Ngày 11/10/2024, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2026, tầm nhìn đến năm 2030. Về lâu dài, kế hoạch này nhằm tổ chức lại sản xuất, quy hoạch các vùng sản xuất dược liệu tập trung, quy mô lớn, thúc đẩy hình thành các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm của Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) -Ảnh: Đ.T
Đến nay, toàn tỉnh có 3.555 ha dược liệu được trồng và mọc trong tự nhiên, phân bố hầu hết trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung phần lớn ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Đến tháng 6/2024, tỉnh Quảng Trị có 113 sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 71 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó có các sản phẩm dược liệu đã được nâng cao về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhằm định hướng, tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế dược liệu, thời gian qua, tỉnh đã thiết lập các nền tảng cơ bản về cơ sở hạ tầng, nhân lực, công nghệ, dần định hình phát triển ngành kinh tế dược liệu. Kinh tế du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái cũng bắt đầu phát triển với lượng khách du lịch tăng dần theo thời gian, đặc biệt là tại huyện Hướng Hóa. Điều này tạo điều thuận lợi khi phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm dược liệu dựa trên lượng khách có sẵn mà không phải phát triển thị trường từ đầu như ở nhiều nơi khác.
Từ nay đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị đề ra các mục tiêu cụ thể đối với với kinh tế dược liệu như sau: Diện tích trồng cây dược liệu toàn tỉnh đạt 4.500 ha vào năm 2026. Trong đó có 1.000 ha trồng mới (200 ha trồng tập trung, 800 ha trồng dưới tán rừng); đạt 7.000 ha vào năm 2030 (2.500 ha trồng mới, bao gồm 1.000 ha trồng tập trung, 1.500 ha trồng dưới tán rừng). Phấn đấu đưa giá trị ngành hàng dược liệu tăng 1,5 lần vào năm 2026 và tăng 2-3 lần vào năm 2030.
Phát triển các chuỗi giá trị dược liệu Quảng Trị, các chuỗi cung ứng và sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao, ổn định về số lượng và chất lượng, giảm chi phí trung gian. Xây dựng mới và nâng cấp ít nhất 10 hợp tác xã, doanh nghiệp (HTX/ DN) tham gia sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu ở thời điểm 2026, trong đó có ít nhất 60% số HTX/DN hoạt động đúng luật và thêm 10 HTX/DN vào năm 2030. Có ít nhất 2 chuỗi được hình thành đến năm 2026 và có thêm 3 chuỗi đến năm 2030.
Phát triển ngành công nghiệp dược liệu Quảng Trị theo định hướng khách hàng: Các sản phẩm từ dược liệu được gia tăng giá trị, có khả năng cạnh tranh cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Các dịch vụ du lịch dược liệu thu hút khách hàng trong nước và quốc tế. Có ít nhất 1 doanh nghiệp chủ chốt trong tỉnh ở thời điểm 2026 và 4 doanh nghiệp chủ chốt vào 2030, mỗi doanh nghiệp chủ chốt phụ trách ít nhất một dược liệu chiến lược. Có ít nhất 1 mô hình doanh nghiệp cuối chuỗi có vốn góp của người trồng dược liệu vào năm 2026.
Tập trung tiếp thị dược liệu Quảng Trị: Các sản phẩm từ dược liệu của tỉnh được biết đến là sạch, chất lượng cao, minh bạch và được đưa đến khách hàng mục tiêu thuận lợi nhất. Có 20% số sản phẩm có thể truy xuất theo chuỗi vào năm 2026 và 80% vào năm 2030. Tỉ lệ khách hàng B2B theo chuỗi giá trị (có thỏa thuận, hợp đồng lâu dài)/tổng khách hàng chiếm ít nhất 30% vào năm 2026 và 60% vào năm 2030.
Về loài cây, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển 20 loài và 1 nhóm cây dược liệu, cộng đồng gọi là “dược liệu chủ chốt”, gồm: Nhóm 1 là cây dược liệu có quy mô lớn, phân bố ở nhiều tỉnh (cấp quốc gia). Cây dược liệu này có quy mô thị trường lớn, có thể xuất khẩu do tính đa dụng của chúng như tràm gió.
