vụ, tăng khả năng chống chịu với sinh vật gây hại, điều kiện ngoại cảnh bất lợi.
Lê An