Có thể thấy, tiếp theo mạch nguồn của nền văn học cách mạng thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ với phần lớn được tạo nên từ đề tài chiến tranh và người lính, khi bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đánh dấu bằng chiến thắng ngày 7/1/1979, một dòng văn học cách mạng nữa ra đời. Nhà thơ Lê Minh Quốc, một cựu chiến binh đã từng cầm súng chiến đấu và sống những năm tháng thanh xuân trên đất nước Chùa Tháp, trong lời tựa cuốn hồi ức chiến tranh: “Mùa chinh chiến ấy” của nhà văn Đoàn Tuấn, đã gọi những hồi ức, hồi ký, bút ký… viết về chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia những năm tháng ấy là dòng văn học “Đất bên ngoài Tổ quốc”.
Một số tác phẩm viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia -Ảnh: Đ.T
Tôi có may mắn được gửi tặng, tìm đọc một số tác phẩm hồi ức, hồi ký, bút ký được dư luận đánh giá là xuất sắc, có vị trí quan trọng trong số các tác phẩm viết về chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia của Đoàn Tuấn, Văn Lê, Trung Sỹ, Nguyễn Vũ Điền, Bùi Thanh Minh, Hà Minh Sơn… Qua những tác phẩm này, các tác giả đã ghi lại chân thực cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh và khắc họa hình tượng cao đẹp của “Đội quân nhà Phật” đến từ Việt Nam đã lấy xương máu mình cứu giúp dân tộc Campuchia thoát họa diệt chủng. Một dòng văn học xúc động, chân thực và lấp lánh đến mức, nói như đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng trong lời giới thiệu cuốn tự truyện “Nam chinh Bắc chiến” của cựu chiến binh Hà Minh Sơn: nếu không phải là người trong cuộc, không cầm súng đối mặt với kẻ thù, không trực tiếp băng bó cho thương binh và nhiều lần mai táng cho đồng đội, thì không thể có những trang viết sống động và thuyết phục như thế. Bởi vậy, rất nhiều dòng chữ của Hà Minh Sơn không chỉ có mồ hôi mà còn cả máu và nước mắt!
Ngay khi phát hành lần đầu tiên vào năm 2017, hồi ức chiến tranh “Mùa chinh chiến ấy” của Đoàn Tuấn đã tạo một ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả, đặc biệt là các cựu chiến binh Sư đoàn 307 – đồng đội của nhà văn. Tác phẩm này được coi là một trong những tập bút ký xuất sắc, đã tái hiện hết sức chi tiết và chân thực về cuộc sống, chiến đấu đầy gian nan, thử thách và rất nhiều hy sinh của người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia. Nét đặc biệt trong các tác phẩm của Đoàn Tuấn là ở “chất lính”. Ông viết về chiến tranh, chân thực đến nghiệt ngã, dù trần trụi, đau đớn nhưng vẫn lạc quan, thấm đẫm tình người, tình đồng chí, không một dòng bi lụy. Với mỗi trang sách của Đoàn Tuấn được viết ra, chính là để “không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”, dù chiến tranh có lùi xa bao nhiêu năm đi nữa.
Hãy đọc những dòng của Đoàn Tuấn trong “Mùa chinh chiến ấy” viết về sự hy sinh của đồng đội khi đánh vào sân bay Stung Treng: “Gặp sân bay, chúng tôi dàn trận…Tôi đang ngó nghiêng thì có lệnh nổ súng. Nhìn sang bên phải, thấy lính trinh sát trung đoàn đang lừng lững tiến vào. Đi đầu là Châu, lính Hà Nội, nhà ở khu Bách Khoa. Tôi nhận ra Châu vì trên trán nó có vết chàm đỏ. Mấy ngày không gặp địch nên lính ta rất chủ quan. Châu vẫn để AK trên vai, như đi vào chỗ không người. Bỗng Châu trúng đạn. Một viên vào giữa trán. Nó ngã xuống. Vị trí của tôi cách đó không xa. Chỗ tôi lại cao nên nhìn thấy hết. Ngay lập tức, hướng tôi, anh Khai ra lệnh nổ súng…Tôi thấy anh Khai vòng sang trái. Tôi chạy theo vì nghĩ, thông tin phải bám sát chỉ huy. Bỗng anh Khai kêu lên: “Nó đây rồi, bắt sống lấy nó!”. Vừa dứt lời, một loạt đạn nổ trúng ngực anh Khai. Anh gục xuống…Hôm đó là ngày 4 tháng Giêng năm 1979”.
Nếu “Mùa chinh chiến ấy” là những ghi chép về một thời tuổi trẻ nhuốm màu chiến tranh với những câu chuyện đời thường đầy chất lính về tình yêu, tình bạn, tình đồng đội,… thì bút ký “Mùa linh cảm” của Đoàn Tuấn là 18 chân dung đồng đội của nhà văn mà mỗi người họ “dù trong thâm tâm biết mình sẽ chết, nhưng họ vẫn bình tĩnh đón nhận. Họ điềm nhiên đi vào cái chết như một lẽ thường tình. Không phải một người, mà nhiều người đã ra đi như thế. Họ không run sợ. Họ không đào ngũ. Họ không tìm cách trốn tránh, tụt tạt lại tuyến sau. Họ đã chết. Đó là những người dũng cảm nhất. Trẻ nhất. Đẹp nhất. Hình ảnh họ mãi mãi sáng ngời trong tâm trí chúng tôi”.
