Nhắc đến Trần Hoàn là nói đến một chính khách, nhà hoạt động văn hóa năng động, một nhạc sĩ xuất sắc thuộc thế hệ văn nghệ sĩ thứ hai, thế hệ đã sinh thành và lớn lên cùng với sự ra đời và phát triển từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, một nhạc sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 2001).
Nhạc sĩ Trần Hoàn (bên trái) trò chuyện với Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Trần Trọng Tốn (năm 1990) -Ảnh: P.V
Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh ngày 27/12/1928 tại làng Câu Nhi, xã Hải Tân (nay là xã Hải Phong), huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 13 tuổi, ông vào học tại Trường Lycée Khải Định (Quốc học Huế). Chính ở đây, từ phong trào học sinh cứu quốc, những bài ca đầu tay của Trần Hoàn ra đời, ghi danh ông vào lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Lăn lộn trên những vùng đất của Tổ quốc, trên những con đường hành quân gian khổ, chông gai, nhưng tâm hồn của người nghệ sĩ Trần Hoàn vẫn luôn rung cảm sâu sắc trước hiện thực cuộc sống, từ đó xuất hiện những “ Sơn nữ ca”, “Lời người ra đi”, “Đường rừng”, “Lời ru trên nương”, “Chiều trên Gio Cam giải phóng”…
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Trần Hoàn trải qua 60 năm với hàng nghìn bài hát. Những bài hát của ông phong phú và đa dạng, từ nốt nhạc hừng hực khí thế chiến đấu đến những bài ca trẻ trung, đầy sức sống. Có một điều hết sức đặc biệt, một nét hết sức Trần Hoàn khi chúng ta bắt gặp trong những ca khúc của ông âm hưởng dân ca của quê hương Quảng Trị.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp rồi đến thời kỳ hòa bình, Trần Hoàn đã kinh qua công tác nhiều nơi, đã sáng tác khá nhiều nhưng chỉ đến khi được Đảng điều động trở lại chiến trường B (năm 1966), về lại với quê hương mình, thấm thía với những lời ru, điệu hò sông nước, những thanh âm mê đắm núi rừng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô…nhạc sĩ Trần Hoàn đã tạo cho mình một phong cách thể hiện mới, giàu âm hưởng dân ca Bắc Trung Bộ.
Ca sĩ Khánh Huyền trình bày tác phẩm của nhạc sĩ Trần Hoàn trong đêm nhạc Phạm Tuyên -Trần Hoàn tháng 9/1996, tại Đông Hà -Ảnh: Đ.T
Những năm ở chiến trường Trị Thiên – Huế, Trần Hoàn lấy bút danh là Hồ Thuận An. Trả lời với khán giả Đông Hà trong “Đêm nhạc Trần Hoàn” tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh (tháng 3/1995), ông nói chữ “Hoàn” được tách thành hai chữ “Hồ – An”, và vì công tác ở chiến trường Trị Thiên – Huế nên ông thêm vào chữ “Thuận” cho có vẻ là một địa danh.
Hồ Thuận An là một bút danh của ông được ký dưới những bài hát làm lay động lòng người với cảm xúc chân thành và sâu lắng. Các bài hát “Lời ru trên nương” (thơ Nguyễn Khoa Điềm), “Em thương người trong Huế đấu tranh” (thơ Quế Lâm) và những bài hát viết về quê hương Quảng Trị như: “Ngắt một cành hoa thắm tặng anh” (1971), “Tiếng đàn trên đường 9” (1973), “Chiều trên Gio Cam giải phóng” (1973), “Thư gửi cho anh” (1974)… đã được Trần Hoàn viết ra với một phong cách trữ tình, âm hưởng dân ca.
