Sáng nay 7/5, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổng cục An toàn sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG SANTE) của Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về phổ biến các quy định nhập khẩu nông sản thực phẩm nguồn gốc động thực vật vào thị trường EU.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: L.A
Tại hội nghị, đại diện DG SANTE đã giới thiệu 2 nội dung chính gồm các quy định nhập khẩu sản phẩm tổng hợp và một số biện pháp kiểm soát chính thức được EU đưa ra.
Cụ thể, gần đây EU đã đưa ra một số yêu cầu riêng biệt đối với sản phẩm tổng hợp (composite) nhập khẩu. Với quy định mới này thì quy định tỉ lệ phần trăm động vật trong sản phẩm chế biến sẽ không còn hiệu lực. Quy định mới ngặt nghèo hơn để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải nắm chắc để tránh rủi ro.
Cũng tại hội nghị, đại diện DG SANTE đã giới thiệu chi tiết, giải đáp thắc mắc về những quy định liên quan về vệ sinh, an toàn thực phẩm với sản phẩm tổng hợp, sản phẩm không có nguồn gốc động vật; các quy tắc về xuất xứ cũng như kế hoạch giám sát dư lượng trên sản phẩm tổng hợp, sản phẩm không có nguồn gốc động vật. Kèm theo là các biện pháp kiểm dịch dựa trên thông lệ quốc tế mà WTO ban hành.
Với các biện pháp kiểm soát, đại diện DG SANTE nhấn mạnh, mọi nhà cung cấp, nhập khẩu thực phẩm vào thị trường EU đều có trách nhiệm đảm bảo việc tuân thủ những biện pháp giảm thiểu, ngăn ngừa rủi ro với tần suất thích hợp.
Hiện EU chia sản phẩm nhập khẩu thành 2 loại: ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của phía bạn, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống.
Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao (chủ yếu có nguồn gốc động vật) sẽ cần nhiều biện pháp kiểm dịch, giám sát thú y. Tương ứng với mỗi loại rủi ro, EU sẽ đưa ra một cách giám sát khác nhau, như yêu cầu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp, tần suất kiểm tra tại cửa khẩu…
Được biết, DG SANTE là cơ quan thực thi các chính sách của EU về an toàn sức khỏe và thực phẩm. Những khuyến nghị, đề xuất của tổ chức này có tác động lớn đến toàn bộ 27 quốc gia thành viên.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Châu Âu đạt khoảng 5,3 tỉ USD. Đây là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Do đó, việc tìm hiểu những quy định về nhập khẩu của EU là hết sức quan trọng.
Lê An