Thực hiện chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), trong giai đoạn 2021-2023, HĐND tỉnh ban hành 10 nghị quyết hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh những kết quả tích cực từ các chính sách hỗ trợ mang lại cho người dân, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã nảy sinh những tồn tại, vướng mắc cần có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Mô hình nuôi bò lai theo hướng chuyên thịt thâm canh ở xã Hải Trường, huyện Hải Lăng được hỗ trợ theo Nghị quyết 162 của HĐND tỉnh – Ảnh: T.T
Ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 100/2022/NQ-HĐND (Nghị quyết 100) Quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025. Qua hai năm triển khai thực hiện, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị, đến quý IV/2023, doanh số cho vay gần 4,3 tỉ đồng, tuy nhiên chưa có địa phương nào giải ngân được nguồn vốn cấp bù lãi suất hỗ trợ các chủ thể đủ điều kiện vay vốn.
Năm 2024, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Văn Quỹ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng xây dựng đề án mở rộng sản xuất 10 ha lúa hữu cơ với hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo đó, HTX chủ động cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX tham gia sản xuất. Để thực hiện được mô hình này, HTX cần nguồn vốn ban đầu khoảng 500 triệu đồng. Với tổng số vốn vay này, theo chính sách của Nghị quyết 100, HTX sẽ được hỗ trợ cấp bù lãi suất là 30 triệu đồng. Đến nay, HTX vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để được vay vốn và gặp không ít khó khăn.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Văn Quỹ Nguyễn Đức Toàn cho biết: “HTX Văn Quỹ là đơn vị đầu tiên đăng ký thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết 100. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là HTX đang gặp phải là không có tài sản chung để thế chấp vay vốn ngân hàng. Chúng tôi rất mong muốn được các cấp, ngành, các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để HTX có thể được tín chấp bằng các dự án hoặc tài sản sẵn có, thay vì phải tín chấp bằng tài sản cá nhân”.
Một trong những khó khăn khi triển khai thực hiện Nghị quyết 100 ở các địa phương trong tỉnh là phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình, trang trại đều đã vay ngân hàng theo hình thức thế chấp hiện còn dư nợ tại ngân hàng thương mại nên không thể thực hiện vay mới để hưởng lợi đối với chính sách này.
Nhiều hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng không có tài sản thế chấp theo điều kiện vay của ngân hàng. Mặc dù đã được triển khai đến các địa phương nhưng việc tiếp cận chưa đầy đủ, việc tuyên truyền rộng rãi cho người dân còn hạn chế, tiến độ triển khai chính sách còn chậm.
Không chỉ riêng với thực hiện Nghị quyết 100, trong thời gian qua, các nghị quyết của HĐND tỉnh hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Cụ thể, đối với Nghị quyết số 160/2021/NQHĐND (Nghị quyết 160) ngày 9/12/2021 quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, việc tuyên truyền vận động người chăn nuôi chấm dứt hoạt động chăn nuôi, di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc không sử dụng loa phát âm thanh (đối với cơ sở nuôi chim yến) trong khu vực không được phép chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Một số địa phương chưa bố trí được quỹ đất để thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi. Mặt khác, tại khu vực không được phép chăn nuôi hầu hết là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, từ khi Nghị quyết số 160 có hiệu lực thi hành phần lớn các hộ chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi lựa chọn giải pháp chấm dứt hoạt động chăn nuôi.
Đối với Nghị quyết số 162/2021/NQHĐND ngày 9/12/2021 quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2023 là hơn 15,5 tỉ đồng. Bên cạnh hiệu quả tích cực mà chính sách đem lại, vẫn còn có những bất cập trong quy định chính sách hỗ trợ.
Đơn cử, đối với hỗ trợ phát triển lúa hữu cơ, chính sách quy định hỗ trợ tối đa không quá 2 vụ liên tiếp cho 1 vùng sản xuất. Tuy nhiên, trong tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 2 vụ đầu tiên năng suất thường thấp hơn sản xuất truyền thống, hiệu quả kinh tế không chênh lệch so với canh tác thông thường nên chưa khuyến khích người dân tham gia.
Từ vụ thứ 3 trở đi, khi đất đã được cải tạo năng suất lúa tăng, hiệu quả kinh tế mang lại khá tương xứng với chi phí đầu tư thì chính sách không áp dụng hỗ trợ. Nghị quyết cũng quy định giới hạn cây trồng chủ lực được hỗ trợ gồm cam, bưởi, bơ, chanh leo nên một số huyện có cây chủ lực chiếm tỉ lệ lớn như cây chuối của huyện Hướng Hóa không được thụ hưởng chính sách. Đối với việc hỗ trợ chăn nuôi bò chuyên thịt thâm canh chỉ giới hạn hỗ trợ mỗi năm 5 mô hình, trong khi nhu cầu đăng ký từ người dân rất lớn nên chưa đáp ứng với nhu cầu của người dân…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe, để các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả hơn nữa, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT đến với người dân, doanh nghiệp, HTX để được tiếp cận, thụ hưởng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo đạt các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Phải khẳng định các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của HĐND tỉnh ban hành góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu ngành nông nghiệp đề ra. Nhờ có các chính sách hỗ trợ, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể.
Tuy nhiên, để nghị quyết phù hợp với nhu cầu thực tiễn, cần có sự tổng kết, đánh giá lại những nội dung hỗ trợ thiết thực hiệu quả, những nội dung chưa sát thực tế, vai trò, trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng chính sách… Từ đó đề xuất xây dựng chính sách mới sát với nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thanh Trúc