Mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp chăn nuôi đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao chính là “quả ngọt” mà anh Trần Văn Hạnh (sinh năm 1977), hiện đang sống tại thôn Lan Đình, xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị gặt hái được sau nhiều năm kiên trì và nỗ lực. “Tôi dành phần lớn thời gian của mình để nghiên cứu về các loại cây, con cũng như kỹ thuật nuôi, trồng chúng. Với tôi, làm nông nghiệp không chỉ để phát triển kinh tế mà còn là một niềm đam mê”, anh Hạnh chia sẻ.
Anh Hạnh chăm sóc đàn gà siêu trứng – Ảnh: T.P
Từng có thời gian làm việc ở miền Nam, tuy nhiên, niềm đam mê với nông nghiệp cứ thôi thúc, khiến anh quyết định quay về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Khi được hỏi về khoảng thời gian đầu khởi nghiệp, anh cho biết mình đã gặp không ít khó khăn. “Làm bất cứ việc gì tôi cũng nghiên cứu kỹ lưỡng, thế nên tôi mất khá nhiều thời gian, công sức để nuôi, trồng thử nghiệm một số loại cây, con trước khi quyết định xem có nên chăn nuôi, trồng trọt lâu dài hay không”, anh Hạnh nói.
Cách đây 10 năm, anh bắt tay vào nuôi gà thịt song không đạt hiệu quả như mong đợi bởi thời điểm bấy giờ, số lượng người nuôi gà thịt trên địa bàn tương đối nhiều nên thị trường tiêu thụ khó khăn. Giữa lúc chưa biết làm thế nào, anh Hạnh may mắn biết đến mô hình nuôi gà siêu trứng của một hộ dân duy nhất trong vùng. Thế là anh đến học hỏi kinh nghiệm rồi đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thử nghiệm 200 con gà siêu trứng.
Theo anh Hạnh, so với gà thịt, nuôi gà siêu trứng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn bởi loại gà này có sức đề kháng yếu, nếu không nuôi đúng kỹ thuật, gà dễ mắc bệnh, tỉ lệ đẻ trứng thấp, rất dễ thua lỗ. Sau khoảng 4,5 tháng chăm sóc, gà mới bắt đầu đẻ lứa trứng đầu tiên; tỉ lệ đẻ trứng đạt 100% vào tháng thứ 5 trở đi.
Sau 1,5 năm nuôi lấy trứng phải tái nuôi lứa mới thì mới đảm bảo trứng có chất lượng và hiệu quả nhất. Từ 200 con gà ban đầu, đến nay trại gà của gia đình anh có 500 con. Trung bình đàn gà này đẻ 300 trứng/ ngày, cao điểm đạt 400 trứng/ngày. Với giá bán 35.000 đồng/10 trứng, mô hình này mang lại cho gia đình anh doanh thu gần 400 triệu đồng/ năm, trừ chi phí lãi 150-170 triệu đồng/ năm. Bên cạnh trại gà, vợ chồng anh còn nuôi thêm lợn rừng, một số loại cá nước ngọt như rô đầu vuông, cá trê…
Là một người có niềm đam mê với nông nghiệp, anh Hạnh gần như không để mình có thời gian rảnh rỗi. Năm 2018, tận dụng diện tích 3 sào đất vườn, anh học hỏi mô hình trồng trọt từ Nam ra Bắc, mua 50 gốc bưởi da xanh từ nhà vườn uy tín về trồng.
Tuy nhiên, bưởi thường phải mất từ 3,5 – 4 năm mới ra trái nên anh quyết định trồng xen vài chục gốc ổi. Nhờ đó mà chỉ trong thời gian ngắn, khu vườn này đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh.
Anh Hạnh cho hay: “Trồng bưởi tuy không khó nhưng người trồng phải có kiến thức về loại cây trồng này thì cây mới cho năng suất và chất lượng cao. Đó là cây phải đảm bảo có đủ nước và dưỡng chất, đặc biệt, để tỉ lệ đậu trái cao người trồng phải chăm bón kỹ từ lúc cây chuẩn bị ra hoa, thường xuyên vun gốc, bón phân, tỉa cành, tỉa trái, đảm bảo sức cho cây phát triển vào vụ sau. Ngoài bưởi, anh còn trồng 100 gốc tiêu, 50 gốc sapoche, đu đủ… Mới đây, anh còn trồng thử nghiệm 30 gốc mít nghệ miền Tây.
Anh Hạnh cho hay: “Khu vườn này được xây dựng sau nhiều năm nỗ lực vun trồng nên tôi luôn tự hào về “gia tài” của mình. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học hỏi, nghiên cứu và áp dụng những phương thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế hơn cho gia đình, góp một phần nhỏ công sức xây dựng quê hương”.
Trúc Phương
Nguồn: https://baoquangtri.vn/qua-ngot-tu-dam-me-nong-nghiep-187597.htm