Thời gian qua, hoạt động thương mại biên giới giữa Quảng Trị với các tỉnh láng giềng của nước CHDCND Lào có chung đường biên giới đất liền như Savannakhet và Salavan ngày càng được chú trọng. Mặc dù hoạt động này đạt nhiều kết quả song vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp và thông thoáng hơn để đẩy mạnh phát triển KT-XH và giao lưu giữa các tỉnh hai bên biên giới Việt – Lào.
Hạ tầng giao thông ở Cửa khẩu quốc tế La Lay vẫn chưa đồng bộ – Ảnh: Đ.V
Hoạt động thương mại biên giới thời gian qua của thương nhân đều tập trung tại hai Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay. Tổng kim ngạch hai chiều qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến tháng 7/2023 đạt gần 2 tỉ USD với gần 1 triệu lượt phương tiện xuất nhập cảnh, gần 2 triệu lượt hành khách qua lại và hơn 6 triệu tấn hàng hóa.
Trong đó năm 2023, tổng kim ngạch hai chiều qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh đạt 653 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại các cửa khẩu phụ, các hoạt động mua bán hàng hóa chưa thực hiện được vì theo Luật Quản lý ngoại thương: hoạt động thương mại biên giới được thực hiện qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Trong trường hợp hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, UBND tỉnh có biên giới quyết định, công bố danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện.
Từ tháng 11/2023, Công ty TNHH MTV Tôn Quang Ánh ở Hướng Hóa được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý để hỗ trợ bà con cư dân hai bên biên giới trao đổi, vận chuyển hàng nông sản qua cửa khẩu phụ Thanh, huyện Hướng Hóa. Nông sản của người dân phía Lào được vận chuyển đến biên giới và thực hiện hạ tải hàng hóa ngay tại Trạm kiểm soát biên phòng Thanh, phương tiện của phía Việt Nam hỗ trợ vận chuyển hàng hóa trên đến nơi tiêu thụ, không thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh đối với các phương tiện.
Ông Võ Quang Ánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tôn Quang Ánh cho biết, do chưa có cầu bắc qua sông Sê Pôn nên quá trình vận chuyển nông sản từ Lào về gặp nhiều khó khăn. Nếu thời tiết bất lợi thì hoạt động vận chuyển phải ngưng trệ trong vài ngày.
Ông Ánh cho biết thêm: “Đơn vị chúng tôi không chọn vận chuyển nông sản về theo Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vì khoảng cách xa sẽ đội chi phí lên cao, ngoài ra do đường hư hỏng sẽ làm giảm chất lượng tinh bột. Nên chúng tôi chọn vận chuyển nông sản bằng đường sông qua cửa khẩu phụ. Chúng tôi mong muốn thời gian tới chính quyền hai tỉnh, hai nước sớm nghiên cứu xây dựng cầu qua cặp cửa khẩu này”.
Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh, Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh cho biết: “Việc qua lại, giao thương hai bên biên giới với đặc thù là phải qua sông nên ảnh hưởng rất lớn đến đi lại, bốc dỡ hàng hóa lên thuyền. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất các cơ quan chức năng có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng cầu qua cửa khẩu phụ Thanh để thuận lợi cho người dân buôn bán, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn”.
Mặc dù quan hệ hợp tác thương mại biên giới giữa Quảng Trị với tỉnh Savannakhet, Salavan có những bước phát triển mới nhưng vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Thứ nhất là việc mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới qua các cặp cửa khẩu phụ quy mô còn nhỏ lẻ, mức độ đơn giản, chủ yếu là nhu yếu phẩm như hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng từ Việt Nam qua và nông sản như sắn, chuối, vỏ bời lời từ Lào về.