Theo nhà thơ Huy Cận thì “tiết tấu ở đây là tiết tấu của tâm tình, không nhanh, không dồn dập; không phải là chậm rãi, mà khuôn theo hơi thở của tự sự. Thành ra cung bậc ấy, tiết tấu ấy dễ dẫn giai điệu luyến láy vào lòng người”. Trong bài hát “Thư gửi cho anh”, Trần Hoàn đã viết những lời ca nặng chất tâm tình, vời vợi một trời thương nhớ quê hương:
Ai đếm được trên rừng bao nhiêu lá
Và trên sông bao sóng vỗ xa bờ
Tình chúng ta như mây trời và gió cả
Xa nhau càng thêm tươi thắm lòng ta
Anh bảo rằng từ Ba Lòng anh đứng gác
Vẫn thấy đồng thấy biển vùng Hải Lăng
Dẫu cách núi, dẫu rừng ngăn
Xa nhau nhiều mà vẫn thấy như gần.
Qua bài hát ta thấy rằng “Không gian âm nhạc của Trần Hoàn như là cõi nhớ thương vương vấn, một chốn đi về của những hoài niệm thiết tha, một không gian chứa thời gian bịn rịn” (Huy Cận).
Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Đồng hương Quảng Trị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh viết thư nhắn nhủ Trần Hoàn cố gắng dành thời gian viết bài hát cho tỉnh nhà nhân sự kiện quan trọng này. Ban biên tập Báo Quảng Trị cũng đã đề nghị ông viết bài hát để đăng báo.
Nhạc sĩ nhận lời và khi chuẩn bị xuất bản số báo thứ 3, nhạc sĩ Trần Hoàn đã vào Quảng Trị đưa đến tòa soạn Báo Quảng Trị một bản nhạc ghi ngày 10/7/1989, đó là ca khúc “Quảng Trị yêu thương”. Cùng lúc đó, ông tặng Đài Phát thanh Quảng Trị, Sở Văn hóa – Thông tin, Đoàn Ca múa Quảng Trị băng cassette thu thanh ca khúc này do nghệ sĩ ưu tú Ái Xuân thể hiện.
Đây được xem là bài hát đầu tiên viết về Quảng Trị sau ngày tỉnh nhà được lập lại và đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Anh Hoàng Thỉ, ca sĩ của Đoàn Ca múa Quảng Trị đã biểu diễn bài hát này rất thành công trong những lần lưu diễn phục vụ Nhân dân trong tỉnh. Bài hát cũng đã cùng anh tham gia biểu diễn tại nước bạn Lào nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quảng Trị quê ta có non Mai sông Hãn, rực rỡ sắc ngọc của vùng quê sơn thủy hữu tình. Người Quảng Trị hiền như củ khoai, hạt gạo; mây trời Quảng Trị thăm thẳm sắc xanh như câu thơ của Tế Hanh “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”. Hình ảnh đó đã được Trần Hoàn hát lên thật sâu lắng, tự hào:
Quảng Trị ơi quê mẹ của tôi ơi
Chẳng thể nào quên tiếng mẹ ru hời
Rằng không thơm cũng thể hương đàn
Không trong cũng thể nước nguồn Hàn mình chảy ra…
Chiến tranh rồi cũng qua, những ngọn gió hòa bình đã thổi hiền hòa qua những cánh đồng còn vương dây kẽm gai, đạn và bom mìn, còn ngổn ngang những xác xe tăng và công sự, cả Quảng Trị hoang tàn đổ nát. Ngày chiến tranh, người Quảng Trị kiên gan đánh giặc, chịu đựng gian nan bao nhiêu thì ngày hòa bình, họ lại cần cù, chịu khó bấy nhiêu.
Bài hát “Quảng Trị yêu thương” của Trần Hoàn đã khái quát về lịch sử, địa lý và hướng tương lai của Quảng Trị với con đường 9 “thênh thang đưa ta đến bạn Lào” và bạn bè trong khu vực. Chất tâm tình của Trần Hoàn lại được tỏ bày khi ông nhắn nhủ mọi người: “ngọn sóng Hiền Lương thấm bao nước mắt, mỗi luống cày, mỗi khóm cây, máu bốn phương nhuộm đỏ đất này”, vậy nên mỗi chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng.
