Chủ trương của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, quyết tâm đạt trên 8% trong năm 2025 là một hướng đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có một chiến lược đồng bộ, tập trung vào cải cách thể chế, phát triển hạ tầng, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo ổn định vĩ mô, hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng bền vững và tự cường.
Khu công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh -Ảnh: Đ.T
Đối với tỉnh Quảng Trị, thực hiện Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tại Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/1/2025 và Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 738-KL/TU ngày 18/2/2025 và HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 20/2/2025 về điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.
Theo đó, điều chỉnh lại một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu so với ban đầu, cụ thể: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8% so với năm 2024; GRDP bình quân đầu người đạt từ 89,7 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 32.800 tỉ đồng và tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 1,5%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn và nặng nề bởi mức tăng trưởng bình quân của tỉnh trong giai đoạn 2021-2024 là 6,6% và năm cao nhất (năm 2022) cũng chỉ đạt 7,15%.
Vì vậy, cần tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao và nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế và Nhân dân nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn; khơi thông nguồn lực; phát huy các tiềm năng, lợi thế; tìm kiếm các dư địa; khai thác thêm các động lực tăng trưởng mới để tạo sức mạnh tổng hợp, bảo đảm thực hiện hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Trong đó, cần chú trọng tập trung vào những giải pháp quan trọng sau đây:
Thứ nhất là về cơ chế, chính sách và quy hoạch: Tỉnh tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, gắn với việc phân cấp, phân quyền hiệu quả. Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển bền vững. Hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chung tại các khu kinh tế trọng điểm như Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Thứ hai là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là các công trình trọng điểm như Cảng hàng không Quảng Trị, Khu bến cảng Mỹ Thủy, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây, Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Nhà máy LNG Hải Lăng, các công trình thuộc Dự án BIIG2… để tạo ra giá trị tăng thêm cho ngành công nghiệp – xây dựng, tăng thu ngân sách và tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Việc giải ngân nhanh vốn đầu tư công sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh, kích hoạt và thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Để làm được điều này, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo dự án động lực tỉnh, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, Tổ Công tác đặc biệt của UBND tỉnh. Tập trung rà soát, phân loại các khó khăn, vướng mắc (về cơ chế, chính sách, quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, vật liệu đất đắp và vật liệu xây dựng,…) để chỉ đạo, phân công từng sở, ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ, xử lý kịp thời, phù hợp và triệt để.
Mạnh dạn gỡ bỏ các rào cản hành chính trong việc cấp phép xây dựng, đấu thầu khai thác mỏ và giải phóng mặt bằng để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tích cực, chủ động hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đúng kế hoạch.
Thứ ba là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính và chuyển đổi số, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý và sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Tăng cường thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án nhanh sinh lợi như các nhà máy chế biến nông sản, khu du lịch sinh thái quy mô vừa và nhỏ, trung tâm logistics phục vụ cảng biển. Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp về thủ tục pháp lý, ưu đãi thuế và đất đai để đẩy nhanh tiến độ khởi công và vận hành. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chuyên đề, tập trung kêu gọi doanh nghiệp FDI và tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến tăng trưởng.
Thứ tư là quyết liệt và mạnh dạn thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất. Nhất là việc giảm thuế, phí cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ lực như công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản và năng lượng tái tạo. Cung cấp gói tín dụng ưu đãi ngắn hạn, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất thấp để đầu tư vào sản xuất. Phát huy hiệu quả thực chất của đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết ngay các vấn đề về thủ tục hành chính, lao động và thị trường.
Thứ năm là đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, đảm bảo chuỗi giá trị bền vững. Ngành công nghiệp sẽ được phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo và sản xuất công nghiệp.
Đặc biệt, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn. Thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử như Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương để thu hút du khách. Thực hiện các giải pháp về kích cầu tiêu dùng và du lịch; tổ chức các sự kiện, lễ hội quy mô lớn như Festival du lịch biển, hội chợ thương mại quốc tế để thu hút du khách và tăng chi tiêu trong tỉnh.
Tăng cường quảng bá du lịch trên nền tảng số, hợp tác với các công ty lữ hành để tăng lượng khách trong nước và quốc tế. Ban hành các gói kích cầu tiêu dùng, giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng nội địa. Tích cực quảng bá, liên kết phát triển du lịch với các địa phương khác, tận dụng tối đa lợi thế địa lý và tiềm năng du lịch biển, đảo,…
Mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là một thách thức lớn đối với Quảng Trị. Nhưng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ cải cách thể chế, đẩy nhanh đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế số đến nâng cao năng suất lao động sẽ là “chìa khóa” giúp Quảng Trị bứt phá mạnh mẽ. Nếu thực hiện thành công, Quảng Trị không chỉ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng mà còn đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Lê Văn Úy
Nguồn: https://baoquangtri.vn/nhung-giai-phap-de-quang-tri-thuc-hien-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-8-trong-nam-2025-191872.htm