QTO – Nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học, các nhà văn đã có nhận xét trong sáng tác, nhà văn Nguyễn Quang Hà đi bằng hai chân, chân phải là văn xuôi, chân trái là thơ. Thơ anh phần nhiều là thơ trữ tình nhưng đậm màu sắc triết lý.
Nhà thơ Mai Văn Hoan cho rằng: “Đưa chất triết lý vào thơ trữ tình không dễ chút nào. Nguyễn Quang Hà triết lý mà không cao siêu, triết lý mà không lý sự, triết lý mà không dạy đời. Chất triết lý góp phần giúp cho thơ trữ tình nói chung và thơ Nguyễn Quang Hà nói riêng vừa có chiều sâu tư tưởng, vừa có tầm cao trí tuệ”.
Biển Gio Hải bây giờ – Ảnh: T.L
Còn PGS, TS Hồ Thế Hà thì cho rằng thơ của Nguyễn Quang Hà là: “Thông điệp về tình yêu mộng ảo, về nỗi niềm nhân thế, hướng về người yêu, người thân; kiểm tra lại hành trang yêu và sống của mình trước khi hướng về Nhân dân, đất nước trong ý nghĩa tồn sinh và ân nghĩa…”.
Còn với tôi, thơ của Nguyễn Quang Hà giàu tính nhạc điệu. Bởi thế mà có nhiều bài thơ của anh như: Chiếc răng khểnh, Chiều tím, Âm thầm , Con còng gió, Xin lỗi Quy Nhơn… được các nhạc sĩ: Phương Tài, Võ Phương Anh Lợi, Đỗ Trí Dũng phổ nhạc.
Ở đây tôi muốn nói thêm, thơ Nguyễn Quang Hà còn có tính chất thông tin. Nghe điều này có người bảo tính thông tin là thuộc tính của báo chí, sao lại có trong thơ. Thì đây, bài thơ “Đến Gio Hải sau cơn bão số 8-1985” của Nguyễn Quang Hà là bài thơ đầy ắp thông tin, được coi như là “ký sự thơ”:
Đang đêm sóng thần ập vào
148 ngôi nhà bị cuốn đi mất tích
2.300 người lang thang
Đi trên đất cũ làng xưa
Chỉ thấy cát và cát
Mắt vu vơ không hồn
Ván nát thuyền ai đây?
Tường vỡ nhà ai đây?
Hình ảnh vệ tinh về Bão Cecil trên vùng biển Bình Trị Thiên – Nghĩa Bình, lúc đạt cường độ mạnh nhất vào ngày 15 tháng 10 năm 1985 – Ảnh T.L
Chỉ mấy câu thơ mở đầu đã thấy sự khốc liệt của cơn bão số 8 ở Bình Trị Thiên năm 1985. Cùng với cả tỉnh, nhiều nơi ở Quảng Trị năm đó nhà cửa, cây cối tan hoang sau cơn bão, dữ dội nhất là ở Gio Hải, Gio Linh, cả xã có 148 ngôi nhà bị sập đổ, hơn hai ngàn người rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”… Mà ngày ấy đất nước còn khó khăn, làm gì có sự tiếp tế phương tiện, lương thực khẩn cấp như bây giờ. Bởi vậy cảnh sống của người dân sau cơn bão dữ năm ấy thật cơ cực:
Gạo cứu trợ không có nồi nấu
Áo rách không có kim may
Bới đất đồi tìm nước ngọt
Cầm hơi qua ngày
Nhìn nhau, nhìn trời, nhìn đất
Bần thần ngơ ngác đôi tay
Sau bão, trời quang mây tạnh, biển yên bình… là quy luật của tự nhiên. Nhà thơ đã đến đây, quan sát để tìm câu trả lời, vì sao người dân của mình phải quanh năm đối mặt với thiên tai khắc nghiệt:
Tôi nhìn ra biển khơi xa
Biển xanh biêng biếc
Vẫn sóng bạc đầu
Vẫn hải âu bay
Như không hề có bão
Như không hề có giông
Như không hề có sóng thần chi cả
Càng cố nhìn sâu vào đại dương, nhà thơ bỗng nhận ra: “Bỗng tôi giật mình/ Nhận ra/ Mặt biển đêm qua và mặt biển bây giờ/ Rõ ràng bão giông là có thật/ Biển xanh là có thật”. Bão giông, biển xanh… là có thật mà nhà thơ còn như ngỡ ngàng chính cái sự thật nghiệt ngã của đại dương:
Ôi chẳng lẽ lại là có thật
Chẳng lẽ lại là của chính đại dương?
“Thì ra
Biển cũng
thay lòng
đổi dạ”.
Đến đây, người đọc chợt hiểu ra rằng hậu quả nào cũng có tác nhân gây ra. Nắng mưa, bão giông là chuyện của trời, có khi là “sự trả thù ghê gớm của thiên nhiên”, có khi vì “biển cũng thay lòng đổi dạ”.
Nghĩ rộng ra, trong cuộc đời, khi con người “thay lòng đổi dạ”, hậu quả chắc chắn… sẽ khó lường, có khi còn hơn cả… bão giông. Đó là “thực tại hai” mà các nhà nghiên cứu phê bình văn học hay nói tới trong văn bản thơ, cho dù có khi nhà thơ khi sáng tác có khi họ không nghĩ tới, hoặc đã nghĩ tới, nhưng không thể hiện trên hình hài con chữ.
Với bài thơ “Đến Gio Hải sau cơn bão số 8-1985”, tôi nghĩ trong thơ Nguyễn Quang Hà mang chứa thêm tính thông tin, ngoài tính triết lý, chuyển tải những thông điệp về tình yêu mộng ảo, về nỗi niềm nhân thế… mà nhiều người đã đề cập.
Minh Tứ