Sau gần 6 năm triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay toàn tỉnh đã có 138 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 43 sản phẩm 4 sao, 95 sản phẩm 3 sao. Bên cạnh việc xúc tiến, quảng bá tiêu thụ, các chủ thể cũng đã tập trung đầu tư nâng cấp sản phẩm OCOP theo chiều sâu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Các chủ thể OCOP thường xuyên được hỗ trợ tham gia các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại – Ảnh: L.A
Được thành lập năm 2019, Hợp tác xã (HTX) nông sản Khe Sanh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa được biết đến là một trong những mô hình OCOP tiêu biểu của tỉnh với 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là “Khe Sanh Coffee dạng bột 100% Arabica” và “Khe Sanh Coffee dạng hạt rang”.
Giám đốc HTX nông sản Khe Sanh Nguyễn Thị Hằng cho biết, nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sản xuất, kinh doanh cà phê, ngày từ khi thành lập, HTX đã cùng địa phương vận động nông dân từ bỏ lối canh tác cũ cùng thói quen thu hoạch cà phê xanh và ngâm nước. Thay vào đó là sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ, HTX sẽ bao tiêu cà phê bảo đảm chất lượng. Ngoài việc trồng mới, HTX còn tập trung hướng dẫn người dân đầu tư chăm sóc, tái canh và cải tạo diện tích cà phê lâu năm.
Theo bà Hằng, hiện nay HTX yêu cầu khi cây đạt 95% quả chín trở lên thì người dân mới được thu hái và không ngâm quả vào nước, không trộn tạp chất thì mới được HTX thu mua. Đến nay, HTX có 30 thành viên chính thức, 115 thành viên liên kết với 7 tổ nhóm cùng nhau xây dựng chuỗi cà phê sạch, khép kín với tổng diện tích gần 160 ha, sản lượng hằng năm đạt trên 2.000 tấn cà phê quả tươi. Ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 5 doanh nghiệp, doanh thu đạt trên 22 tỉ đồng/năm. “Đối với sản phẩm OCOP, hiện tại, sản phẩm Khe Sanh Coffee dạng bột 100% Arabica của HTX đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh thống nhất trình Bộ Nông nghiệp và PTNT đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao). Đây sẽ là cơ hội để nâng tầm và đưa cà phê Quảng Trị ngày càng vươn xa, có giá trị cao hơn”, bà Hằng cho hay.
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT), đến nay toàn tỉnh có 138 sản phẩm OCOP, trong đó: 43 sản phẩm 4 sao, 95 sản phẩm 3 sao. Có 76 chủ thể OCOP, trong đó: 21 chủ thể là HTX, 9 chủ thể là tổ hợp tác, 22 chủ thể là doanh nghiệp, 24 chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đã có 2 sản phẩm gồm Khe Sanh Coffee dạng bột 100% Arabica của HTX nông sản Khe Sanh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe cao cà gai leo của Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân được đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá, công nhận hạng 5 sao. Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hoàng Minh Trí khẳng định, chương trình OCOP đã giúp tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản xuất theo quy trình có kiểm soát chất lượng, minh bạch và chịu trách nhiệm. Nhiều sản phẩm OCOP là sản phẩm chủ lực của địa phương như cà phê, dược liệu… Qua đó, góp phần giải quyết việc làm nông thôn, phát triển kinh tế các địa phương, nâng cao mức sống cho nông dân. Việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP đã tạo động lực kích thích các chủ thể tích cực đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm.
Để nâng tầm các sản phẩm OCOP, tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các chủ thể trong việc tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm, chuẩn hóa vùng nguyên liệu và quy trình sản xuất, xúc tiến thương mại, phát triển cơ sở giới thiệu, bán hàng OCOP…
Theo ông Hoàng Minh Trí, để sản phẩm OCOP tỉnh phát triển, vươn xa hơn thì các chủ thể phải thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều. Áp dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng năng suất nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống của từng sản phẩm.
Đối với nâng hạng cho sản phẩm OCOP, bên cạnh sự chủ động, linh hoạt, mạnh dạn đầu tư, đổi mới quy trình sản xuất của các chủ thể, rất cần sự vào cuộc của địa phương trong việc hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ, duy trì và nâng hạng sản phẩm.
Về phía tỉnh, Chi cục PTNT đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng chiến lược, giải pháp thực hiện bám sát thực tiễn để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.
Phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị, tham quan, học tập kinh nghiệm để chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản phẩm OCOP hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia chương trình OCOP.
Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP dựa trên cơ sở quy hoạch chung tỉnh về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, tạo cơ hội thu hút các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm OCOP, hình thành các chuỗi giá trị.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi loại hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác sang thành lập doanh nghiệp, HTX. Từng bước chuẩn hóa sản phẩm theo chu trình OCOP thường niên. Lựa chọn những sản phẩm tiềm năng 5 sao để nâng cấp, hỗ trợ trình Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các chủ thể trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ, du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho các sản phẩm OCOP.
Tiếp tục tham mưu tỉnh có những chính sách đặc thù phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, vừa gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa tạo sức bật cho các sản phẩm OCOP vươn xa.
Lê An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/phat-trien-san-pham-ocop-theo-chieu-sau-187975.htm