Nhóm 2 là cây có thế mạnh của tỉnh (cấp tỉnh): Cây dược liệu đặc thù của tỉnh là chè vằng. Nhóm 3: gồm 9 loài là các loài cây dược liệu đã được phát triển thành công trong tỉnh nhưng cũng được phát triển ở nhiều nơi trong nước, có quy mô thị trường hạn chế như nghệ, tràm 5 gân, sả, dây thìa canh, giảo cổ lam, sâm Bố Chính, cà gai leo, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo. Trong đó có 1 loài được ghi trong Danh mục 100 cây thuốc ưu tiên phát triển theo Quyết định số 3657/QĐ-BYT, ngày 20/8/2019 của Bộ Y tế (dây thìa canh).
Nhóm 4: gồm 9 loài là nhóm cây có thế mạnh cần tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá, từ đó làm căn cứ phát triển như quế, an xoa, bảy lá một hoa, hà thủ ô đỏ, khôi tía, sâm cau, đẳng sâm, sa nhân, lan kim tuyến. Nhóm 5 gồm nhóm cây đặc thù của cộng đồng (không xác định số loài) là các cây/con/sản phẩm của cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là cây thuốc đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô. Các cây/con này được chọn gắn với sản phẩm, theo chu trình OCOP.
Sản phẩm định hướng của kinh tế dược liệu tỉnh là các sản phẩm thuộc các ngành hàng OCOP (thực phẩm, đồ uống, dược liệu, lưu niệm – thủ công mỹ nghệ) và dịch vụ du lịch. DN, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng trọt, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các dịch vụ trên địa bàn tỉnh có liên quan đến 20 loài và 1 nhóm cây dược liệu cộng đồng được xem là chủ thể thực hiện kế hoạch này.
Kế hoạch tổng thể được chia thành 2 giai đoạn chính, trong đó giai đoạn 1, từ năm 2024 – 2026 tập trung hình thành hệ sinh thái và nền tảng cơ bản cho phát triển kinh tế dược liệu của tỉnh. Trồng thử nghiệm một số loài mới chưa được khẳng định phù hợp và có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh như quế, bảy lá một hoa…
Kết nối theo chuỗi giá trị, bước đầu hình thành ít nhất 1 trung tâm bảo tồn nguồn gen các loài cây chủ lực, từ đó chọn lọc và sản xuất giống. Giai đoạn 2, từ năm 2027-2030, tập trung vào việc mở rộng quy mô vùng trồng theo nhu cầu, các chuỗi và mối quan hệ đã được xây dựng; mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn tối thiểu (GACP-WHO), các tiêu chuẩn cao (Organic, Fairtrade); nâng cấp nhà xưởng; triển khai ứng dụng các công nghệ trong sản xuất và kinh doanh nhằm hạ giá thành và tăng hiệu quả kinh doanh theo định hướng bản đồ giá trị sản phẩm dược liệu. Xây dựng thương hiệu dược liệu Quảng Trị: Hoàn thiện các yếu tố trong bản đồ giá trị sản phẩm dược liệu Quảng Trị.
Tỉnh Quảng Trị cũng đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chính trong việc thực hiện chuyển đổi sang nền “kinh tế dược liệu”, bao gồm: Tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh khai thác các dư địa phát triển dược liệu quy mô lớn; lựa chọn cây dược liệu có thế mạnh; chuyển hướng từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu”; định hướng, định vị ngành hàng dược liệu Quảng Trị; hình thành hệ thống marketing trong phát triển ngành hàng dược liệu Quảng Trị; nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ quản lý và nhân viên hỗ trợ ngành hàng dược liệu Quảng Trị; xây dựng và duy trì hệ thống liên kết thẩm định điều kiện sản xuất – kinh doanh, giám định, kiểm nghiệm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu.
Đức Tân
Nguồn: https://baoquangtri.vn/quang-tri-dinh-huong-phat-trien-kinh-te-duoc-lieu-ket-hop-dich-vu-du-lich-nong-nghiep-190113.htm