Sáng nay 30/12, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2022-2024; định hướng hoạt động năm 2025.
Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8 – Ảnh: Tú Linh
Dự án 8 được triển khai thực hiện với 4 nội dung, gồm: Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT-XH của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị…
3 năm qua, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã phát huy vai trò chủ trì, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi của dự án và đạt được những kết quả như: 5/5 huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và thành lập, vận hành các mô hình cốt lõi của dự án; thành lập được 171 tổ truyền thông cộng đồng; cấp phát 290 bộ tài liệu phát triển năng lực giới cho các đơn vị địa bàn dự án 8
Tổ chức 23 chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em quy mô cấp huyện và cụm xã; tổ chức 17 chiến dịch truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống bạo lực gia đình tại các xã với hơn 2.380 người tham gia.
Các cấp hội đã xây dựng 40 địa chỉ tin cậy tại các xã thuộc huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh. Triển khai 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại địa bàn có đông người DTTS và có tỉ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước.
Lựa chọn 4 mô hình tổ nhóm sinh kế, hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho các mô hình. Nâng cao năng lực cho 50 cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị…
Nhìn chung, các mô hình, hoạt động của Dự án 8 ngày càng thu hút nhiều hội viên, phụ nữ và trẻ em DTTS tham gia, góp phần nâng cao nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, hội viên, người dân vùng đồng bào DTTS trong phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, công tác bình đẳng giới và tham gia giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em, được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Hội nghị cũng được nghe tham luận của các đơn vị có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện dự án. Khẳng định những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế sau 3 năm triển khai thực hiện.
Định hướng triển khai hoạt động năm 2025, các cấp hội LHPN tập trung các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu thành lập, vận hành và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em theo chỉ tiêu dự án đặt ra.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, trong đó chú trọng truyền thông trên nền tảng số.
Nâng cao năng lực cho phụ nữ DTTS tham gia ứng cử vào các cơ quan dân cử, tăng cường năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng…
Tú Linh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/so-ket-3-nam-thuc-hien-binh-dang-gioi-va-giai-quyet-nhung-van-de-cap-thiet-doi-voi-phu-nu-tre-em-190757.htm