Sáng nay 27/12, tại TP. Đông Hà, Sở Công thương Quảng Trị phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức World Wide Fund for Nature (WWF – Việt Nam) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy quá trình Chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại tỉnh Quảng Trị”. Đại diện WWF – Việt Nam; các chuyên gia tư vấn và giảng viên các trường đại học cùng hơn 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự.
Quang cảnh hội thảo – Ảnh: Lê Minh
Mục tiêu đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Thỏa thuận Paris. Để thực hiện cam kết, Việt Nam cũng đã đạt được thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) vào tháng 12/2022 nhằm huy động 15,5 tỉ USD tài chính công và tư nhân trong 3 – 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh.
Cùng với đó, nhiều chính sách mới về đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo đã được Chính phủ ban hành, đặc biệt là Luật Điện lực sửa đổi đã được Quốc hội thông qua cho thấy Việt Nam rất quyết tâm trên hành trình chuyển dịch nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng tương lai phát thải carbon thấp và bền vững.
Để hiện thực hóa các cam kết, mục tiêu quốc gia, rất cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan từ trung ương đến địa phương, các nhà quản lý, nhà khoa học và đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong đầu tư, sử dụng các nguồn điện tái tạo, năng lượng sạch.
Các đại biểu tham dự hội thảo – Ảnh: Lê Minh
Quảng Trị là khu vực có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo lớn của cả nước. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 33 nhà máy điện năng lượng tái tạo và 151 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã vận hành phát điện với tổng công suất 1.119,5 MW, trong đó có 20 nhà máy điện gió với tổng công suất 742,2 MW.
Trong Quy hoạch Điện VIII của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị có thêm 12 dự án điện gió, đảm bảo đủ room 1.800 MW nguồn điện gió đến năm 2030; Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1500 MW đang chờ phê duyệt FS và vận hành COD vào năm 2030.
Đồng thời, tỉnh đã trình chuyển đổi nguyên liệu Nhà máy Nhiệt điện Hải Lăng từ than sang khí, công suất 1500 MW. Đây là cơ sở quan trọng để sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng miền Trung. Kết quả này sẽ góp phần rất quan trọng trong tiến trình chung nhằm thực hiện các mục tiêu quốc gia, đặc biệt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Để hiện thực mục tiêu này, Quảng Trị đã ban hành và cập nhật nhiều chính sách liên quan về khí hậu và năng lượng như: Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch hành động số 1870/KH-UBND ngày 28/4/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề ra mục tiêu giảm 32% (có điều kiện) tổng lượng phát thải khí nhà kính theo kịch bản thông thường (BAU) trên địa bàn tỉnh so với năm 2022.
Điều này đã khẳng định Quảng Trị đã có định hướng và các chính sách kịp thời, hành động quyết liệt góp phần vào trong các mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính và cam kết của Chính phủ về Net zero.
Hội thảo dành nhiều thời gian chia sẻ các hoạt động đã triển khai, đề xuất các giải pháp và lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp và địa phương.
Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, thực hành tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và thúc đẩy sự cam kết, hợp tác giữa các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức trong quá trình chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ kết nối các địa phương và tổ chức để cùng nhau hành động đạt mục tiêu khí hậu.
Lê Minh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/quang-tri-phan-dau-muc-tieu-phat-thai-rong-bang-0-net-zero-vao-nam-2050-190678.htm