Trong bút ký “Rừng khộp mùa thay lá”, nguyên thiếu tá Nguyễn Vũ Điền, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ năm 1978- 1980 lại có những dòng ghi lại hồi ức về tình quân dân thắm thiết giữa tác giả và bà mẹ Campuchia: “Một hôm tôi bị cảm, sốt cao và không sao ăn được, y tá đơn vị đã cho thuốc nhưng uống vẫn không khỏi. Bà đi chợ qua, ghé chỗ chúng tôi xin nước uống. Thấy tôi nằm li bì, bà hỏi thăm rồi nói với anh em lấy cho bà một lọ dầu xoa để bà cạo gió cho tôi. Bà bắt tôi cởi trần, nằm sấp xuống sàn gỗ, rồi bà lấy dầu xoa, dùng đồng bạc cạo dọc xương sống và các giẻ xương sườn. Mấy hôm sau thì tôi khỏi sốt. Một hôm tôi nói đùa với bà xin một miếng vải may quần. Hôm sau bà đi chợ về, đội cả chồng vải đủ màu vứt uỵch xuống sàn gỗ rồi bảo: “Mẹ cho mày miếng vải. Chọn đi, thích màu nào cũng được”. Một miếng vải quần khi đó mang từ Thái Lan về bán tại chợ Svay Chek có giá một chỉ vàng nên tôi không dám nhận, nhưng bà bắt tôi phải chọn…”.
Trong hồi ức “Chuyện lính Tây Nam” của Trung Sỹ, tên thật là Xuân Tùng, nguyên là trung sĩ thông tin thuộc Tiểu đoàn bộ binh 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đổ chế độ diệt chủng từ năm 1978 đến năm 1983 đã kể về những cơn khát vào mùa khô nơi rừng khộp: “Một ngày khát nước gần chết lả đi, như nhiều ngày khác, chúng tôi tìm thấy một hủm nước trong vắt giữa lòng suối cạn, bên bờ rặng le ngả bóng xanh om. Anh em xô vào tranh nhau giải khát và lấy nước tích trữ nên vũng nước cạn dần. Đến lượt mình, tôi vục mũ đưa lên miệng làm một hơi bất tận. Nước mát lạnh và ngọt thắt làm dịu lại cơn bỏng cháy ngực. Khi vục bi đông lấy nước dự trữ, tôi thấy vật gì trăng trắng dưới đáy. Định thần nhìn kỹ lại, thì đó là chiếc đầu lâu người trắng nhờ, đang nhìn đời bằng hai hốc mắt vô hồn mọc đầy rêu… Chúng tôi vẫn uống, và chẳng ai đổ bi đông nước của mình đi. Đằng nào thì cũng đã vào bụng. Dẫu sao dùng thứ nước thánh này còn hơn là dùng nước đái…”.
Trong lời kết của “Chuyện lính Tây Nam”, Trung Sỹ đã lý giải sự ra đời của cuốn sách là từ thôi thúc cuộn trào bên trong, sự thôi thúc từ ký ức đằm sâu mà chỉ những đồng đội sống chết cùng nhau nơi chiến trường gian khổ mới thấu hiểu: “Tôi trở về, bước lên bậc thềm nhà đúng chiều 23 Tết Quý Hợi 1983 sau hơn bốn năm rưỡi dọc dài trên các nẻo chiến trường đất nước Chùa Tháp đầy hy sinh, gian khổ với rất nhiều bạn bè đồng đội tôi đã không trở về. Cuộc sống làm ăn xô cuốn, nhưng những gương mặt thân quen ấy nhiều đêm trở lại. Tên các anh em vẫn luôn được nhắc trong những ngày kỷ niệm, trong hàn huyên lính cũ bên cốc bia hơi vỉa hè hàng phố. Chính họ đã nhắc tôi kể lại câu chuyện Tây Nam này. Tên tuổi các anh em tôi giữ nguyên không đổi, như là họ vẫn sống trên đời này”.
Trong những ngày đất nước đang kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng 7/1 (1979- 2024), đọc lại những tác phẩm dòng văn học “Đất bên ngoài Tổ quốc”, chúng ta càng trân trọng hơn giá trị to lớn của hòa bình, coi trọng xây đắp tình hữu nghị, hợp tác, phát triển với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, như 45 năm trước, nơi chiến trường Campuchia gian khổ, người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã cảm nhận hạnh phúc đang đến từ một điều dung dị, đơn sơ, thấm đẫm khát vọng hòa bình: “Dường như hạnh phúc đang phủ xuống chúng tôi một giấc ngủ lành, không còn thấp thỏm chờ nghe một tiếng gọi gác đêm”… (Chuyện lính Tây Nam- Trung Sỹ).
Đan Tâm