Chương trình nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải tối 6/7 đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân. Đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của chương trình này là tổng biên đạo múa Nguyễn Hải Trường – một người con của Quảng Trị từng thành công với nhiều chương trình, tác phẩm múa chuyên nghiệp. Bằng tất cả trái tim và nguồn cảm hứng bất tận từ mảnh đất quê hương, anh đã trực tiếp dàn dựng, biên đạo các tiết mục trong đêm khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 chạm vào cảm xúc người xem, khơi gợi về những ước vọng hòa bình từ đất thiêng Quảng Trị…
Một tiết mục ấn tượng, chạm vào cảm xúc khán giả tại đêm khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 – Ảnh: M.Đ
Hạnh phúc khi được trở về phục vụ quê hương
Nguyễn Hải Trường (sinh năm 1990) gây ấn tượng bởi nét cá tính, phong cách làm việc nghiêm túc và tập trung. Anh là một gương mặt biên đạo múa trẻ triển vọng, từng đoạt nhiều giải thưởng chuyên ngành biên đạo trên toàn quốc. “Trước khi tham gia chương trình Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, tôi từng tham gia nhiều lễ hội, chương trình lớn và may mắn thành công trong vai trò biên đạo. Đảm nhận vai trò tổng biên đạo buổi khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, ngoài trách nhiệm của một người biên đạo, tôi còn nỗ lực trên cương vị là một người con Quảng Trị”, anh Trường nói.
Anh Trường sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh. Lớn lên ở vùng quê lũy thép, nơi từng trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt nên câu chuyện về cuộc đấu tranh hào hùng của dân tộc đã ngấm vào cảm xúc và trí tưởng tượng của anh từ tấm bé. Trong đêm khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, 12 tiết mục được biên đạo và dàn dựng công phu đã truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa về hòa bình, chinh phục được trái tim của hàng nghìn khán giả. Để có được điều đó, tổng biên đạo Nguyễn Hải Trường cùng cộng sự và hơn 1.000 diễn viên đã dành trọn tâm sức cho chương trình.
Anh cho biết: “Những ngày diễn ra sự kiện, thời tiết Quảng Trị rất nắng nhưng vì khối lượng công việc khá nhiều nên tôi và ekip phải tiến hành tập luyện từ sáng sớm đến tối muộn. Với lực lượng diễn viên tham gia cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên lên đến 1.000 người, việc điều hành, hướng dẫn toàn bộ ekip sao cho nhịp nhàng, phối hợp ăn ý trong từng tiết mục khá vất vả. Với các diễn viên không chuyên, người biên đạo không chỉ có kỹ năng, kinh nghiệm mà phải có khả năng sư phạm, truyền đạt tốt, vì họ chưa có tố chất biểu diễn. Mặt khác, để truyền tải hết ý tưởng, thông điệp của những ca khúc trong chủ đề, tôi và tập thể diễn viên, đặc biệt là các diễn viên múa đã phải làm việc, tập luyện rất kỳ công”.
Tổng biên đạo múa Nguyễn Hải Trường (bên trái) và các cộng sự đã dành hết tâm sức cho đêm khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 tại Quảng Trị – Ảnh: M.Đ
Chủ đề chung “Kết nối những nhịp cầu” lấy vùng đất Quảng Trị làm trung tâm để khắc họa cảm hứng về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hoà bình, đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh gìn giữ độc lập tự do, tự hào vươn lên trong thời hội nhập bằng sức mạnh nội sinh, kết nối với sức mạnh của thời đại và viết tiếp câu chuyện hòa bình. 12 tiết mục trong chương trình là kết quả của một chuỗi những cuộc họp rất chi tiết về các kịch bản. Từ ý tưởng ban đầu của tổng đạo diễn, được chuyển thể thành các câu từ trên giấy rồi giao cho các biên đạo tính toán, chuyển tải các mặt giá trị cần có trong một chương trình vô cùng ý nghĩa như Lễ hội Vì Hoà bình năm 2024.
