Thông tin từ UBND huyện Cam Lộ cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 17 doanh nghiệp chế biến gỗ (bao gồm các dự án sản xuất viên nén năng lượng, chế biến gỗ và dăm gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ) đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư.
Sản xuất sản phẩm gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu tại Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ – Ảnh: Anh Vũ
Nhìn chung, các dự án đầu tư thực hiện sản xuất kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký, bước đầu phát huy được hiệu quả KT – XH, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tiêu thụ gỗ rừng trồng trên địa bàn.
Tuy nhiên, công nghệ chế biến gỗ đơn giản, chủ yếu các doanh nghiệp mua máy xẻ, dây chuyền sản xuất chất lượng thấp, công nghệ chưa hoàn thiện nên sản phẩm làm ra ở dạng làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác.
Trong 17 doanh nghiệp, chỉ có Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ đã đầu tư và đưa vào hoạt động dự án nhà máy sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu nội, ngoại thất với dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh, hiện đại tại Cụm công nghiệp Cam Thành; các sản phẩm gỗ nội, ngoại thất của công ty đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Pháp và Đức. 16 dự án còn lại hoạt động chưa hết công suất, một số dự án phải ngừng hoạt động do không có nguyên liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu thị trường của các doanh nghiệp chưa được chú trọng dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định; nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải đóng cửa.
Công tác kết nối, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp chưa được chú trọng; việc dự báo nhu cầu thị trường còn hạn chế; thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm.
Anh Vũ