Đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí tại hội nghị trực tuyến ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực cấp tỉnh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều nay 31/12.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Phan Đình Trạc và các phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Trưởng Ban Nội Chính Tỉnh ủy Ly Kiều Vân; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị. |
Năm 2024, ngành Nội chính Đảng có nhiều nỗ lực, cố gắng, hoàn thành khá toàn diện các nhiệm vụ theo chương trình công tác đề ra. Trong đó, đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy sơ kết, tổng kết, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, quy định quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) và cải cách tư pháp. Đồng thời, hoàn thành xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương 10 đề án lớn về nội chính PCTNLPTC và cải cách tư pháp.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Hội nghị triển khai công tác ngành Nội chính Đảng năm 2025 – Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN
Đặc biệt, tập trung tham mưu chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc lĩnh vực nội chính, PCTNLPTC, nhất là tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo chuyển biến đồng bộ trong công tác PCTNLPTC ở Trung ương và địa phương. Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy chủ động theo dõi, đôn đốc và tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 513 vụ án, vụ việc, trong đó, có 391 vụ nổi cộm, phức tạp về an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, tích cực, chủ động nắm tình hình, tăng cường theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời tham mưu chỉ đạo, xử lý những vấn đề phức tạp nổi lên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nội chính, PCTNLPTC và cải cách tư pháp. Đồng thời tham gia thẩm định, tham gia ý kiến về công tác cán bộ và các đề án, văn bản liên quan đến công tác nội chính, PCTNLPTC và cải cách tư pháp. Trong năm 2024, Ban Nội chính Trung ương đã thẩm định, tham gia ý kiến đối với 98 đề án; các ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã thẩm định 867 đề án, tham gia ý kiến đối với 1.462 đề án
Ngành Nội chính đã làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp công dân; tham mưu giúp người đứng đầu cấp ủy tiếp và đối thoại với công dân. Năm 2024, Ban Nội chính Trung ương đã tiếp nhận, xử lý 10.519 đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo; ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy chủ trì, phối hợp giúp bí thư cấp ủy tổ chức 1.246 cuộc tiếp, đối thoại với 4.642 lượt công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Năm 2024 với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình KT – XH, QP – AN, đối ngoại… đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác nội chính PCTNLPTC được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Từ đó, niềm tin, sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên, người dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ tiếp tục được tăng cường.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược, “tai, mắt” của Đảng, ngành Nội chính tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTNLPTC. Ngành Nội chính và Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương của Đảng về nội chính, PCTNLPTC và cải cách tư pháp; tập trung nghiên cứu tham mưu, đề xuất, hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và đại hội của Đảng. Tham mưu chỉ đạo bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về thể chế nói chung và trong lĩnh vực PCTNLPTC nói riêng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.
Tập trung tham mưu, chỉ đạo triển khai, thực hiện quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá mạnh mẽ công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội. Xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên, làm ngay; trước mắt, rà soát các công trình, dự án tồn đọng, chậm tiến độ, gây thất thoát, lãng phí lớn…
Tham mưu, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn, cán bộ các cấp có thông tin dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Nâng cao hiệu quả hơn nữa các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm phòng ngừa từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Đặc biệt, ngành Nội chính cần khẩn trương rà soát, thực hiện tinh gọn bộ máy theo đúng kế hoạch tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương; xây dựng đội ngũ cán bộ Nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải thật sự bản lĩnh, “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Lê Minh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tong-bi-thu-to-lam-phong-ngua-tu-som-tu-xa-khong-de-vi-pham-nho-tich-tu-thanh-sai-pham-lon-190811.htm