Với sự kiên trì, tích cực học hỏi để chuyển đổi sản xuất theo hướng liên kết, tại huyện Vĩnh Linh, nhiều nông dân đã lập nghiệp thành công với mô hình trang trại tổng hợp. Có thể kể đến như anh Lê Phước Tuấn (sinh năm 1981), ở khu phố Hữu Nghị, thị trấn Hồ Xá hiện đang là chủ trang trại tổng hợp gần 10 ha đa cây, đa con mang lại thu nhập cao.
Mô hình chăn nuôi bò nhốt trong trang trại tổng hợp của anh Lê Phước Tuấn -Ảnh: N.T
Sau thời gian đi lao động tại Hàn Quốc, năm 2018 trở về quê hương lập nghiệp, anh Tuấn đầu tư nguồn vốn ban đầu khoảng 1,2 tỉ đồng để tích tụ ruộng đất bằng việc thu mua các rừng cây cao su, tràm và nhiều diện tích ruộng, đất hoang hóa tại thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy.
Từ quỹ đất này, anh từng bước cải tạo, quy hoạch xây dựng nên trang trại tổng hợp gồm có: 7 ha cao su tiểu điền, 2 ha tràm, 0,5 ha ruộng trồng lúa nước, nuôi 10 con bò sinh sản và 0,3 ha ao nuôi cá nước ngọt.
Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, anh Tuấn cho biết: “Làm mô hình tổng hợp thì nên tính toán, lựa chọn các loại cây trồng, con nuôi phù hợp để có thể lấy ngắn nuôi dài, quay vòng vừa chủ động được nguồn vốn, vừa giảm thiểu rủi ro nếu thị trường biến động về giá cả. Đặc biệt phải chú ý quản lý chặt chẽ đối với khâu nhập giống, phòng trừ dịch bệnh, nhất là khi ngày càng xuất hiện nhiều dịch bệnh trên một số loại cây trồng, vật nuôi truyền thống”.
Trang trại tổng hợp được anh Tuấn thiết kế hợp lý để mô hình rừng – ao – chuồng – ruộng liên kết; tận dụng, xử lý nguồn chất thải chăn nuôi làm phân bón cho trồng trọt nên giảm được nhiều khoản chi phí và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Quá trình sản xuất, anh Tuấn tuân thủ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó các loại cây trồng, vật nuôi đều phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng ổn định.
Theo anh Tuấn, hiện nay tại trang trại, 2 ha tràm đã cho khai thác 1 lần. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, 2.600 gốc cây cao su cho thu nhập khoảng 240 triệu đồng; mô hình nuôi bò sinh sản xuất bán 10 con bò giống, thu gần 80 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn có thêm nguồn thu từ lúa, cá… ước tính mỗi năm trang trại mang lại cho gia đình anh trên 350 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình của hộ anh Lê Phước Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hồ Xá Nguyễn Thị Lý cho biết thêm: “Mô hình nông – lâm kết hợp của anh Tuấn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn góp phần tạo việc làm cho gần 10 lao động thường xuyên.
Đây là một trong những mô hình điểm được Hội Nông dân thị trấn Hồ Xá tích cực hỗ trợ. Hội đã tổ chức nhiều đợt tham quan để cán bộ, hội viên rút kinh nghiệm, khuyến khích những hộ có nhu cầu, điều kiện phù hợp học tập, nhân rộng”.
Mạnh dạn đầu tư làm nông nghiệp truyền thống một cách quy mô, tạo ra sản phẩm hàng hóa, những nông dân như anh Lê Phước Tuấn đã khai thác, phát huy tốt tiềm năng về điều kiện tự nhiên, phục vụ sản xuất hiệu quả.
Từ đó góp phần thúc đẩy, phát triển nông nghiệp khu vực nông thôn theo hướng đa dạng, bền vững hơn. Không dừng lại ở đây, anh Tuấn đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng, phát triển trang trại.
Qua tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi dê núi và lợn rừng thương phẩm mang lại hiệu quả tại những vùng gò đồi như trang trại của gia đình nên anh Tuấn dự định sẽ nuôi thêm 2 đối tượng vật nuôi này trong thời gian tới.
Nguyễn Trang