Ra đời từ hàng trăm năm qua và ngày càng phát triển, nghề sản xuất nước mắm truyền thống đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng. Năm 2012, tỉnh Quảng Trị đã công nhận làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy, qua đó tạo động lực để làng nghề vươn xa. Bên cạnh việc duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân Mỹ Thủy còn luôn chú trọng việc sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) để giữ vững thương hiệu nước mắm quê nhà.
Sản xuất nước mắm tại hộ gia đình ông Đặng Quang Lệ, thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng – Ảnh: Đ.V
Nước mắm truyền thống Mỹ Thủy, xã Hải An từ lâu đã nức tiếng gần xa, được người dân trên địa bàn huyện Hải Lăng và nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh tin dùng. Bên cạnh việc duy trì chất lượng, hương vị truyền thống thì các khâu sản xuất, đảm bảo VSATTP cho sản phẩm nước mắm Mỹ Thủy cũng được chú trọng.
Anh Đặng Hải Nhân, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nước mắm Mỹ Thủy cho biết, tổ có 5 hộ tham gia và mỗi tháng bình quân xuất bán ra thị trường tổng sản lượng khoảng 10.000 lít nước mắm. Tham gia tổ hợp tác, các hộ liên kết sản xuất mặt hàng nước mắm, kết nối tiêu thụ những đơn hàng số lượng lớn.
Bên cạnh đó, các hộ còn chia sẻ, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất và công tác bảo vệ môi trường. Anh Nhân cho biết, để duy trì nghề một cách bền vững, mỗi một hộ sản xuất đều tự nhận thức và nêu cao trách nhiệm trong sản xuất với mục tiêu làm ra sản phẩm sạch thực sự, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
“Theo quy trình sản xuất, chúng tôi mua cá tươi (hoặc chợp đã ủ) từ cảng Cửa Việt và cảng Thuận An, Thừa Thiên Huế về ủ muối thành chợp. Tùy loại cá ủ chợp mà sau 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng chúng tôi sẽ lọc ra được nước mắm. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn đảm bảo cơ sở vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát; khu ủ chợp và khu bảo quản mắm, khu chiết nước mắm, khu đóng chai có khoảng cách với nhau để phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Các dụng cụ sản xuất đều được che đậy kín đáo để tránh côn trùng; sau khi sản xuất, chế biến đều được vệ sinh kỹ càng”, anh Nhân chia sẻ.
Thời gian qua, Trạm Y tế xã Hải An phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan cấp trên tích cực kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn, trong đó có cơ sở sản xuất nước mắm. Công tác này được đặc biệt chú trọng vào dịp lễ, tết và Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm. Đồng thời cán bộ, nhân viên trạm thường xuyên phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tuyên truyền các cơ sở chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Tuyên truyền đảm bảo các điều kiện bảo quản, kinh doanh thực phẩm nói chung và sản phẩm nước mắm, phụ phẩm sau sản xuất nói riêng… Phổ biến kiến thức phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, cảnh báo nguy cơ xảy ra các sự cố mất an toàn thực phẩm. Với sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan và cơ quan y tế cơ sở trong việc triển khai công tác giám sát về ATVSTP đã góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hải An Hồ Ngọc Cương |
Cũng như nhiều gia đình sản xuất nước mắm ở thôn Mỹ Thủy, vợ chồng ông Đặng Quang Lệ đã theo nghề này từ khi mới lập gia đình. Từ cơ sở nhỏ lẻ, đến nay gia đình ông đã dần mở rộng quy mô sản xuất. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông Lệ sản xuất được từ 100-150 lít nước mắm, phần lớn tiêu thụ hết trong ngày.
“Nước mắm Mỹ Thủy giờ đây đã có thương hiệu, khách hàng gần xa tin dùng nhiều nên chúng tôi làm ăn ngày càng thuận lợi. Ý thức được điều đó nên mỗi gia đình đều cố gắng sản xuất sạch, đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện VSATTP”, ông Lệ cho hay.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải An Nguyễn Công Tuấn cho biết, sau khi được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2012, đến năm 2018, làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận “Nhãn hiệu nước mắm Mỹ Thủy”; được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp huyện năm 2018. Thôn Mỹ Thủy hiện có 41 hộ tham gia sản xuất nước mắm, trong đó có 28 hộ đã đăng ký kinh doanh, có đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký VSATTP. Số hộ còn lại đang tiếp tục được địa phương hỗ trợ đăng ký các thủ tục cấp chứng nhận về VSATTP.
Những năm gần đây, bình quân mỗi năm làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy xuất ra thị trường ước tính từ 900.000 lít – 1 triệu lít, tổng doanh thu mỗi năm từ 42 – 45 tỉ đồng. Đồng thời làng nghề còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động với thu nhập ổn định.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Công Tuấn cho biết, địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bà con giữ gìn môi trường sản xuất, tuân thủ chặt chẽ quy định đảm bảo VSATTP. Quy định mỗi hộ gia đình phải có một thùng rác để thu gom rác thải; các dụng cụ, chai, lọ, bao bì hư hỏng hoặc không sử dụng thì phải trung chuyển lên bãi rác huyện để xử lý, tiêu hủy. “Đặc biệt, nước mắm truyền thống Mỹ Thủy hoàn toàn không có chất phụ gia, không sử dụng chất bảo quản nên đảm bảo sạch, an toàn”, ông Tuấn khẳng định.
Để giữ vững và nâng tầm chất lượng nước mắm truyền thống Mỹ Thủy, ông Tuấn kiến nghị: “Cấp trên cần tiếp tục quan tâm mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trong và ngoài làng nghề.
Hỗ trợ kinh phí cho làng nghề trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải và máy móc để phát triển làng nghề. Về lâu dài, địa phương kiến nghị các cấp cần quy hoạch khu sản xuất tập trung cho làng nghề một cách hợp lý, xa khu dân cư để đảm bảo sản xuất bền vững”.
Hiếu Giang