Hôm nay 28/5, tại huyện Triệu Phong, Sở LĐ,TB&XH phối hợp với UBND huyện Triệu Phong tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng dự buổi lễ.
Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Trẻ em hôm nay – thế giới ngày mai”. Chính vì vậy, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước ta. Dành mọi sự ưu tiên cho trẻ em là quan điểm chỉ đạo đồng thời là hành động xuyên suốt trong các giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng và lãnh đạo huyện Triệu Phong tặng quà chỏ trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em 2024 – Ảnh: N.T.H
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án của quốc gia về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, hướng tới đảm bảo các quyền của trẻ em để phát triển toàn diện, có cuộc sống an toàn, lành mạnh.
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu cho trẻ em của tỉnh đã được xã hội hóa ngày càng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để thực hiện tốt những hoạt động trong dịp hè và Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh trong toàn tỉnh cần tiếp tục phát huy hơn nữa những mặt làm được, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được nhận diện trong thời gian vừa qua.
Đặc biệt, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nâng cao nhận thức của mọi người về trách nhiệm bảo vệ chăm sóc trẻ em; lên tiếng tố cáo, thông báo cho các cơ quan chức năng các nguy cơ và hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
Đồng thời, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng ngừa, góp phần hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí kinh phí và tăng cường huy động nguồn lực xã hội để tập trung hỗ trợ giúp đỡ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Tăng cường xã hội hóa xây dựng các công trình bể bơi, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em; chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn” và “Cộng đồng an toàn” cho trẻ em.
Tiến hành rà soát, cải tạo tốt môi trường tự nhiên – xã hội, khắc phục, loại bỏ các điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, giao thông, rơi ngã và nơi có nhiều yếu tố gây ra xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
Các cấp, các ngành cần tổ chức nhiều hoạt động trong dịp hè trên địa bàn dân cư nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em, như các hoạt động vui chơi, giải trí, tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ trẻ em, mở hội thi tìm hiểu về quyền trẻ em…
Đặc biệt, cần hạn chế tối đa tình trạng trẻ bị tai nạn thương tích, bị đuối nước trong dịp nghỉ hè do thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ của gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng.
Quảng Trị có 182.399 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 29% dân số; trong đó có trên 20.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 34.000 trẻ em sống ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số.
Theo rà soát, báo cáo của các ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc đối tượng trợ giúp xã hội của Nhà nước được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ theo quy định và được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng. Các chính sách trợ giúp cho các đối tượng trẻ em nghèo, trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện tốt.
Tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm giảm; các vụ việc vi phạm quyền trẻ em được giải quyết kịp thời. Đời sống vật chất, tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay tỉ lệ trẻ em sống trong hộ nghèo và cận nghèo còn cao; các thiết chế văn hoá phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu thốn. Tình hình tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em, trẻ em tảo hôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, đuối nước và các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường đang diễn ra với tính chất, mức độ có chiều hướng gia tăng và phức tạp, để lại nhiều nỗi đau và hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và xã hội…
Những vấn đề trên gây nhức nhối trong xã hội, trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, nên chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện; đồng thời, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn thương tích, đuối nước…
Thanh Hải