Ông NGUYỄN TRƯỜNG KHOA, Giám đốc Sở Công thương trả lời phỏng vấn
– Thưa ông! Đề nghị ông cho biết vai trò của năng lượng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và địa phương nói riêng, đặc biệt là hiện thực hóa quyết tâm “Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”?
– Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu phát triển năng lượng tương ứng có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vì năng lượng là nền tảng trọng yếu để phát triển kinh tế – xã hội.
Điều này được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tiếp tục chọn công nghiệp năng lượng là một trong những lĩnh vực đột phá phát triển với quyết tâm “Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”.
Ngày 26/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ đã định hướng: năng lượng đóng vai trò quan trọng và thiết yếu để phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, phải có tính dài hạn, hiệu quả để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; thúc đẩy phát triển đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân.
Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đi qua tỉnh Salavan, nối với các tỉnh Nam Lào, tạo điều kiện để lưu thông thuận lợi, trong đó có việc xuất, nhập khẩu than đá từ Lào về Quảng Trị -Ảnh: Đ.T
Đặc biệt, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu quy hoạch từng phân ngành năng lượng, gồm phân ngành dầu khí, phân ngành than, phân ngành năng lượng mới và tái tạo, phân ngành điện. Theo đó, phân ngành than được xác định: trong giai đoạn 2021 – 2030, dự kiến sẽ nhập khẩu với khối lượng tăng dần và đạt khoảng 73 triệu tấn vào năm 2030.
Giai đoạn 2031- 2050, dự kiến tiếp tục tăng và đạt đỉnh khoảng 85 triệutấnvào năm 2035, sau đó giảm dần và còn khoảng 50 triệu tấn vào năm 2045, trong đó nhu cầu loại than nhập khẩu của các nhà máy nhiệt điện được quy hoạch sử dụng than nhập khẩu năm 2035 khoảng 64 triệu tấn và giảm dần còn khoảng 34 triệu tấn vào năm 2045.
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than của Bộ Công thương, dự kiến năm 2023, sản lượng than thương phẩm khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn. Số liệu tính toán cũng cho thấy, tổng lượng than tiêu thụ năm 2023 vào khoảng 56,95 triệu tấn.
Trong đó, than cung cấp cho sản xuất điện vào khoảng 46,16 triệu tấn; cung cấp cho sản xuất phân bón, hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn; cung cấp cho sản xuất xi măng khoảng 1,74 triệu tấn; cung cấp cho các hoạt động khác khoảng 4,52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.
Trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, xuất phát từ những mâu thuẫn địa chính trị trên thế giới, khủng khoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu đầu vào của các ngành sản xuất tăng cao.
Tại buổi làm việc với các đơn vị chủ chốt của ngành than, Bộ trưởng Bộ Công thương đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức nghiên cứu các cơ chế, chính sách của Lào liên quan đến hoạt động thương mại than và khảo sát thị trường than của Lào, các tuyến đường vận chuyển than về Việt Nam, có phương án chuẩn bị hệ thống kho cảng chứa than ở vị trí phù hợp, nhất là các địa phương có đường biên giới giáp Lào, để có thể tiếp nhận hiệu quả than nhập khẩu từ Lào, tổ chức rà soát hệ thống kho cảng tại khu vực miền Trung để nghiên cứu đề xuất xây dựng các phương án, kho trung chuyển dự trữ than bảo đảm cung cấp đủ và ổn định nhu cầu than trong nước và xuất khẩu.
– Đề nghị ông cho biết những bước khởi động quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào trong lĩnh vực thương mại than, đặc biệt là mục tiêu xuất khẩu 20 triệu tấn than từ Lào sang Việt Nam mỗi năm tùy theo điều kiện thực tế của thị trường và nhu cầu mỗi bên; thúc đẩy hợp tác đầu tư trong hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu than; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực trong lĩnh vực khai thác, chế biến than.
– Ngày 20/7/2023, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than giữa Việt Nam và Lào đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào ký kết.
Bản ghi nhớ có nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại than, đặc biệt là mục tiêu xuất khẩu 20 triệu tấn than từ Lào sang Việt Nam mỗi năm tùy theo điều kiện thực tế của thị trường và nhu cầu mỗi bên; thúc đẩy hợp tác đầu tư trong hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu than; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực trong lĩnh vực khai thác, chế biến than.
Việc ký kết Bản ghi nhớ không chỉ khẳng định quyết tâm của Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, góp phần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Lào, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước, mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo cam kết với quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện cho Lào khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Quảng Trị có chung đường biên giới với các tỉnh Salavan, Savannakhet và gần tỉnh Sekong – là các tỉnh có số lượng khai thác và trữ lượng than lớn của Lào. Khoảng cách từ các mỏ than ở các tỉnh bạn đến hệ thống cảng biển Cửa Việt, Mỹ Thủy của Quảng Trị được đánh giá là gần và thuận lợi nhất.
Từ đây, than có thể được vận chuyển bằng đường biển đến các nhà máy trong Nam, ngoài Bắc hoặc xuất khẩu ra thị trường thế giới thông qua cửa ngõ Thái Bình Dương; góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu than của Lào và nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam.
