Năm 2023 là một năm đầy thử thách, biến động của nền kinh tế nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực thì đây cũng là chính thời điểm mà các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tạo được dấu ấn tích cực trên lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Song song với các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại truyền thống, tỉnh đã và đang xây dựng chiến lược hỗ trợ các DN trên địa bàn ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp DN mở rộng thị trường, vươn ra biển lớn.
Tăng doanh thu nhờ tiếp cận thương mại điện tử
Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (Công ty An Xuân) có trụ sở tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, hiện đang liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương trồng cây dược liệu, chủ yếu là cà gai leo và chè vằng. Đến nay, công ty đã có hệ thống đại lý liên kết bán hàng rộng khắp trên cả nước.
Bà Trần Lê Quỳnh Diễm, Giám đốc Công ty An Xuân cho biết, mỗi năm công ty phân phối từ 20-30 nghìn sản phẩm ra thị trường, trong đó có hơn 40% đại lý phân phối sản phẩm thông qua các sàn giao dịch TMĐT.
“So với hoạt động mua bán truyền thống tại cửa hàng, mua sắm online tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn nhiều. Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn có thể thoải mái so sánh các sản phẩm, thương hiệu khác nhau, giá cả, chất lượng và trực tiếp trao đổi với người bán để hiểu rõ hơn về sản phẩm mình có ý định mua. Chưa kể, bên cạnh thị trường nội địa, chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới với các sàn TMĐT quốc tế giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hóa, dịch vụ trên toàn cầu. Hiện nay, chúng tôi chủ yếu thiết kế hình ảnh, thông tin để các đại lý có thể chủ động đưa lên kênh bán hàng online. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thị trường, đầu tư vào lĩnh vực TMĐT để mở rộng quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT quốc tế”, bà Diễm cho biết thêm.
Còn đối với Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản sạch Trần Lan của chị Trần Thị Lan ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, thay vì bán hàng theo cách truyền thống, hơn 3 năm nay, cơ sở sản xuất, kinh doanh của chị Lan đã thành lập một bộ phận truyền thông, bán hàng online qua các kênh như facebook, lazada, tiktok, zalo…
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp cận TMĐT, doanh thu của cơ sở liên tục tăng trưởng, trong đó doanh thu bán hàng qua các kênh TMĐT chiếm trên 50% tổng doanh thu hằng năm. Hiện nay, cơ sở Trần Lan cung cấp, vận chuyển hàng hóa gồm các sản phẩm như: bánh cốm gạo lứt mè quê, bột ngũ cốc cao cấp, bột gừng sấy lạnh, bột sen và bột tía tô sấy lạnh… cho hầu hết các cửa hàng nông sản sạch trong, ngoài tỉnh. Việc giao nhận, thanh toán cho khách hàng ở xa đều được tiến hành trực tuyến.
Chị Trần Thị Lan, chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản sạch Trần Lan giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với đối tác và người tiêu dùng thông qua hình thức trực tuyến – Ảnh: H.T
Theo chị Lan, sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, việc bán hàng trực tiếp gặp nhiều khó khăn, có thời điểm gián đoạn do thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh hay giãn cách xã hội. Chính vì vậy, để việc bán hàng thuận lợi, tiết kiệm chi phí, chị đã đẩy mạnh bán hàng online cũng như qua các kênh TMĐT, nhờ đó khách hàng dù ở xa vẫn có thể mua được sản phẩm một cách dễ dàng, nhanh chóng.
“Với ưu điểm không giới hạn về không gian, thời gian, giảm chi phí trong giao dịch và dễ dàng tiếp cận khách hàng mọi lúc, mọi nơi, việc kinh doanh qua TMĐT đang là xu hướng tất yếu được cơ sở chúng tôi ưu tiên. Đặc biệt, trong năm 2023, Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản sạch Trần Lan được tỉnh hỗ trợ xây dựng 1 website bán hàng để người tiêu dùng có thể truy cập, tạo thuận lợi cho việc kết nối, trao đổi, mua bán và tương tác với khách hàng”, chị Lan chia sẻ.
Để tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025, năm 2023, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch về phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng thị trường, nâng cao uy tín của DN và người tiêu dùng trong TMĐT; khuyến khích DN khởi nghiệp, ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nội dung thực hiện bao gồm các hoạt động như hỗ trợ ứng dụng TMĐT, phát triển các sản phẩm cho DN trên địa bàn tỉnh; vận hành, duy trì Sàn giao dịch TMĐT (https://quangtritrade.gov. vn), giúp sàn hoạt động tốt, ổn định, đáp ứng được nhu cầu của DN, người tiêu dùng; hỗ trợ DN trong tỉnh xây dựng và nâng cấp website TMĐT. Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hưng |
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số, khai thác TMĐT là giải pháp giúp DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng doanh thu. Trên các sàn TMĐT, khách hàng có thể biết rõ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, thông tin chi tiết về sản phẩm, chứng nhận về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an tâm hơn khi mua sắm hàng hóa… Qua đó, DN, nhà sản xuất cũng tiếp nhận lại thông tin phản hồi từ khách hàng một cách kịp thời hơn, trên cơ sở đó tiến hành cải tiến, điều chỉnh nhằm từng bước hoàn thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm của mình, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng hành với doanh nghiệp
Xác định TMĐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này hướng đến mục tiêu chính là đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận DN trong tỉnh; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN và của tỉnh; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Khách hàng tìm hiểu, mua sắm trực tuyến trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị – Ảnh: H.T
Kết quả sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, hoạt động TMĐT trên địa bàn đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến rõ nét.
Cụ thể, hạ tầng TMĐT ngày càng được mở rộng, nâng cấp; 100% cơ quan hành chính nhà nước, DN được kết nối internet tốc độ cao, giao dịch không sử dụng tiền mặt ngày một phát triển, quy mô thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng.
Ngoài sàn TMĐT của tỉnh, Quảng Trị hiện có 3.757 sản phẩm được đưa lên các sàn TMĐT Voso và Postmart (đứng thứ 6/19 tỉnh, thành trong khu vực), với 16.000 giao dịch được thực hiện trên các sàn TMĐT này. Ngoài ra, có 113.335 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; tỉ lệ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT đạt 55% (xếp thứ 4/19 tỉnh, thành trong khu vực).
Theo đánh giá của Sở Công thương, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH, tạo cơ hội để DN mở rộng thị trường, quảng bá, đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng hơn.
Tuy nhiên, từ sản xuất, kinh doanh truyền thống đến phát triển kinh doanh trực tuyến không phải là câu chuyện dễ dàng đối với nhiều DN hiện nay. Bởi dù là một “mảnh đất mới màu mỡ” song sự cạnh tranh từ kinh doanh trực tuyến cũng gay gắt không kém các kênh truyền thống. Điều này đòi hỏi DN phải có tiềm lực về kinh tế và hạ tầng công nghệ thông tin cũng như nguồn nhân lực giỏi, am hiểu về TMĐT.
Thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT; tăng cường đấu tranh chống hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh thông qua tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng TMĐT; tập trung giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm liên quan đến TMĐT.
Mặt khác, tỉnh tích cực xây dựng, triển khai các đề án hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia sàn thương mại lớn; hỗ trợ tập huấn, cung cấp kỹ năng, công cụ để DN quản trị tốt nội dung, quảng bá, marketing trên các website; tổ chức chuỗi cung ứng TMĐT cho các mặt hàng nông sản, xây dựng mối liên kết giữa các DN để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường.
Hà Trang