Dành tình yêu cho văn hóa dân tộc
Gắn bó với nghề múa hơn 13 năm qua, Nguyễn Hải Trường là một cái tên không mấy xa lạ với những ai yêu thích nghệ thuật múa. Ít ai biết rằng, chàng biên đạo trẻ này cũng từng trải qua những tháng ngày tuổi thơ gian khó, chật vật để theo đuổi đam mê.
Anh kể, vì gia đình khó khăn nên không có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật, cũng không có đủ kinh phí để đi học múa, hát dù rất thích. Thế nhưng, Hải Trường được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những câu chuyện truyền thống và lời ca, tiếng hát mang đầy niềm tin, hy vọng của người dân nơi quê hương “lũy thép, lũy hoa”. Năm 2008, anh thi đỗ Học viện múa Việt Nam và tốt nghiệp ngành diễn viên múa, sau đó tiếp tục học ngành biên đạo, rồi tốt nghiệp vào năm 2012.
Biên đạo Nguyễn Hải Trường là một trong số ít những người thuộc thế hệ 9x được biết đến với nhiều tác phẩm đặc sắc là những vở múa có đề tài về chiến tranh, cách mạng, không gian tâm linh, phong tục tập quán, sắc màu văn hoá các vùng miền, dân tộc… Các tác phẩm do anh dàn dựng phản ánh chân thực, sinh động không gian văn hóa, cuộc sống đa sắc màu của đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam; nghệ thuật hóa để đưa những giá trị lịch sử, nhân văn lên sân khấu. Một điều đặc biệt hơn, dù là một biên đạo trẻ, anh Trường vẫn rất thích tìm hiểu sâu và mong muốn thể hiện các đề tài chiến tranh, cách mạng, tái hiện cuộc đấu tranh nhiều gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của quân và dân Việt Nam. Anh thường chọn những đề tài khó với mong muốn sáng tạo không ngừng để đáp ứng yêu cầu của đơn vị tổ chức và thị hiếu của khán giả.
Bằng sự nỗ lực cùng niềm đam mê dành cho nghệ thuật, Hải Trường giờ đây là một trong những biên đạo múa trẻ đầy triển vọng của ngành múa Việt Nam. “Với tôi, sự hy sinh mất mát của những năm tháng chiến tranh ác liệt mà thế hệ cha anh đã trải qua là nguồn tư liệu phong phú nhất để xây dựng nên các tác phẩm múa mang đậm màu sắc Việt, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngoài ra, tôi thường lựa chọn đưa những nét văn hóa đậm chất dân gian vào tác phẩm múa để khán giả, đặc biệt là những người trẻ hiểu và yêu phong tục truyền thống của Việt Nam hơn”, anh Trường chia sẻ.
Trong suốt hành trình làm nghề của mình, anh Trường có dịp đi đến nhiều vùng, miền và khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Mỗi chuyến đi, anh đều dành thời gian quan tâm, tìm hiểu những nét độc đáo, đặc trưng trong văn hóa, phong tục, tín ngưỡng và đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Có những ngày, anh ăn, ở cùng đồng bào dân tộc thiểu số để cảm nhận trực tiếp không gian sinh hoạt, giao tiếp của bà con. Để rồi khi trở về, những bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, hình ảnh người Việt Nam với 54 dân tộc anh em được anh nghệ thuật hóa, sáng tạo hợp lý và đưa lên sân khấu múa.
“Biên đạo múa là một nghề có nhiều “đất sống” nhưng rất “kén người”, vì vậy đòi hỏi người làm nghề phải không ngừng sáng tạo, có “chất” riêng cho mình. Thời gian tới, tôi tiếp tục nỗ lực tìm kiếm nguồn cảm hứng, bối cảnh, tư liệu về đề tài truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời phối hợp với nhiều bạn trẻ cùng chung niềm đam mê với nghệ thuật múa thường xuyên trau dồi, học hỏi để nâng cao chất lượng các tác phẩm của mình”, anh Trường nói thêm.
Minh Đức
Nguồn: https://baoquangtri.vn/nguon-cam-hung-bat-tan-tu-manh-dat-que-huong-187191.htm