Đây là cơ sở tiên quyết giúp Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào có thể cùng nhau nghiên cứu, phối hợp tham mưu lãnh đạo hai nước có những cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, khai thác, chế biến và kinh doanh than phát triển, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển của hai đất nước.
– Thưa ông! Ngành Công thương Quảng Trị đã đóng vai trò như thế nào trong việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực năng lượng, trong đó có hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu than từ Lào?
– Để góp phần vào công tác đảm bảo an ninh năng lượng chung cho cả nước, thời gian qua, bên cạnh tham mưu lãnh đạo tỉnh trong việc phát triển ngành năng lượng nói chung, ngành Công thương Quảng Trị đã tích cực nghiên cứu, chủ động đề xuất các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực năng lượng, trong đó có hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu than từ Lào.
Tính từ năm 2021 đến năm 2023, lượng than đá nhập qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đạt khoảng 2,7 triệu tấn, trị giá trên 220 triệu USD. Dự kiến thời gian tới, lượng than xuất khẩu của Lào thông qua Cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ tăng lên, đạt mức 20-30 triệu tấn/năm.
Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Công thương đã chuẩn bị nội dung, tổ chức đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công thương thực hiện công tác khảo sát tổng thể các nội dung liên quan nhằm đề xuất, kiến nghị với Chính phủ hai nước trong việc hoạch định những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu than của các doanh nghiệp từ Lào về Việt Nam.
Tham mưu xây dựng và bổ sung quy hoạch logistics, quy hoạch hệ thống kho hàng… đủ quy mô, công suất phục vụ các doanh nghiệp kinh doanh than. Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng đã tích cực phối hợp với các sở, ngành địa phương liên quan tập trung quy hoạch, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu, cảng biển, cảng cạn, cảng chuyên dụng, kho tàng,bến bãi… kết nối vận tải hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng than từ Lào về đến cảng biển Cửa Việt, Mỹ Thủy.
– Để phát huy lợi thế của tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh thương mại xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp; thu hút các doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất và đầu tư các dự án năng lượng trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu than từ Lào như thế nào, thưa ông?
– Để phát huy vai trò, vị trí cửa ngõ giao thương quan trọng của tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây, thời gian qua, Quảng Trị đã huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh thương mại xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai nhiều chiến lược thu hút các doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất và đầu tư các dự án năng lượng trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu than từ Lào; tích cực hỗ trợ, đồng hành với nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, triển khai các phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả.
UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về việc đầu tư xây dựng băng tải thuộc dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới lãnh thổ hai nước tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay; kịp thời phối hợp triển khai có hiệu quả biên bản làm việc giữa Đoàn cấp cao tỉnh Quảng Trị và tỉnh Sekong, thống nhất kiến nghị cấp có thẩm quyền phía nước bạn Lào sớm có văn bản đồng ý để hai tỉnh Quảng Trị và Salavan có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo của dự án băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam và các vấn đề liên quan đến vận chuyển than đá từ Sekong đến Quảng Trị.
Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ hai nước cho phép kéo dài thời gian làm việc của các lực lượng chức năng tại cặp Cửa khẩu quốc tế La Lay – La Lay giữa tỉnh Salavan và Quảng Trị nhằm đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hoá với khối lượng lớn của các doanh nghiệp; chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan hai tỉnh tích cực thúc đẩy triển khai nội dung biên bản ghi nhớ tại hội đàm cấp cao giữa hai tỉnh được ký vào ngày 30/8/2023.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đã tiếp tục quan tâm, tổ chức các hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện biên bản ghi nhớ được ký tại hội đàm cấp cao giữa tỉnh Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hai bên phát triển kinh doanh xuất, nhập khẩu than đá từ Lào.
Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan tham mưu xác định rõ cơ sở pháp lý, trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các ngành trong việc tham mưu, nghiên cứu các giải pháp và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trình Chính phủ xem xét, cho phép triển khai áp dụng nhằm mục tiêu phục vụ phát triển bền vững cho cả hai đất nước.
Tiếp tục kiến nghị trung ương xem xét, nghiên cứu đưa vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo điều kiện để sớm hình thành bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu hàng phục vụ cho các dự án xuất, nhập khẩu than đá từ Lào phát triển phù hợp với Quy hoạch tổng thể về năng lượng trên địa bàn tỉnh; bố trí các nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn để nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các cơ sở hạ tầng giao thông, bến cảng, cửa khẩu… phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu than nói riêng.
Các doanh nghiệp đang có định hướng đầu tư, phát triển hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu than với Lào cần nghiên cứu các điều kiện kỹ thuật để đầu tư vào các công nghệ mới, kết hợp vận chuyển đa phương thức; bằng đường bộ (container chuyên dụng), băng chuyền, đường thủy, đường sắt…
Cần phân tích, so sánh ưu thế của các phương án vận chuyển, lợi ích của doanh nghiệp, của địa phương trong tổng thể lợi ích quốc gia; phương án xử lý các tác động của môi trường… khi đề xuất xây dựng dự án trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm các nội dung hoạt động để tạo liên kết vùng, liên kết các dự án trọng điểm của tỉnh để tăng hiệu quả đầu tư.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương; sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp đã phát huy lợi thế thuận lợi về vị trí địa lý, tạo ra bước đột phá quan trọng nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII và Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/ TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đào Tâm Thanh (thực hiện)