Ban Quản lý Bảo trì giao thông (QLBTGT) thuộc Sở Giao thông vận tải có nhiệm vụ trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhà thầu bảo trì; thực hiện quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; khắc phục hậu quả bão lũ và các sự cố bất khả kháng khác, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh; khai thác hiệu quả công trình, các tuyến giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và phương tiện lưu thông.
Thực hiện công tác bảo trì tại tuyến đường 585C qua địa bàn huyện Cam Lộ – Ảnh: TÚ LINH
Ông Hoàng Anh Quang, Giám đốc Ban QLBTGT cho biết, hiện ban quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 6 tuyến quốc lộ ủy thác với chiều dài gần 137 km; 22 tuyến đường tỉnh với chiều dài hơn 283 km; 25 tuyến nội thị với chiều dài hơn 51 km cùng các tuyến đường khu vực Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Để chủ động nhân lực, vật lực, Sở Giao thông vận tải hợp đồng 2 đơn vị quản lý các tuyến đường bộ và 1 đơn vị quản lý các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh để triển khai các công tác hiệu quả.
Hiện Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Quảng Trị được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, phòng chống giảm nhẹ thiên tai trên các tuyến đường do đơn vị quản lý, bảo trì với chiều dài hơn 105 km là quốc lộ; hơn 100 km trên 10 tuyến đường tỉnh và hơn 51 km trên 25 tuyến đường nội thị. Công ty Cổ phần Tân Hưng chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phòng chống giảm nhẹ thiên tai trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ dài gần 215 km do đơn vị quản lý, bảo trì. Nhờ được sự phân công và có kế hoạch công việc cụ thể, kịp thời nên công tác đảm bảo an toàn các công trình giao thông trên địa bàn luôn được triển khai thực hiện tốt.
Các đơn vị đã bố trí sẵn sàng khoảng 120 công nhân và phương tiện máy móc hiện đại, chưa kể huy động thêm nhân lực và phương tiện khi cần thiết để đảm bảo giao thông luôn được thông suốt. Lực lượng và phương tiện được các đơn vị quản lý đường bộ bố trí đầy đủ, đặc biệt là các khu vực thường xuyên có nguy cơ cao về ách tắc giao thông như địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa. Đối với đường thủy nội địa, tại các trạm quản lý đường sông sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải và sông Ô Lâu đều bố trí khoảng 20 nhân lực thường trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn giao thông.
Theo ông Hoàng Anh Quang, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài công việc về chuyên môn thì công tác ứng phó kịp thời và khắc phục sớm hậu quả của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại trên các tuyến đường bộ, các công trình luôn được đặt lên hàng đầu.
Các đơn vị được giao nhiệm vụ đã hoàn thành công tác đào vét rãnh, thông cống thoát nước, cảnh báo các vị trí tiềm ẩn nguy hiểm. Các đơn vị thi công công trình dở dang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ và xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn khi có mưa lũ; thành lập ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các công trường. Tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình đang dở dang để vượt lũ. Vì vậy, thời gian qua trên địa bàn tỉnh mặc dù bị ảnh hưởng mưa lũ do bão số 3 và số 4 gây ra, nhưng nhờ chủ động phương án bảo đảm an toàn cho giao thông nên mọi chia cắt giao thông đã sớm được giải quyết, phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của người dân và các hoạt động KT-XH…
Hằng năm, trung ương, Bộ Giao thông vận tải luôn quan tâm, tạo điều kiện cho tỉnh một phần nguồn lực sửa chữa các hệ thống đường giao thông. Nhờ đó công tác quản lý, bảo trì trên các tuyến được tốt hơn, các công trình được kéo dài tuổi thọ phục vụ khai thác hiệu quả và thường xuyên. Nhiều tuyến quốc lộ ủy thác, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện được đầu tư nâng cấp, góp phần thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân và phương tiện tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, Ban QLBTGT tăng cường chỉ đạo, điều hành, phối hợp đảm bảo giao thông; kiểm tra nền mặt đường, sửa chữa khơi thông dòng chảy hệ thống cầu cống; cắm biển báo hiệu cảnh báo, cọc thuỷ chí. Tại các điểm có nguy cơ sạt lở có phương án kỹ thuật đảm bảo giao thông, tổ chức tập kết trước một số vật tư, thiết bị dự phòng cần thiết. Kiểm tra, bảo dưỡng bổ sung vật tư, thiết bị cho công tác đảm bảo giao thông.
Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý nhanh, hiệu quả, kịp thời khi xảy ra sự cố, đảm bảo giao thông luôn được thông suốt; ứng phó hiệu quả các tình huống thiên tai phức tạp theo dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm. Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác tuần đường, kiểm tra các vị trí ngầm tràn, khơi thông dòng chảy các vị trí cầu, cống. Đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sửa chữa định kỳ, hoàn thành và có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão.
Khánh Hưng
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tang-cuong-dam-bao-an-toan-cac-cong-trinh-giao-thong-mua-mua-bao-189029.htm