Những năm gần đây, nhờ được quan tâm đầu tư, nâng cấp, khuyến khích phát triển các loại hình thương mại nên hoạt động thương mại biên giới của tỉnh Quảng Trị có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương biên giới, vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào.
Chợ phiên biên giới Lao Bảo (Hướng Hoá) vào thứ 7 hằng tuần góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới – Ảnh: N.T
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch phát triển thương mại biên giới tỉnh Quảng Trị.
Sở Công thương đã chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị phổ biến Hiệp định thương mại biên giới Việt – Lào; phổ biến các thông tư của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định thương mại biên giới. Tổ chức đoàn liên ngành khảo sát các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn để lựa chọn và đề xuất UBND tỉnh công bố danh mục cửa khẩu phụ được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa.
Tham mưu UBND tỉnh công bố 13 thương nhân hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào; giải quyết các kiến nghị của cư dân và thương nhân xin qua lại các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới đất liền tỉnh Quảng Trị; hoàn thành việc thỏa thuận vị trí, hướng tuyến nhiều dự án đấu nối năng lượng từ Lào về Việt Nam có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch tỉnh và các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
Tại khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị, Sở Công thương đã hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh với kinh phí 2.460 triệu đồng (trong đó, hỗ trợ 2 đề án xúc tiến thương mại với kinh phí 790 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất 1.670 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công).
Tổ chức hội nghị hợp tác phát triển ngành công thương tỉnh Quảng Trị và ngành công thương các tỉnh bạn Lào. Kết nối doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị tham gia hội chợ tại Savannakhet cũng như mời doanh nghiệp các tỉnh Savannakhet, Salavan tham dự hội chợ trọng điểm của tỉnh hằng năm.
Hiện nay, hạ tầng thương mại biên giới tập trung chủ yếu tại khu vực biên giới huyện Hướng Hóa: 1 Trung tâm thương mại tại Lao Bảo (đã chuyển công năng về chợ); 4 chợ đã được đầu tư xây dựng, gồm: Chợ Hướng Phùng (xã Hướng Phùng), chợ Tân Phước (thị trấn Lao Bảo), chợ Tân Long (xã Tân Long) và chợ xã Thuận (xã Thuận và đã tạm dừng hoạt động năm 2011) thuộc huyện Hướng Hóa; 12 cửa hàng xăng dầu thuộc vùng biên giới, cửa khẩu, chủ yếu tập trung ở huyện Hướng Hoá; 2 siêu thị thuộc vùng biên giới, cửa khẩu. Ngoài hệ thống bãi chờ nhập và bãi chờ xuất tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có 2 dự án kho bãi đang triển khai xây dựng.
Nhìn chung, nhiều hoạt động phát triển thương mại khu vực biên giới đã được triển khai góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu khu vực biên giới tăng 3,7 lần trong vòng 10 năm (từ 241,9 triệu USD năm 2015 lên 895,67 triệu USD năm 2024). Riêng trong năm 2024, thương mại biên giới tăng so với năm 2023.
Tổng kim ngạch hai chiều qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh đạt 835,3 triệu USD (Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt 593,2 triệu USD, Cửa khẩu quốc tế La Lay đạt 242,1 triệu USD), tăng 27,77% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Xuất khẩu đạt 233,5 triệu USD, tăng 86,69%, nhập khẩu đạt 601,8 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, phân bón, xăng dầu; hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ, cao su, nước tăng lực, than đá, đường, nông sản, than củi…
Hoạt động xuất nhập cảnh hành khách đạt 806.124 lượt khách, tăng 12,33% so với cùng kỳ năm trước. Phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đạt 303.611 lượt, tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước. Trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 3,1 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung quản lý thương mại biên giới tại Hiệp định thương mại biên giới Việt Lào; các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại biên giới và kế hoạch phát triển thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị của UBND tỉnh.
Trong đó, tập trung vào hạ tầng thương mại biên giới, như: trung tâm logistics, kho bãi, cảng cạn, chợ…, đặc biệt khu vực biên giới huyện Đakrông. Các nội dung hợp tác tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu than giữa Việt Nam và Lào trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Các dự án đấu nối năng lượng từ Lào về Việt Nam. Các đề án hỗ trợ xúc tiến thương mại và khuyến công khu vực biên giới. Tiếp tục phối hợp triển khai các dự án: băng tải than, nâng cấp và mở các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn, cũng như các đề án thúc đẩy phát triển thương mại biên giới hai nước Việt – Lào.
Ngọc Trang
Nguồn: https://baoquangtri.vn/nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-trong-hoat-dong-thuong-mai-bien-gioi-191871.htm