Sáng 4/2 (tức 25 tháng Chạp), nhiều làng ở Gio An tổ chức nghi lễ dựng cây nêu báo hiệu Tết đến xuân về, cầu mong dân làng bình an vô sự, xua tan điều xấu.
Cây nêu cầu mong dân làng bình an ở An Nha – Ảnh: Hoàng Táo
Tờ mờ sáng, đông đảo bô lão, người dân làng An Nha tề tựu về đình làng để làm lễ thượng nêu. Trong tâm thức người An Nha, thượng nêu là nghi lễ trọng đại và không thể thiếu để báo hiệu một năm âm lịch đã kết thúc, xuân mới lại về. Do đó, bậc cao niên thì áo dài khăn đóng, thanh niên thì áo quần chỉnh tề cùng phụ giúp lễ thượng nêu.
Trước lễ nhiều ngày, các bô lão đi khắp làng để chọn một cây treo to, khỏe nhất, thẳng thắn, không gãy ngọn để làm cây nêu. Trước lễ một ngày, trai tráng chặt hạ cây tre được chọn đưa về chùa Long Phước ở sát đình làng.
Chùa Long Phước được người dân An Nha phục dựng lại sau này. Tương truyền, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mất, thương nhớ công ơn của ngài, dân làng An Nha lập nên miếu thờ chúa. Các đời chúa và vua nhà Nguyễn sau này biết chuyện nên ban sắc phong, đổi dựng từ miếu thờ thành chùa Long Phước.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, trưởng làng An Nha, cho hay việc cây nêu được rước từ chùa Long Phước đến đình làng thể hiện sự nối tiếp truyền thống, biết ơn người mở cõi của con dân làng An Nha. “Chúng tôi mong muốn việc rước nêu như mạch nguồn chảy mãi từ cha ông đến con cháu sau này, là sự tri ân tiền nhân. Thượng nêu xua đuổi đi điều xấu, cầu mong cho dân làng năm mới an khang thịnh vượng, dồi dào sức khỏe, năm mới mưa thuận gió hòa”, ông Xuân bộc bạch.
An Nha nằm về phía tây huyện Gio Linh, có phong cảnh hữu tình. Đình làng An Nha nằm ở triền đồi rất đẹp, có cây đa, giếng nước trước đình. Phía trước đình có ruộng rau xà lách xoong xanh ngút ngàn.
Ngoài An Nha, cũng trong ngày này, nhiều ngôi làng khác ở xã Gio An cũng có tập tục dựng cây nêu là Tân Văn, Gia Bình, Long Sơn, Hảo Sơn, An Hướng. Nghi lễ dựng nêu tổ chức đầy đủ các bước nhưng ngắn gọn. Sau Tết, ngày mồng 7 tháng Giêng, tất cả các làng cùng làm lễ hạ nêu.
Hoàng Táo