Thứ hai, việc phát triển hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu tại một số khu vực còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên là do kết cấu hạ tầng giao thông các địa bàn biên giới chưa được đầu tư đồng bộ. Một số doanh nghiệp có tâm lý e ngại đầu tư vào khu vực biên giới. Công tác đầu tư, quản lý nâng cấp cửa khẩu biên giới chưa theo kịp nhu cầu giao thương giữa các tỉnh giáp biên.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Savannakhet Khăm Phủi Xỉ Bun Hương cho biết: “Chủ trương phát triển các cửa khẩu phụ giáp với Quảng Trị được tỉnh Savannakhet rất ủng hộ. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng cửa khẩu, nhất là đường vào các cửa khẩu phụ phía Lào chủ yếu bằng đường đất. Việc sửa chữa, nâng cấp gặp nhiều khó khăn. Trụ sở của các đơn vị như kiểm dịch, công an… tại khu vực này vừa nhỏ hẹp vừa xuống cấp. Chúng tôi cần nhiều sự đầu tư vào các khu vực này”.
Đối với hạ tầng thương mại biên giới, huyện Hướng Hóa có Trung tâm Thương mại Lao Bảo và 4 chợ bán kiên cố tại các xã biên giới; còn huyện Đakrông có 5 xã biên giới nhưng cho đến nay hạ tầng thương mại gần như không có. Việc cư dân biên giới được phép mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở cũng bị tác động bởi nhiều sự ràng buộc.
Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị Nguyễn Hữu Hưng cho biết: Hàng hóa của cư dân biên giới được miễn thuế trong định mức không quá 2.000.000 đồng/người/ngày/lượt và không quá 4 lượt/ tháng với mục đích dùng cho sản xuất và tiêu dùng; hoặc cây trồng, vật nuôi, hàng hóa được sản xuất bởi cư dân tại các huyện biên giới của Lào được miễn thuế khi nhập khẩu về nếu có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước CHDCND Lào về kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm; còn với thương nhân thì phải thu gom tại chợ biên giới và lập bảng kê. Thứ hai, hạ tầng biên giới còn hạn chế, trong đó hạ tầng thương mại biên giới của huyện Đakrông gần như không có.
Tiềm năng phát triển khu vực biên giới giữa Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan còn rất lớn. Để việc hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa các tỉnh đạt mục tiêu đề ra, các bên cần nhanh chóng khắc phục những rào cản, khó khăn; đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho người và hàng hóa qua biên giới.
Tiếp tục đổi mới chính sách quản lý xuất nhập khẩu, đơn giản hóa các chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là xây dựng các chợ biên giới, giao thông đến các cặp cửa khẩu phụ, lối mở và cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu phụ; hỗ trợ, ưu đãi các nhà đầu tư vào các địa bàn vùng biên giới hai nước ở các lĩnh vực như chế biến nông sản, chăn nuôi gia súc lớn… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh: Chính quyền các tỉnh giáp biên cần ưu tiên bố trí vốn và kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư. Các tỉnh cũng phải thống nhất kiến nghị Chính phủ hai nước tạo điều kiện công bố danh mục tại các cửa khẩu phụ được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Trên cơ sở đó, chính quyền hai bên có cơ sở bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát.
Tỉnh Quảng Trị có đường biên giới đất liền tiếp giáp với hai tỉnh Savannakhet và Salavan với tổng chiều dài hơn 187 km, có hai Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Ngoài ra, tỉnh còn có 4 cặp cửa khẩu phụ gồm: Tà Rùng – La Cồ, Cheng – Bản Mày, Thanh – Đenvilay, Cóc – A Xóc và 6 lối mở tạm thời biên giới.
Quảng Trị mong muốn các cửa khẩu phụ sớm được đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật để được công bố cửa khẩu phụ được phép thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Với mong muốn về chuyển đổi mô hình hợp tác từ tập trung vào công tác hữu nghị truyền thống sang mô hình hợp tác kinh tế theo hướng hai bên cùng có lợi và mang tính bền vững, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của các địa phương thôi là chưa đủ mà cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội từ phía Chính phủ hai nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào tăng cường trong hợp tác kinh tế.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang lập quy hoạch và phương án đề xuất cặp cửa khẩu phụ Cóc – A Xóc ở huyện Đakrông lên cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ Tà Rùng – La Cồ ở Hướng Hóa cho phép thương nhân mua bán, trao đổi hàng hóa; đồng thời đề xuất Bộ Công thương tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư hạ tầng thương mại biên giới, nhất là tại khu vực biên giới huyện Đakrông và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ triển khai các dự án, đề án phát triển thương mại biên giới tỉnh Quảng Trị.
Hiếu Giang