Quê hương tình sâu nghĩa nặng nên hầu như mỗi lần về thăm quê là Trần Hoàn lại có bài hát mới. Đó là những sáng tác có khi được ông viết vội trên xe từ Hà Nội vào Quảng Trị, hay trong khoảng thời gian tranh thủ hiếm hoi của một bộ trưởng bận trăm công nghìn việc.
Vậy mà các bài hát vẫn hay, được nhiều người yêu thích, nó tự nhiên đi vào lòng người và neo đậu ở đó bằng những rung động chân thành. Có thể kể ra đây những bài như: Gửi mẹ yêu thương (thơ Lê Bá Tạo), Xuân (thơ Nguyễn Lãnh), Xuân Quảng Trị, Lang lư Khe Sanh, Đẹp lắm cuộc sống Quảng Trị ơi, Dòng sông quê hương, Chào đường Chín xanh…
Cũng tại đêm nhạc Trần Hoàn tổ chức tại Nhà Văn hóa Trung tâm Quảng Trị vào tháng 3/1995, ông đã tâm sự với khán giả, bà con quê nhà rằng ông không bao giờ quên câu hò của mẹ ru ông ngày thơ ấu: “Con ơi ruột mẹ nát như tương, bảy nổi ba chìm rất thảm thương”. Đó là nỗi lòng của người mẹ Quảng Trị trong cảnh nước mất nhà tan. Cũng từ câu ru đó mà Trần Hoàn đã nguyện một đời dấn thân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân.
Nhớ nằm lòng câu ru của mẹ, dù quê hương chưa giàu có phồn vinh như mơ ước bao đời, nhưng khi trở lại, Trần Hoàn đã sung sướng đến nghẹn ngào khi thấy một Quảng Trị đang khởi sắc, đổi mới, xứng đáng với máu xương của hàng vạn người con khắp miền đất nước đã nằm lại đất này. Và đó cũng đủ cho những hình dung yêu thương, tin cậy và hy vọng về một quá khứ sâu dày, một hôm nay còn ngổn ngang tạo dựng và một ngày mai ấp ủ bao dự cảm tốt lành. Trong bài hát “Đẹp lắm cuộc sống Quảng Trị ơi”, Trần Hoàn đã reo vui trong dòng giai điệu rộn ràng, lạc quan:
Gặp nhau mà mừng biết mấy
Quê mình Quảng Trị đã đổi thay
Đường lên hạnh phúc đâu có xa vời
Đẹp lắm cuộc sống Quảng Trị ơi
Nói như nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Âm nhạc cũng như nhan sắc của thiếu nữ, mùi hương của loài hoa quý, vốn phải chịu nhiều quy luật đào thải của thời gian. Một nhạc sĩ viết ca khúc chỉ cần có một bài cho một đời và ca khúc đó phải “đứng” được trong lòng người 10 năm mới là ca khúc có giá trị”.
Nghe lại các bài hát viết về “Quảng Trị yêu thương” của nhạc sĩ Trần Hoàn, ta thấy bên cạnh sự vững vàng về bút pháp, thành công về nghệ thuật, sâu sắc về nội dung tư tưởng là chất tâm tình mênh mang trong toàn bộ tác phẩm. Hồn nhạc của ông lắng lòng với quê hương yêu dấu, với lời mẹ ru, với câu hò vang vọng trên dòng Ô Lâu nước triều bờ sóng sánh, ước mơ một ngày mai Quảng Trị đẹp giàu…
“Quảng Trị yêu thương”, không gian âm nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàn với những ca khúc được viết ra bằng một giọng riêng, mang cốt cách con người non Mai sông Hãn, hiền lành, giản dị, anh dũng, kiên cường sẽ còn mãi với thời gian. Đất ấy người này và dòng giai điệu ấy đã làm nên những niềm hy vọng mới, xứng đáng với tầm vóc mà lịch sử mãi mãi không quên.
Võ Thế Hùng
Nguồn: https://baoquangtri.vn/quang-tri-yeu-thuong-trong-khong-gian-am-nhac-tran-hoan-186650.htm