Xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng chỉ thực hiện tốt khi Nhân dân hiểu, tham gia, đặc biệt là người dân sống gần rừng, do đó cần tăng cường cung cấp thông tin, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tác dụng của rừng đối với môi trường sống, nắm được lợi ích khi bảo vệ rừng và tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Đây là giải pháp trọng tâm để bảo vệ rừng hiệu quả được Chi cục Kiểm lâm tỉnh và chính quyền các địa phương có rừng triển khai thực hiện tốt trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Khai thác gỗ rừng trồng ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ -Ảnh: Đ.T
Cùng với đó, đa dạng đối tượng tuyên truyền, thay đổi cách thức tuyên truyền, cung cấp thông tin để công tác quản lý, bảo vệ rừng có kết quả tốt hơn cũng là mục tiêu mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh và chính quyền các địa phương có rừng đã và đang hướng tới.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô sinh sống tập trung theo cộng đồng thôn bản. Các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gồm huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông. Ngoài ra huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ cũng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tại Quảng Trị, diện tích rừng tự nhiên, nơi có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao phân bố chủ yếu ở hai huyện Đakrông và Hướng Hóa, nơi có các cộng đồng người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô sinh sống. Từ đời này sang đời khác, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô luôn gắn bó với rừng, sống phụ thuộc vào các sản phẩm khai thác từ rừng. Từ đó cũng đã hình thành nhiều tập quán bảo vệ rừng, khai thác sử dụng rừng và tập tục này cũng đã phát huy được một số điểm tốt trong bảo vệ rừng theo cam kết của cộng đồng.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng và đã mang lại nhiều kết quả. Rừng đã được bảo vệ tốt hơn, ngày càng có nhiều cộng đồng tích cực tham gia hoạt động bảo vệ rừng và người dân đã có thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp…
Tuy nhiên, để thành công trong bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương, bởi cộng đồng luôn thực hiện việc giám sát lẫn nhau, giáo dục lẫn nhau thông qua các quy định, quy ước. Cộng đồng cũng dùng dư luận xã hội để biểu dương, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân làm tốt và phê bình, nhắc nhở, đấu tranh những người có hành vi làm tổn hại đến sự đa dạng sinh học. Từ đó nâng cao nhận thức, xây dựng thái độ và hành vi của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thực tế cho thấy, cộng đồng dân cư có mối quan hệ gắn bó với nhau và gắn bó với thiên nhiên, có chung tiếng nói và truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán. Vì vậy, quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung dựa vào cộng đồng sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực như nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật lâm nghiệp của các thành viên trong cộng đồng; giải quyết được mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên; quản lý và khai thác tài nguyên rừng theo hướng bền vững; giảm thiểu được mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo tồn đa dạng sinh học; phát huy được tính tích cực trong cộng đồng dân cư trong bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động các cộng đồng dân cư sống gần rừng cùng chung tay bảo vệ rừng, phát động phong trào cộng đồng tham gia bảo vệ rừng là giải pháp quan trọng dựa trên quan điểm sinh thái nhân văn mang tính chất xã hội hoá cao.
Nội dung tuyên truyền gồm giới thiệu Luật Lâm nghiệp; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc, gắn với bảo vệ và phát triển rừng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác bảo vệ và phát triển rừng thông qua phong tục tập quán truyền thống; thực trạng bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn các địa phương khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh trong những năm qua, định hướng và giải pháp trong thời gian tới.
Qua đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số xác định rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Rừng cung cấp gỗ cho đời sống sinh hoạt của con người, giúp điều hòa không khí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước, giúp ngăn chặn các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất…
Rừng có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống như vậy nên việc bảo vệ rừng không chỉ là ý thức, trách nhiệm mà phải trở thành hành động của toàn dân. Việc bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ môi trường nơi cộng đồng dân cư sinh sống. Làm tốt công tác này cũng sẽ góp phần giúp các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương thuận lợi hơn khi triển khai các chương trình phát triển kinh tế- xã hội gắn với hoạt động bảo vệ rừng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định các già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ, đảng viên trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số là hạt nhân quan trọng, tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân nhằm không ngừng nâng cao ý thức của việc trồng và bảo vệ rừng, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng trên địa bàn.
Cùng với đó, xây dựng, hình thành mạng lưới, kết nối cộng đồng, đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức cho cộng đồng, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân về thông tin, về pháp luật, về nguồn lực cho hoạt động bảo vệ, phát triển rừng. Hình thành các các đội, nhóm tình nguyện tuyên truyền vận động bảo vệ rừng, tạo ra một phong trào rộng lớn trong cộng đồng, tác động đến nhiều thế hệ.
Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương các cấp tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền trong cộng đồng, thôn, bản, trong trường học về công tác bảo vệ rừng. Nhiều tài liệu, tờ rơi, áp phích được cấp phát đến tận hộ gia đình, nhà hàng, cơ sở sản xuất đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao nhận thức trong Nhân dân về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm.
Đến nay, tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh đạt 248.189 ha, trong đó rừng tự nhiên 126.693 ha, rừng trồng 121.495 ha; tỉ lệ che phủ rừng đạt 49,4%. Tỉnh đã thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho những chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế quản lý với tổng diện tích hơn 200.000 ha, chiếm 62% tổng diện tích đất lâm nghiệp.
Trong đó giao cho cộng đồng và hộ gia đình hơn 20.000 ha; tổ chức giao khoán trên 90.000 ha rừng tự nhiên để Nhân dân quản lý, bảo vệ và hưởng lợi lâu dài. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường, thực hiện tốt; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đấu tranh trấn áp các ổ nhóm, các đường dây buôn lậu lâm sản, tạo điều kiện cho Nhân dân yên tâm sản xuất nghề rừng, không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đan Tâm
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tang-cuong-cung-cap-thong-tin-day-manh-tuyen-truyen-doi-voi-cong-dong-de-bao-ve-rung-188061.htm