Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường, nắng, mưa xen kẽ, tiết trời âm u, có sương mù, mưa phùn, ẩm độ cao, nhiệt độ từ 22-260 C… là điều kiện tốt để các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại trên các loại cây trồng, trong đó gây hại mạnh nhất là trên cây lúa.
Phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ đông xuân – Ảnh: T.C.L
Hiện lúa đang vào giai đoạn đẻ nhánh rộ là giai đoạn rất quan trọng quyết định đến năng suất nên bà con cần tăng cường các biện pháp chăm sóc và kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh gây hại để nhanh chóng xử lý, tránh gây ảnh hưởng đến việc đẻ nhánh hữu hiệu của lúa.
Vụ đông xuân năm 2023-2024, toàn tỉnh gieo cấy hơn 25.500 ha lúa. Nhờ thời tiết đầu vụ khá thuận lợi và nông dân thực hiện tốt các biện pháp thâm canh nên cây lúa sinh trưởng tốt. Tuy vậy, hiện các đối tượng dịch hại đang phát sinh và phát triển mạnh trên đồng ruộng như: chuột gây hại trên diện tích 455 ha, tỉ lệ gây hại phổ biến từ 5% – 10%; bệnh đạo ôn gây hại trên diện tích 102 ha, tỉ lệ hại phổ biến từ 7% -10%…
Bệnh gây hại tại nhiều vùng có ổ dịch cũ; trên những chân ruộng bón thừa đạm, thiếu kali; trên các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như: Bắc thơm 7, IR38, HC95, BĐR57, VN10… Các địa phương có lúa bị bệnh đạo ôn nhiều như: huyện Cam Lộ, Gio Linh, TP. Đông Hà…
Nhằm chủ động phòng trừ từ sớm các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng để mang lại hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.
Đồng thời, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các địa phương phối hợp với trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Đối với bệnh đạo ôn là loại bệnh do nấm Pyricularia Oryzae gây ra, chúng gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa, thường gây cháy lá ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và gây hại cổ bông giai đoạn lúa trổ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa. Bệnh xuất hiện nhiều nhất là vào thời kỳ lúa đẻ nhánh rộ, thời kỳ lúa trổ và vào chắc.
Bệnh đạo ôn xuất hiện trên lá ban đầu rất nhỏ (bằng mũi kim) xung quanh có quầng màu vàng, ở giữa vết bệnh màu xám nhạt sau chuyển sang màu nâu đen rồi lan rộng thành hình thoi ở giữa có màu xám tro.
Nếu bệnh nặng, các vết bệnh sẽ nối tiếp nhau tạo mảng lớn gây cháy cả lá và chết cây. Bệnh đạo ôn xuất hiện trên thân, cổ bông và cổ gié ban đầu chỉ là một vết nhỏ màu xám sau chuyển thành màu nâu ăn lan quanh thân, cổ bông và cổ gié. Khi bị nấm này xâm nhiễm nặng, mạch dẫn dinh dưỡng trên cây lúa bị cắt đứt, khiến cả bông lúa không có dinh dưỡng nuôi dẫn đến lúa không vào chắc được, gây lép lửng. Bệnh nặng sẽ làm mất trắng năng suất. Bệnh đạo ôn cũng xuất hiện trên hạt, ban đầu vết bệnh là những đốm tròn màu nâu trên vỏ trấu, sau đó nấm nhiễm vào hạt làm cho hạt lúa bị đen và lép.
Để phòng trừ bệnh đạo ôn hiệu quả, ngay từ khi chọn giống, nông dân cần sử dụng giống kháng bệnh. Đối với ruộng có ổ dịch cũ, cần làm đất kỹ. Trong quá trình chăm sóc cần bón phân cân đối, bón nặng đầu, nhẹ cuối, tránh bón lai rai, rải rác về cuối vụ, tăng cường bón phân chuồng hoai mục, phân lân, phân kali để tăng sức đề kháng và nâng cao năng suất, tránh bón thừa đạm, cần tưới nước đầy đủ, hợp lý.
Tăng cường kiểm tra bệnh đạo ôn trên tất cả các giống, kiểm tra kỹ trên các giống nhiễm, trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm… để có biện pháp quản lý kịp thời. Trên những chân ruộng bị bệnh đạo ôn phải ngừng ngay việc bón phân đạm và phân bón qua lá, tăng cao mực nước trong ruộng, khẩn trương phun thuốc phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc như: Beam, Fillia, Flash, Map Famy, Fuji – one… theo liều lượng khuyến cáo, cần phun ướt đẫm lá và thân, phun vào lúc chiều mát, lượng nước, thuốc pha 20 lít/gói/sào, vùng bị nặng phải phun 2 lần cách nhau 5 – 7 ngày.
Đối với những ruộng lúa đã bị bệnh đạo ôn lá cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước và sau khi lúa trỗ 5-7 ngày, nên luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun. Những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới được bón phân trở lại. Ngoài ra, cần chú ý theo dõi diễn biến các loại sâu bệnh khác như: rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, bệnh bạc lá vi khuẩn… để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Đối với phòng trừ chuột gây hại, cần diệt chuột bằng các biện pháp thủ công như: đào bắt, dùng bẫy kết hợp sử dụng các loại thuốc sinh học; tuyệt đối không sử dụng biện pháp xung điện để diệt chuột nhằm đảm bảo an toàn cho người và động vật khác trên đồng ruộng.
Nếu không phòng trừ sớm và hiệu quả các loại sâu bệnh trên cây lúa, nhất là bệnh đạo ôn thì rất dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa. Do đó, nông dân cần thường xuyên thăm đồng, sớm phát hiện sâu bệnh và kịp thời triển khai các biện pháp phòng trừ hiệu quả để vụ đông xuân 2023- 2024 sản xuất thắng lợi.
Trần Cát Linh