Hôm nay 10/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” (Nghị quyết số 41). Các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: Trần Tuyền
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu trung ương và trực tuyến đến 4.322 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của trên 206.000 đại biểu.
Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 41.
Theo quan điểm của Nghị quyết số 41, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
Nghị quyết số 41 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Để đạt được những mục tiêu trên, có 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu triển khai thực hiện. Trong đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Được biết, ngày 9/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41; Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành Chương trình hành động số 08 – CTr/ĐĐ thực hiện Nghị quyết số 41.
Kết luận hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, ngành, địa phương sau hội nghị này, cần tiếp tục nghiên cứu, quán triển Nghị quyết số 41.
Đổi mới tư duy, tìm ra những nguyên nhân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới.
Bám sát nội dung Nghị quyết số 41 để cụ thể hóa, thể chế hóa các chính sách nhằm hướng tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, sự hài lòng của người dân. Quan tâm khuyến khích, biểu dương các tấm gương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí của mình trong tiến trình xây dựng Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh theo tinh thần thượng tôn pháp luật, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lâu dài của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Trần Tuyền